Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

Trám trắng, vị thuốc giải độc

Trám trắng còn gọi là: Thanh quả, cà na, cảm lãm, mác cơm, cây bùi. Tên khoa học: Canarium album (Lour.) Raeusch, họ Trám (Burseraceae).
Cây gỗ to, cao khoảng 15 - 20m. Cành non màu nâu nhạt, có lông mềm. Lá kép lông chim, mọc so le, dài khoảng 30 - 40cm, gồm 7 - 11 lá chét. Lá gần gốc có đầu ngắn; lá ở giữa dài hơn, có đầu thuôn dài; lá tận cùng hình bầu dục. Lá chét dài 5 - 17cm, rộng 2 - 6cm, mép lá nguyên. Gân lá hơi rõ, mặt trên lá màu xanh nhạt, bóng; mặt dưới có lông mềm màu nâu bạc. Hoa mọc thành chùm kép ở đầu cành hay kẽ lá, tụ họp 2 - 3 hoa ở một mấu. Hoa hình cầu, màu trắng. Quả hình thoi, hai đầu tù, dài khoảng 45mm, rộng 20 - 25mm, khi chín có màu vàng nhạt, trong có hạch cứng nhẵn, hình thoi với 2 đầu nhọn, trong có 3 ngăn. Mùa ra hoa: tháng 6 - 7, mùa quả tháng 8 - 10. Ở nước ta còn có loài trám đen (Canarium nigrum Lour. Engl.), họ trám (Burseraceae). Là cây cao trung bình, lá kép hình lông chim, gồm 4 đôi lá chét. Hoa mọc thành chuỳ mang những nhánh gồm nhiều chùm tán 6 - 10 hoa. Quả hình trứng, màu tím đen. Cây được trồng ở nhiều nơi của nước ta để lấy quả để ăn và lấy nhựa. Nhân trám đen và trắng đều có khoảng 50 - 70 % chất colophan.
Bộ phận dùng: quả tươi hoặc khô rễ, lá và nhựa cây. Trám có vị ngọt, chua, tính bình; vào kinh phế vị. Công dụng thanh nhiệt sinh tân, giải độc. Dùng cho các trường hợp đau sưng họng, viêm khí phế quản, sốt nóng, khát nước, ngộ độc cua cá.
Trám là món ăn - vị thuốc chữa nhiều bệnh.
Một số món ăn - bài thuốc chữa bệnh có trám
Cháo trám vừng: Vừng đen 30g, trám quả 20g, bạch truật 15g, đào nhân 5g, mật ong 20g, gạo tẻ 60g. Đào nhân bóc bỏ vỏ và tâm. Đem bạch truật và trám nấu lấy nước. Lấy nước sắc được nấu cháo với gạo tẻ, vừng đen và đào nhân, khi cháo được cho thêm mật ong, khuấy đều. Ngày ăn 1 - 2 lần. Dùng mỗi đợt 7 - 20 ngày. Dùng cho các trường hợp viêm khí phế quản ho khan ít đờm, đau sưng họng.
Xi-rô trám củ cải: Trám 20g, củ cải 500g, rau mùi 30g. Củ cải thái lát thêm nước nấu với trám, sau thêm rau mùi, đường trắng (hoặc chút muối, khuấy đều, gạn lấy nước cho uống, Ngày sắc 1 lần, chia uống nhiều lần trong ngày. Dùng cho các trường hợp sởi, thủy đậu thời kỳ nổi ban, sốt phát ban....
Thanh quả lô căn ẩm: Quả trám 10g, rễ sậy (lô căn) 30g. Trám đập vụn cùng rễ sậy đem sắc trong 30 phút. Dùng cho các trường hợp cảm nóng, cảm nắng, sốt nóng đau đầu, đau sưng họng, ho khan ít đờm.
Nước sắc trám mạch môn: Trám 30g, mạch môn 10g, huyền sâm 15g, cam thảo 6g. Cả 4 vị thuốc đều thái vụn, chia nhiều ấm nhỏ hãm cho uống trong ngày. Dùng liên tục một đợt 7 - 20 ngày. Chữa trường hợp viêm họng, viêm khí phế quản mạn tính, ho có đờm, đau sưng họng.
Chữa ngộ độc do ăn phải cá độc: trám 3 - 5 quả, sắc lấy nước để uống.
Chữa viêm tắc mạch: Quả trám trắng 200g, luộc kỹ, ăn và uống cả nước. Dùng liền trong 50 ngày.
Cao trám: Quả trám tươi 500g, đường trắng 125g. Đập vỡ quả, nấu với nước nhiều lần, bỏ bã, lấy nước, cho 125g đường trắng, hoà tan, lọc và cô lại còn 250ml. Ngày uống 2 - 3lần, mỗi lần 8 - 15ml, uống với nước đun sôi để nguội. Chữa cổ họng sưng đau, miệng ráo, lưỡi khô, nhiều đờm.
Chữa đau răng, sâu răng: Quả trám đốt thành than, tán mịn, trộn với xạ hương. Bôi và xỉa vào chỗ đau.
Chữa lở sơn: Vỏ cây trám chặt nhỏ, nấu với nước để tắm.
Chữa nứt nẻ kẽ chân, gót chân khi trời rét: Hạt trám đốt thành than, tán mịn, thêm dầu lạc hay dầu vừng, trộn đều. Bôi hàng ngày.
Chữa tràng nhạc: Hạt trám, hạt gấc, vỏ quả mướp đắng đốt thành than, các vị liều lượng bằng nhau. Trộn đều, hoà với mỡ lợn, bôi vào chỗ sưng.
Quả trám tươi xanh có tác dụng giải độc rượu, chữa ngộ độc do cua cá. Quả chín có tác dụng an thần, chữa động kinh. Nhân hạt trị giun và chữa. Nhựa trám cất lấy tinh dầu, dùng trong kỹ nghệ nước hoa, colophan dùng trong kỹ nghệ vecni, xà phòng. Nhựa trám trộn với bột cây đậu tương, hương bài làm hương thơm. Do đó cây trám có nhiều tác dụng hữu ích trong phòng bệnh và chữa bệnh, cũng như kinh tế, dân sinh.



