Da lừa nấu thành cao gọi là a giao, thường được dùng làm thuốc bổ. Theo Đông y, a giao có vị ngọt, tính bình, không độc, vào 3 kinh: phế, can, thận. Chữa hư hao gầy gò, xuất huyết tiêu hóa, ho ra máu, chảy máu cam...
Cao chế từ da lừa cho vị thuốc a giao
Xin giới thiệu một số cách dùng a giao trị bệnh đường tiêu hóa, thiếu máu.
Chữa có thai huyết ra không cầm: a giao 300g, rượu 10ml. A giao sao khô tán bột, rượu pha thêm 30ml nước sôi, lấy 1 thìa cà phê bột a giao cho vào rượu đã pha nước quấy đều uống, ngày 2 lần.
Chữa táo bón của người già: a giao 20g, hành 3 củ, rượu 15ml, mật ong. Cho a giao, hành sắc lấy 150ml nước thuốc; cho rượu, mật ong quấy đều chia 3 lần uống trong ngày. Uống liền 3 - 5 ngày.
Chữa kiết lỵ (phân trắng lẫn đỏ) lâu ngày: a giao 150g, hoàng liên (sao) 160g, phục linh 140g. Các vị thuốc tán bột, luyện bằng nước cháo đặc viên bằng hạt ngô, phơi khô. Ngày uống 2 lần mỗi lần 30 viên với nước sôi để ấm.
Chữa xuất huyết đường tiêu hóa: a giao 200g, sâm cát lâm 100g, táo tầu 16 quả. Các vị thuốc sấy khô tán bột mịn, mỗi lần uống 9g với nước sôi để nguội, ngày 3 lần.
Hoặc a giao 150g, ngó sen 240g, trắc bách diệp 160g. Các vị thuốc sấy khô, tán bột mịn, dùng như bài trên.
Chữa thiếu máu: a giao 12g, sinh địa 10g, ngó sen 14g, dây máu gà 12g, hoàng kỳ 9g, bạch thược 8g, địa cốt bì 9g, nhân sâm 8g, mạch môn 9g, đương quy 10g, hồng hoa 6g. Các vị thuốc sắc lấy 200ml nước thuốc chia 3 lần uống trong ngày. Uống 10 - 12 ngày liền.
Hoặc đẳng sâm 12g, hoàng kỳ 24g, quy thân 12g, hà thủ ô 50g, bạch truật 6g, mạch môn 12g, a giao 15g, táo nhân 12g, tử hà sa 12g, viễn chí 12g, đại sinh địa 18g. Sắc và uống như bài trên.
Chữa nôn ra máu do phổi: a giao 100g, mộc hương 30g, gạo nếp 50g, gạo nếp sao thơm, cùng các vị thuốc tán bột, mỗi lần uống 20g với nước sôi để nguội, ngày 3 lần, uống liền 3 ngày.
Hoặc a giao 20g, bồ hoàng 5g, sinh địa 30g cho 3 nguyên liệu trên sắc với 6 bát nước, khi còn 3 bát, chắt lấy nước chia 3 lần uống trong ngày, uống 4 - 5 ngày.
Kiêng kỵ: Không dùng a giao với những người có tỳ vị suy nhược, đại tiện chảy, nôn, tiêu hóa kém; không dùng cùng với đại hoàng.
BS. Hoàng Đức Thuần
0 nhận xét:
Đăng nhận xét