Theo quan niệm của y học cổ truyền cho rằng qua lâu thực có vị ngọt, đắng, tính lạnh, quy vào các kinh phế, vị và đại trường.Có công năng tả hỏa, nhuận phế, hạ khí, hạ đờm (thanh nhiệt trừ đờm), nhuận táo (nhuận tràng), điều hòa khí trong ngực và tán kết.Chủ trị ho đờm, táo bón, vú bị ung nhọt, ngực tê tức.
Qua lâu thực còn có tên là qua lâu, dược qua dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Danh y biệt lục, là quả chín phơi hay sấy khô của cây qua lâu thực. Nhân của quả chín gọi là qua lâu nhân, vỏ quả gọi là qua lâu bì, dùng cả nhân và bì gọi là toàn qua lâu. Là cây thảo leo sống nhiều năm, thân có rãnh, tua cuốn có 2 - 3 nhánh. Lá mọc so le, phiến lá dài 5 - 14cm, dày, dai, mặt trên nhám nhám. Cây có hoa khác gỗ, chùm hoa đực dài 15cm, lá bắc to có răng, hoa rộng 7cm, màu trắng, Quả mọng tròn, to 9-10cm, màu vàng cam, hạt tròn dẹp, dài 11 - 16mm, rộng 7 - 12mm trong có lớp vo lụa màu xanh. Cây ra hoa tháng 6 - 8, có quả 9 - 10.
Qua lâu thực được thu hoạch vào mùa thu và phơi trong bóng râm. Bộ phận dùng làm thuốc là vỏ quả qua lâu thực, nhân hột, rễ cũng đều làm thuốc, nhưng tác dụng khác nhau.Dùng hột khô mẩy chắc, vỏ cứng dày, nhân trắng không lép, có nhiều dầu, nguyên hạt, không vụn nát, không ẩm mốc, đen là loại dược liệu tốt.
Một số bài thuốc thường dùng
Bài 1: Chữa viêm họng mất tiếng: Qua lâu bì, bạch cương tằm, cam thảo mỗi vị 10g, gừng tươi 4g. Các vị rửa sạch cho nước 500ml sắc còn 150ml chia 2 lần uống trong ngày. Một liệu trình 15 ngày.
Bài 2: Chữa ho do đờm nhiệt: Với bệnh chứng có biểu hiện cảm giác tức nặng ở ngực, táo bón. Toàn qua lâu thực 16g, đởm nam tinh 5g, hoàng cầm 16g. Tán bột trộn mật, viên hoàn, ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 - 12g.Mỗi liệu trình dùng 5 ngày.
Bài 3: Chữa táo bón: Toàn qua lâu thực 16g, hỏa ma nhân 10g với úc lý nhân 5g, chỉ thực 4 g, sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. Các vị rửa sạch cho nước 500ml sắc còn 150ml chia 2 lần uống trong ngày. Một liệu trình 5 ngày.
Hoa và quả qua lâu.
Bài 4: Chữa đờm thấp và huyết ứ trệ: Với biểu hiện cảm giác khó thở, đau ngực, đau ngực xuyên ra sau lưng: Toàn qua lâu 16g, thông bạch 20g, bán hạ 16g. Tất cả cho vào ấm đổ 750ml nước sắc còn 250ml nước, ngày uống 1 thang, chia 2 - 3 lần. Một liệu trình 5 ngày.
- Chữa đờm và nhiệt tích tụ trong ngực và vùng thượng vị: Với biểu hiện cảm giác đầy chướng ngực và thượng vị. Toàn qua lâu 12g, hoàng liên 4g, bán hạ 12g. Các vị rửa sạch cho nước 500ml sắc còn 150ml chia 2 lần uống trong ngày. Một liệu trình 5 ngày.
Lưu ý: Người tỳ hư thường hay tiêu chảy không dùng qua lâu nhân vì có tác dụng nhuận tràng mạnh.
Bác sĩ Nguyễn Thúy An
0 nhận xét:
Đăng nhận xét