Đại táo bổ huyết an thần

Đại táo, còn gọi là táo tàu, táo đen, hồng táo, có tên khoa học là Zizyphus jujuba Lamk, là một vị thuốc rất thông dụng trong y học cổ truyền và cũng là một loại thực phẩm quen thuộc thường được dùng để chế biến các món ăn, làm đồ tráng miệng, làm bánh hoặc làm mứt. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, đại táo có giá trị dinh dưỡng rất cao. Ước tính, cứ mỗi 100g đại táo có chứa 1,2g protid, 23,2g glucid, 0,2g lipid, 14 mg Ca, 23 mg P, 0,5g Fe, 0,01mg vitamin A, 0,06mg vitamin B1, 540mg vitamin C. Theo tính toán, lượng vitamin C trong đại táo tươi cao gấp 16 lần long nhãn tươi, 26 lần lệ chi tươi (quả vải) và 82 lần bình quả tươi (loại táo to nhập khẩu từ châu Âu hoặc Trung Quốc). So với nho khô, lượng đạm, các vitamin và nguyên tố vi lượng cao gấp nhiều lần.
Theo dược học cổ truyền, đại táo vị ngọt, tính ấm, có công dụng bổ trung ích khí, dưỡng huyết an thần, thường được dùng để chữa rất nhiều bệnh, trong đó có chứng thiếu máu do nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể dẫn ra một vài ví dụ điển hình:
Bài 1: Đại táo 20 quả, xương ống chân dê 2 cái, gạo nếp lượng vừa đủ. Đại táo rửa sạch, dùng dao khía dọc, xương dê chặt nhỏ, hai thứ đem ninh với gạo nếp thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày, 15 ngày là 1 liệu trình. Công dụng: dưỡng khí sinh huyết, kiện tỳ dưỡng vị, dưỡng can ích thận, thường được dùng để phòng chống chứng thiếu máu.
Bài 2: Đại táo 15 quả, mộc nhĩ đen 30g, đường phèn lượng vừa đủ. Mộc nhĩ ngâm nước ấm cho nở hết rồi rửa sạch, thái nhỏ; đại táo rửa sạch, bỏ hạt. Hai thứ đem nấu chín rồi chế thêm một chút đường phèn, ăn nóng. Công dụng: đại bổ khí huyết, dưỡng can ích thận, kiện tỳ dưỡng vị, thường dùng để chữa chứng thiếu máu.
Bài 3: Đại táo 10 quả, hải sâm 50g, xương lợn 200g. Đại táo rửa sạch, bỏ hạt; xương lợn chặt nhỏ. Tất cả đem hầm nhừ, chế thêm gia vị, ăn nóng. Mỗi ngày dùng 1 thang, 10 ngày là 1 liệu trình, giữa 2 liệu trình cách nhau 4 ngày. Công dụng: đại bổ khí huyết, kiện tỳ dưỡng vị, thường dùng để chữa chứng thiếu máu.
Bài 4: Đại táo 50g, đậu xanh 50g, đường đỏ lượng vừa đủ. Đại táo rửa sạch, dùng dao khía dọc; đậu xanh đãi kỹ. Hai thứ đem ninh nhừ rồi chế thêm đường đỏ, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: đại bổ khí huyết, kiện tỳ dưỡng vị, ích thận dưỡng can, thường dùng để chữa chứng thiếu máu.
Bài 5: Đại táo 10 quả, da lợn 100g, gân chân lợn 15g. Da lợn rửa sạch, thái miếng; đại táo bỏ hạt, cho cả ba thứ vào ninh thật nhừ, chế thêm gia vị, ăn nóng. Công dụng: đại bổ khí huyết, thông kinh hoạt lạc, bổ dưỡng ngũ tạng, dùng để chữa chứng thiếu máu.
