Theo y học cổ truyền, cà pháo vị ngọt, tính hàn, có tác dụng tán huyết, tiêu viêm, chỉ thống, nhuận tràng, lợi tiểu, trị thũng thấp độc, ho lao… Y học cổ truyền sử dụng quả già và toàn cây để làm thuốc với các vị thuốc nhiều tên khác nhau như: di tử, giả tử, ải qua.
Cà pháo còn có tên gọi là cà dưa, cà gai hoa trắng… rất quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày. Là loại cây thân thảo nhẵn nhụi, cao tới 1,5m với thân màu tím đen, hóa gỗ ở gốc. Các lá hình mác thuôn dài, hoa từ trắng đến tím, quả hình cầu hơi nén xuống, có nhiều hạt nhỏ.
Không ăn cà pháo tái sống vì có thể gây ngộ độc.
Cà pháo nhiều dinh dưỡng như: magiê; kali; natri; sắt; mangan; kẽm; Iốt; caroten (tiền vitamin A); vitamin B1, B2, C, P và chất nhầy.
Bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian
Bài 1: Chữa tiểu khó, tiểu rắt do nóng: Lá tươi cà pháo hoa trắng 20g, lá của cây đơn buốt 15g, rửa sạch cho hãm như trà uống hàng ngày, uống liền 5 ngày.
Bài 2: Trị ho do lạnh: Cà pháo tươi 60g, bổ đôi, rửa sạch nấu chín cho vào bát, thêm mật ong vừa đủ, nấu lại, ngày ăn 2 lần, dùng liền 5 ngày.
Bài 3: Chữa ăn uống kém, tỳ vị suy yếu: Cà pháo tươi 250g, bổ đôi, rửa sạch có thể nấu cùng với thịt lợn, rau tía tô, gia vị vừa đủ… Cách ngày ăn 1 bữa, 10 ngày 1 liệu trình.
Bài 4: Hỗ trợ điều trị trĩ giai đoạn đầu mới mắc: Lá cà đốt tồn tính trên gạch hoặc ngói sạch, nghiền thành bột, mỗi lần 6g, ngày 2 lần, uống với nước cháo gạo, ngày ăn 1 lần, 10 ngày 1 liệu trình.
Bài 5: Chữa chân tay bị nứt nẻ: Dùng rễ hoặc cả cây cà khô nấu nước ngâm rửa chân hàng ngày rất hiệu nghiệm.
Bài 6: Trị mụt nhọt sưng tấy khó chịu: Cà pháo tươi, rửa sạch để ráo nước giã nát, cho vào một ít đường đắp ngay chỗ đau, có thể chống sưng, giảm đau nhức.
Bài 7: Giảm ngứa, đau buốt do ong đốt (tổn thương ít): Quả giã nát với lá lốt, lấy nước bôi vào nơi thương tổn ngày 3 lần sẽ giảm cảm giác ngứa, đau buốt.
Lưu ý: Để tránh nhầm lẫn và ngộ độc, ở miền núi có cây cà gai hoa tím có hình dáng tương tự như cây cà gai hoa trắng, chỉ khác là hoa màu tím. Quả màu vàng khi chín đổi sang màu đỏ. Quả này có độc không ăn.
Do cà pháo có tính hàn vì vậy người hư hàn, người mới ốm dậy, suy nhược không nên ăn cà, đặc biệt không nên ăn tái, sống vì có hàm lượng solanin trong quả cà xanh rất cao. Chất solanin rất độc, thậm chí với hàm lượng rất nhỏ. Ngộ độc solanin chủ yếu gây rối loạn tiêu hóa và thần kinh. Triệu chứng bao gồm buồn nôn, tiêu chảy, đau rút ở dạ dày, khô rát cổ họng, đau đầu...
Bác sĩ Nguyễn Thị Hương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét