Cây đạm trúc điệp còn gọi là trúc diệp, toái cốt tử, trúc diệp mạch đông, mễ thân thảo, sơn kê mễ.
Tên khoa học Lophatherum gracile Brongn (Acroelytrum japonicum Steud).
Thuộc họ Lúa Poaceae (Gramineae).
Đạm trúc diệp (Herba Lophatheri) là toàn cây đạm trúc diệp phơi hay sấy khô.
Mô tả cây
Đạm trúc diệp là một loại cỏ sống lâu năm. Có rễ phình thành củ, nhiều nhánh, cứng. Thân cao 0,6 -1,5m, mọc thẳng đứng, đốt dài. Lá mềm, Hình mác dài nhọn, dài 10 - 15cm, rộng 2 - 3cm, những lá phía trên lơ thơ ở mặt trên có ít lông, mặt dưới nhẵn, cuống lá gầy tiếp liền với bẹ dài, ôm lấy thân, Hoa mọc thành chùy thưa, dài 15 - 45cm, bông nhỏ dài 7 - 12mm. Quả dĩnh, hình thoi dài chừng 4mm, nằm tự do trong mày nhỏ.
Phân bố thu hái và chế biến
Loài này có nhiều dạng, mọc hoang ở khắp nơi trong nước ta, nhiều nhất là ở những nơi rừng thưa hay đồi cỏ.
Còn mọc ở Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia.
Vào tháng 5 - 6 cuối mùa hoa, người ta hái toàn cây mang về, cắt bỏ rễ con, bó thành từng bó nhỏ phơi hay sấy khô. Vị thuốc nhiều khi còn có cả rễ con và đôi khi có cả cụm hoa.
Công dụng và liều dùng
Theo tài liệu cổ đạm trúc diệp có vị ngọt, nhạt, tính hàn, vào 2 kinh tâm và tiểu trường. Có tác dụng lợi tiểu tiện, thanh tâm hỏa, trừ phiền nhiệt. Dùng chữa tâm phiền, tiểu tiện đỏ, tiểu tiện khó khăn.
Hiện nay đạm trúc diệp được dùng trong nhân dân làm thuốc chữa sốt, thông tiểu. Phụ nữ có thai không được dùng (theo kinh nghiệm).
Liều dùng hàng ngày là 8 - 10g dưới dạng thuốc sắc, thường phối hợp với nhiều vị thuốc khác.
Đơn thuốc có đạm trúc diệp
Chữa viêm niệu đạo tiểu tiện đau buốt:
Đạm trúc diệp 15g, thông thảo 5g, sinh cam thảo 3g, qua lâu căn 10g, hoàng bá 5g, nước 500ml sắc còn 200ml, uống 3 lần trong ngày.
Tên đạm trúc diệp đôi khi còn dùng để chỉ lá một loại tre Phyllostachys nigra Munre var. henonis (Mitford) Stapf ex Rendle. Người ta dùng chữa sốt, khát nước, thổ huyết, cảm cúm.
(Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam)
của GS. ĐỖ TẤT LỢI
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
0 nhận xét:
Đăng nhận xét