Bài 6: Đại táo 20g, đẳng sâm 30g, hoài sơn 30g, long nhãn 30g, hoàng kỳ 30g, phục linh 30g, cam thảo 10g, bạch truật 20g, kỷ tử 20g, sơn thù 15g, đương quy 15g, mật ong 200g. Đem tất cả các vị thuốc sắc kỹ với 1.000ml nước, lấy 500 ml rồi cho mật ong vào cô nhỏ lửa thành dạng cao đặc. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 20 ml. Công dụng: đại bổ khí huyết, ôn bổ ngũ tạng, dưỡng can ích tỳ, sinh huyết dưỡng huyết, dùng để phòng chống chứng thiếu máu rất hữu hiệu.




Lá xương sông trị ho tiêu đờm

Xương sông là loại cây được nhân dân trồng khắp nơi, dùng để ăn uống, làm gia vị và làm thuốc chữa cảm cúm, sổ mũi, ho hen, viêm họng, đau họng, nhức răng, loét lưỡi loét miệng, cam sài trẻ em… Theo Đông y lá xương sông có tác dụng bổ phế, chống co thắt phế quản, tiêu đờm đặc biệt là những trường hợp do phế nhiệt.
Sau đây là một số bài thuốc có dùng lá xương sông:
Ho do phế nhiệt: Ho khan, ho kéo dài, người bệnh không ngừng được: lá xương sông, lá dâu, lẫm đề, mỗi thứ một nắm nấu nước uống (cách 30 phút uống 1 lần)
Cảm cúm nhức đầu sổ mũi, đau họng rát họng, ho mắc đờm: Lá xương sông 24g, cát cánh 12g, tía tô 16g, trần bì 12g, mạch môn 16g, cam thảo 12g, sinh khương 6g sắc uống hoặc lá xương sông 24g, mạch môn 16g, ngũ vị 12g, xa tiền 12g, bán hạ 10g, hậu phác 12g, mơ muối 12g, trần bì 12g, đại táo 16g, cam thảo 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Trẻ nhỏ bị ho, sốt nhẹ: Lá xương sông 6g, lá hẹ 6g, hai thứ rửa sạch thái nhỏ bỏ vào chén con, đường trắng 1 thìa, mật ong 4 thìa. Đưa bát thuốc hấp vào nồi cơm khi chín mang ra để nguội, lấy nước thuốc trong bát cho trẻ uống 4 – 5 lần trong ngày
Khi dùng phải thức ăn không hợp vệ sinh gây đau bụng đầy bụng, nôn mửa: Lá xương sông 30g, tía tô 30g, sinh khương 10g, hậu phác 10g, trần bì 10g, chỉ xác 10g. Cho các vị vào ấm, đổ 3 bát nước, nấu sôi 10 phút, rót ra bát uống dần.
Trong vú có u cục đau nhức: Lá xương sông và lá đinh lăng mỗi thứ một nắm, giã nhỏ đắp tại chỗ, băng lại, đồng thời cho uống: Rễ xương sông 12g, nam tục đoạn 12g, kinh giới 12g, hoa hòe (sao vàng) 16g, củ đinh lăng 16g, trinh nữ 16g, cho các vị vào ấm đổ 3 bát nước, sắc còn 1,5 bát chia 2 lần uống trong ngày (uống khi thuốc còn ấm).
Người cao tuổi bị đau răng nhức răng, tụt lợi: Rễ xương sông rửa sạch phơi khô 20g, hoàng liên 10g, hai thứ cho vào chai thủy tinh, đổ ngập rượu để ngâm, ngâm khoảng 10 ngày là có thể dùng dược, dùng bông chấm thuốc bôi vào răng lợi.
Lương y Trịnh Văn Sỹ



