Con mực là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và làm thuốc tốt, nhất là mai mực. Theo y học cổ truyền, mai mực còn có tên là ô tặc cốt, hải phiêu tiêu, có vị mặn, chát, mùi hơi tanh, tính ấm, không độc, có tác dụng chỉ huyết, giảm đau, làm se, chống loét, chữa được nhiều bệnh thông thường.
Cách chế biến mai mực để làm thuốc rất đơn giản: Lấy mai mực, cạo sạch vỏ cứng ở ngoài, ngâm nước cho đến khi hết mặn, sau đó phơi hoặc sấy khô. Dược liệu mai mực nguyên bản có hình bầu dục dài, dẹt, ở giữa dày, mép mỏng. Mặt lưng màu trắng hoặc ngà, lấm tấm những nốt nhỏ chi chít, có một lớp màng cứng giòn. Mặt bụng màu trắng đôi khi phủ một lớp màng mỏng trong suốt màu vàng, có nhiều vân.
Mai mực phối hợp với kê nội kim, mật ong chữa viêm loét dạ dày.
Để có mai mực có phẩm chất tốt nhất nên dùng những mai dày, màu trắng như phấn, không gãy vỡ. Loại vàng hoặc thâm đen là kém phẩm chất. Khi dùng, cạo sạch vỏ cứng ở ngoài mai, cắt thành miếng nhỏ hoặc tán bột, rây mịn. Trong nhân dân, mai mực được dùng chủ yếu làm thuốc chữa bệnh viêm loét dạ dày, bỏng nhẹ, trĩ...
Một số đơn thuốc thường dùng:
Chữa bỏng nhẹ: Mai mực đốt thành than, rây bột mịn, trộn với dầu vừng hoặc dầu dừa thành một hỗn hợp sền sệt, bôi ngày hai lần. Khoảng một tuần, vết bỏng sẽ se lại và lành.
Hỗ trợ điều trị bệnh trĩ, đại tiện ra máu: Mai mực nướng vàng, tán bột, mỗi lần uống 4 - 8g với nước sắc cây mộc tặc.
Hỗ trợ điều trị hen suyễn: Mai mực 300g, rửa sạch, nung trên hòn ngói cho vàng, tán mịn. Người lớn uống mỗi lần 8g, chia 2 lần. Trẻ em ngày uống 2 lần, mỗi lần 3g.
Chữa viêm loét dạ dày, tá tràng, ợ chua, đại tiện táo:
- Bột mai mực 85%, bột bối mẫu 15%, trộn đều. Mỗi lần uống 4 g với nước ấm trước bữa ăn.
- Mai mực 20g, cam thảo 12g, thổ bối mẫu 6g, tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g trước bữa ăn khoảng nửa giờ.
- Bột mịn mai mực 4g, bột mịn kê nội kim 4g, bột gạo nếp rang thơm 2g, bột cam thảo 0,2g. Tất cả trộn đều, gói thành 1 gói, mỗi ngày uống 2 gói sau bữa ăn. Có thể trộn bột thuốc này với một ít mật ong (hai thìa cà phê) khuấy kỹ để uống hàng ngày. Bài thuốc này vừa chữa được bệnh đau dạ dày, vừa có tác dụng làm tăng hồng cầu.
Bác sĩ Thanh Xuân
0 nhận xét:
Đăng nhận xét