Hoàng liên trị mụn nhọt, lỵ

Hoàng liên còn gọi hoàng liên chân gà, xuyên liên, tên khoa học là Rhizoma Coptidis. Hoàng liên là phần thân rễ ở dưới đất của cây hoàng liên (Coptis sp.). Cây mọc hoang ở vùng núi cao Hoàng Liên Sơn (SaPa). Hoàng liên chứa alcaloid... và các chất vô cơ (Zn, Cu, Mn, Se...) vị đắng, tính hàn; vào các kinh tâm, phế, can, thận, vị và đại tràng, hoàng liên có tác dụng thanh nhiệt táo thấp (thanh nhiệt ở tim tốt nhất), tả hỏa, giải độc. Trị các chứng thấp nhiệt hạ lỵ, nôn, vị hỏa đau răng, chứng tiêu khát, can hỏa sườn đau, tâm hỏa phiền táo, khó ngủ, mê man nói sảng, thổ huyết, nục huyết, hạ huyết, ung nhọt sang độc, tai mắt sưng đau. Liều dùng: 2g - 12g.
Hoàng liên là vị rất đắng và rất hàn, dùng liều lượng nhỏ có tác dụng kiện vị, trợ tiêu hóa, dùng nhiều quá thì làm hư dạ dày vì đắng hàn làm cho tiêu hóa kém đi. Khi sao với rượu, có tác dụng thanh trừ hỏa nhiệt ở phần trên. Sao với nước gừng, tăng cường hiệu quả chống nôn. Sao với nước ngô thù du, có tác dụng tả hỏa nhiệt ở gan mật.
Hoàng liên thanh nhiệt tả hỏa, giải độc, trị mụn nhọt, lỵ do thấp nhiệt.
Một số cách dùng hoàng liên trị bệnh:
Tả tâm hỏa, phiền táo:
Bài 1: Thang tả tâm: hoàng liên 8g, hoàng cầm 12g, đại hoàng 16g. Sắc uống. Trị tà hỏa nung nấu bức huyết vong hành, chảy máu cam, tiểu tiện bí, đái đỏ; thấp nhiệt tiềm tàng, trong ngực nóng bứt rứt đầy tức, rêu lưỡi vàng dày, mắt đỏ sưng tấy, miệng lưỡi phát nhọt và lên mụn đinh, nóng bứt rứt trong tim, trong ngực, tiểu tiện bí.
Bài 2: Thang hoàng liên a giao: hoàng liên 3g, a giao 8g, lòng đỏ trứng gà 1 cái, thược dược 12g, hoàng cầm 8g. Sắc nước pha uống. Trị các bệnh nhiệt, nhiệt thừa không hết, tim hồi hộp không ngủ.
Giải độc, trị nhọt:
Bài 1: Thang hoàng liên giải độc: hoàng liên 8g, hoàng bá 8g, hoàng cầm 8g, chi tử 12g. Sắc uống. Dùng cho trường hợp nhiệt độc phát nhọt.
Bài 2: Hoàng liên 8g, thạch xương bồ 4g. Sắc uống. Trị họng miệng sưng nhọt.
Mát ruột, trị lỵ: dùng với chứng tiết tả do thấp nhiệt ở ruột và dạ dày, đi lỵ ra máu mủ, mót rặn.
Bài 1: hoàng liên 12g, nghiền thành bột mịn, chia uống làm 3 lần trong ngày, uống với nước.
Bài 2: hoàng liên 4g, hoàng bá 12g, bạch đầu ông12g, tần bì 12g, cát căn 12g, mộc hương 8g. Sắc uống. Trị lỵ trực trùng cấp, sốt cao, đái ra máu mủ.
Bài 3: Hoàn hương liên: hoàng liên 125g, mộc hương 20g. Các vị nghiền thành bột, làm hoàn. Ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 4g - 8g, uống với nước.
Mát gan, sáng mắt: dùng trong trường hợp tích tụ thấp nhiệt ở gan mật, mắt đau sưng đỏ, chảy nước mắt, sợ ánh sáng.
Bài 1: hoàng liên cắt vụn 4g, hấp cơm, gạn lấy 4ml nước; trộn với sữa mẹ, đồng lượng. Nhỏ vào mắt, ngày 2 - 3 lần.
Bài 2: Hoàn hoàng liên thiên hoa phấn: hoàng liên 8g, thiên hoa phấn 12g, hoàng cầm 8g, chi tử 12g, cúc hoa 12g, xuyên khung 4g, bạc hà 4g, liên kiều 12g, hoàng bá 8g. Sắc uống.
Mát dạ, cầm mửa: dùng cho trường hợp dạ dày nhiệt, nôn nước đắng và nước chua.
Bài 1: hoàng liên 3g, tô diệp 3g. Sắc uống. Trị dạ dày nóng gây nôn, phụ nữ có thai bị nôn.
Bài 2: Hoàn tả kim: hoàng liên 6 phần, ngô thù du 1 phần. Các vị nghiền thành bột làm hoàn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 4g, uống với nước ấm. Trị nôn ra nước chua, đau cạnh sườn.
Kiêng kỵ: Người nóng bứt rứt do âm hư, người tỳ hư, tiêu chảy kiêng dùng.


Ngày xuân, nói chuyện hoa mai làm thuốc

Nói đến hoa xuân không thể không nói đến hoa mai. Tết đến xuân về, dẫu tiết trời giá rét, hoa mai vẫn nở trắng một màu như tuyết. Ở vùng cao, mai mọc thành rừng, nên đến mùa hoa mai nở, từng mảng trắng xóa xen giữa màu xanh của rừng núi tạo nên cảnh sắc trông thật trữ tình. Thi nhân yêu hoa mai đã đành, người thầy thuốc cũng mến chuộng loài hoa này.
Hoa mai nói đến ở đây là hoa mai trắng (bạch mai hoa), ở ta chính là hoa của cây mơ, tên khoa học là Prunus armeniaca L., còn được gọi là lạp mai, bạch mai, lạp mộc, hương mai, hoàng lạp, tuyết lý hoa... Cần phân biệt với cây mai vàng (Ochna integerrima Lour) thường được trồng làm cảnh. Cũng như đào và mận, mai có nguồn gốc từ Trung Quốc và Nhật Bản. Cây mai nhỏ, cao chừng 4 - 5m, hoa mọc đơn độc ở kẽ những lá đã rụng, có cuống ngắn, màu trắng và có mùi thơm, đài hình bánh xe, 5 răng nhỏ, tràng 5 cánh mỏng, nhị nhiều xếp thành 2 vòng, bầu thượng, một ô.
Trong thành phần hóa học, hoa mai chứa nhiều tinh dầu như cineole, borneol, linalool, benzyl alcohol, farnesol, terpineol, indol... và một số chất khác như meratin, calycanthine, caroten... Nghiên cứu hiện đại cho thấy, hoa mai có tác dụng thúc đẩy bài tiết dịch mật, ức chế một số loại vi khuẩn như coli, trực khuẩn lỵ, trực khuẩn thương hàn, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn lao...
Hoa mai.
Theo dược học cổ truyền, hoa mai vị ngọt hơi đắng, tính ấm, không độc, có công dụng giải thử sinh tân, khai vị tán uất, hóa đàm, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như sốt cao phiền khát, tức ngực, ho, hầu họng sưng đau, bỏng, lao hạch, chán ăn, chóng mặt... Các y thư cổ như Bản thảo cương mục, Bản thảo nguyên thủy, Bách thảo kính, Bản thảo tái tân, Cương mục thập di, Thực vật nghi kỵ... đều đã ghi lại nhiều phương thuốc có dùng hoa mai với những kiến giải khá sâu sắc. Có thể dẫn ra một số ví dụ cụ thể như sau:
- Trúng thử gây tâm phiền, đau dầu, chóng mặt: (1) Hoa mai 9g sắc uống hoặc phối hợp hoa mai với hoa biển đậu và lá sen tươi lượng vừa đủ, sắc uống. (2) Hoa mai 15g, hoa cúc trắng 15g, hoa hồng 15g, hãm uống thay trà.
- Tăng huyết áp, cơn đau thắt ngực: Hoa mai 3g, thảo quyết minh 10g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
- Mai hạch khí, đau dạ dày, viêm gan và xơ gan mức độ nhẹ: Hoa mai 5g đem ninh với 100g gạo tẻ thành cháo, chế thêm đường trắng, chia ăn vài lần trong ngày. Mai hạch khí là chứng cảm thấy trong họng có vật gì đó gây bế tắc, thổ không ra, nuốt không trôi nhưng không gây trở ngại cho việc ăn uống. Với chứng bệnh này người ta còn dùng hoa mai 12g, hoa quế 3g, trà 20g, ba thứ trộn đều, chia làm 3 lần hãm uống thay trà.
- Chướng bụng, đầy hơi: Hoa mai 10g, mộc hương 10g, hương phụ 15g, sắc uống.
- Đau bụng do lạnh: Hoa mai và chu sa liên lượng bằng nhau, sấy khô, tán bột, uống mỗi lần 3 - 6g với rượu nhạt.
- Nấc: Hoa mai 5g, tai hồng (thị đế) 5 cái, gừng tươi 3 lát, gạo tẻ 100g. Đem gừng tươi và thị đế sắc kỹ lấy nước, bỏ bã rồi cho gạo vào nấu thành cháo, khi chín thì cho hoa mai vào, đun sôi vài dạo là được, chia ăn vài lần trong ngày.
- Nôn: Hoa mai 5g, nước cốt gừng tươi 5ml. Đem hoa mai hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút là dùng được, chắt ra hòa thêm nước gừng tươi rồi uống, mỗi ngày dùng 2 thang.
- Viêm họng, viêm amydal cấp tính: (1) Hoa mai 6g, huyền sâm 9g, bản lam căn 9g, sắc uống. (2) Hoa mai 15g, kim ngân hoa 15g, thạch cao 15g, huyền sâm 9g, sắc uống. (3) Hoa mai 9g hãm với nước sôi trong bình kín, uống thay trà trong ngày.
- Viêm họng mạn tính: (1) Hoa mai 6g, hoa dành dành 5g, trà 20g. Ba thứ trộn lẫn chia làm 2 lần hãm với nước sôi uống thay trà, mỗi ngày 1 thang. (2) Hoa mai và hoa ngọc trâm lượng vừa đủ đem nấu với 60g gạo tẻ thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày, mỗi ngày 1 thang.
- Ho dai dẳng: (1) Hoa mai 9g hãm uống thay trà trong ngày. (2) Hoa mai 10g, khoản đông hoa 10g, gạo tẻ 60g, tất cả đem ninh thành cháo, chế thêm một chút mật ong, chia ăn vài lần trong ngày.
- Mất nước nhiều do thử nhiệt gây phiền khát, tức ngực: Hoa mai 10g, lá sâm 10g, cam thảo 10g, mạch môn 15g, hoắc hương 6g, sắc uống.
- Chứng chán ăn do thử nhiệt: Hoa mai 10g, lá sen 50g, hãm với nước sôi uống thay trà trong ngày.
- Tức ngực, khó thở: Hoa mai 10g, đan sâm 10g, qua lâu 15g, sắc uống trong ngày.
- Đau khớp do phong thấp: Hoa mai 9g, thạch nam đằng 9g, thố nhĩ phong 9g, đam ngâm với 200ml rượu, mỗi lần uống 30 - 50ml.
- Viêm kết mạc cấp tính: Hoa mai 6g, cúc hoa 9g sắc kỹ rồi hòa thêm một chút mật ong uống.
- Tổn thương do trật đả: Hoa mai 9g, lá liễu 9g, quá sơn long 9g, đem ngâm với 250ml rượu trắng, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 50ml.
- Vết thương chảy máu: Hoa mai 10g đem sao tồn tính rồi tán thành bột rắc vào vết thương.
- Viêm loét môi và niêm mạc miệng: Hoa mai tươi lượng vừa đủ đem giã nát với đường trắng rồi vắt lấy nước bôi vào tổn thương.
- Loa lịch (lao hạch): Hoa mai lượng vừa đủ, trứng gà 1 quả. Dùng dao nhọn chích một lỗ nhỏ ở quả trứng rồi nhét hoa mai vào trong, đem hấp cách thủy cho chín rồi ăn, mỗi ngày 1 lần, 7 lần là một liệu trình.
- Viêm da lở loét: Hoa mai 6g đem ngâm với dầu lạc hoặc dầu vừng, sau 2 tuần thì dùng được, bôi vào tổn thương mỗi ngày 2 lần.
- Bỏng: Hoa mai lượng vừa đủ ngâm với dầu trà rồi bôi vào vùng bị bỏng.
Ngoài ra, trong ẩm thực cổ truyền, hoa mai còn được cổ nhân sử dụng như một loại thực phẩm để chế thành những món ăn có công dụng bổ dưỡng cường thân cùng với các loại thực phẩm khác như thịt lợn, thịt dê, hải sâm, trứng gà, cá chép, nấm hương... Như vậy, với vẻ đẹp tao nhã và hương thơm thanh khiết của mình, hoa mai không những có giá trị thẩm mỹ sâu sắc mà còn là một vị thuốc hay và một loại thực phẩm độc đáo.


Hạt hẹ - Vị thuốc quý cho nam giới


Hẹ
Hẹ còn gọi là cửu thái, tên khoa học: Allium tuberosum Rottl. et Spreng. Hẹ được dùng làm gia vị và làm thuốc chữa bệnh.
Bộ phận dùng: Cây hẹ (cửu thái); hạt hẹ (cửu tử). Theo Đông y, cửu thái vị cay, tính ôn; vào can, vị, thận. Cửu tử vị cay, tính ôn; vào can thận. Cửu thái có tác dụng ôn trung hành khí, kiện vị, tán ứ giải độc, bổ thận tráng dương. Dùng cho các trường hợp đau tức vùng ngực, nấc cục, nôn thổ, thổ huyết, niệu huyết, trĩ xuất huyết, bệnh tiểu đường, dị ứng nổi ban, liệt dương, di tinh. Theo kinh nghiệm dân gian, lá và thân hẹ chữa ho trẻ em, hen suyễn, giun kim, lỵ amíp, tiêu hóa kém. Hạt hẹ (cửu tử) có tác dụng bổ thận tráng dương ích tinh. Dùng cho các trường hợp liệt dương di tinh, di niệu, đau lưng do lạnh, đau mỏi lạnh chân, huyết trắng đới hạ.
Hẹ được dùng làm thuốc trong các trường hợp:
+ Nam giới thận hư, di mộng tinh, phụ nữ bạch đới: hạt hẹ ngâm giấm, rang khô, tán bột; dùng mật ong làm hoàn, viên bằng hạt đậu. Ngày uống 3 - 5g, uống vào lúc đói với rượu nóng.
+ Rượu bổ dùng cho nam giới: hạt hẹ 40g, tằm đực khô 200g, dâm dương hoắc 120g, câu kỷ tử 40g, kim anh tử 100g, ngưu tất 60g, ba kích 100g, thục địa 80g, sơn thù 60g, mật ong 800ml, rượu 400 4 lít. Ngâm 20 - 30 ngày. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 20ml. Tăng cường hoạt động sinh dục.
- Rau hẹ, hồ đào xào dầu vừng: rau hẹ 240g, hồ đào nhân 60g. Xào với dầu vừng, ngày ăn 1 lần, dùng trong 1 tháng. Dùng cho người đau lưng liệt dương.
- Cháo lá hẹ: lá hẹ tươi 60g, gạo tẻ 100g. Nấu cháo gạo, khi cháo được, cho hẹ vào, thêm muối vừa ăn. Dùng cho bệnh nhân đau bụng tiêu chảy, liệt dương di tinh.
- Cháo hạt hẹ: hạt hẹ 200g, gạo lứt 300g. Tất cả nấu cháo, lọc gạn lấy nước, chia 3 lần uống trong ngày. Dùng cho bệnh nhân mệt mỏi suy nhược, di tinh, di niệu.
Kiêng kỵ: Sốt nóng viêm nhiễm lở ngứa, đau mắt đỏ đều không dùng.
TS. Nguyễn Đức Quang



Hoàng cầm trị vàng da

Hoàng cầm là rễ khô của cây hoàng cầm (Scutellaria baicalensis Georg.). Theo Đông y, hoàng cầm vị đắng, tính hàn; vào các kinh tâm, đởm, đại tràng và tiểu tràng. Có tác dụng thanh nhiệt (thanh nhiệt ở phổi rất tốt), vàng da, lợi thấp, tả hỏa, chỉ huyết, an thai. Trị các chứng thấp ôn, hoàng đản, vàng da (nhiệt lâm), phế nhiệt khái thấu, ung nhọt sang độc, phong ôn thực nhiệt. Hoàng cầm sống thường dùng thanh nhiệt tả hỏa; khi sao lên thì dùng cầm máu và làm mất tính đắng hàn dễ tổn thương đến dạ dày; sao với rượu có thể tăng cường thanh trừ hỏa nhiệt ở phần trên cơ thể. Liều dùng: 4 - 16g/ngày.
Một số cách dùng hoàng cầm trị bệnh:
Mát phổi, dịu ho:
Bài 1: hoàng cầm 24g. Sắc uống. Trị các chứng ho do phế nhiệt, ho mửa đờm vàng, hầu đau, miệng khô. Hoặc phối hợp với bán hạ 12g, nam tinh chế 12g, sắc uống, trị ho nhiệt, đờm tắc.
Bài 2: Thang hoàng cầm tả phế: hoàng cầm 12g, liên kiều 12g, chi tử 12g, đại hoàng 8g, hạnh nhân 8g, chỉ xác 8g, cát cánh 4g, bạc hà 4g, cam thảo 4g. Sắc uống. Trị ho do phế nhiệt.
Mát ruột, trị lỵ:
Bài 1: Thang hoàng cầm: hoàng cầm 12g, cam thảo 8g, thược dược 8g, đại táo 3 quả. Sắc uống. Trị sốt nóng, đắng miệng, đau bụng, đi lỵ, lưỡi đỏ, mạch huyền nhanh.
Bài 2: Thang thược dược gia giảm: hoàng cầm 12g, thược dược 12g, hoàng liên 4g, hậu phác 6g, quảng bì 6g, mộc hương 3g. Sắc uống. Trị đau bụng do nhiệt lỵ, mót rặn.
Lương huyết, an thai, dùng khi huyết nhiệt, thai động không yên:
Hoàng cầm 12g, bạch truật 12g, thược dược 12g, đương quy 8g, xuyên khung 4g. Sắc uống. Ngoài ra còn dùng cho các chứng hoàng đản do thấp nhiệt, đổ máu cam do huyết nhiệt, đái ra máu, băng lậu và mụn nhọt do hỏa độc.
Chữa thấp nhiệt, hoàng đản:
Bài 1: hoàng cầm 12g, hoàng bá 12g, hoàng liên 12g, nhân sâm 8g, thạch xương bồ 8g, đại hoàng 8g, chi tử 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Trị viêm gan virut cấp.
Bài 2: hoàng cầm 12g, nhân trần 20g, kim ngân 16g, hoạt thạch 12g, đại phúc bì 12g, mộc thông 12g, phục linh 8g, trư linh 8g, đậu khấu 8g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang. Trị viêm gan virut mạn.
Kiêng kỵ: Người tỳ vị hư hàn, phụ nữ có thai ở tạng hàn kiêng dùng.


 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons