Thiên ma còn có tên khác là minh thiên ma, xích tiễn, định phong thảo, là rễ củ của cây thiên ma (astrodia elata Blume). Người ta thường để cả củ khô, khi dùng đem ngâm nước gừng thái lát. Theo y học cổ truyền, thiên ma vị cay, tính bình, vào kinh can, có tác dụng bình can tức phong, hoạt lạc, thông tý. Dùng cho các trường hợp đau đầu hoa mắt chóng mặt (can phong huyễn vững, đầu phong, đầu thống), tay chân tê bì, liệt nửa người, chứng phong thấp dính cứng khớp... Hằng ngày, dùng 4 - 12g bằng cách nấu, sắc, ngâm, hãm.
Trị đau đầu: Dùng cho các chứng do can phong bốc lên quấy nhiễu gây nhức đầu chóng mặt.
Bài 1: Hoàn thiên ma: thiên ma 20g, xuyên khung 6g. Chế thành hoàn. Mỗi lần uống 4 - 8g, ngày 3 lần. Trị thiên đầu thống, hoa mắt, váng đầu.
Cây và vị thuốc thiên ma (củ thiên ma).
Bài 2: Thang bán hạ bạch truật thiên ma: thiên ma 12g, bán hạ 12g, bạch truật 12g, phục linh 12g, quất hồng 8g, cam thảo 4g. Sắc uống. Trị nhức đầu, hoa mắt do phong đàm.
Trị đau khớp, tê bại do phong hàn thấp:
Bài 1: thiên ma 12g, ngưu tất 12g, bọ cạp 4g, nhũ hương 6g. Nghiền thành bột mịn, trộn với hồ làm hoàn hoặc sắc uống.
Bài 2: thiên ma 12g, đỗ trọng 12g, ngưu tất 12g, tỳ giải 12g, phụ tử 12g, đương quy 12g, sinh địa 12g, huyền sâm 16g. Nghiền thành bột mịn, luyện với mật làm hoàn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 8g. Trị đau khớp, người yếu mất sức do phong hàn thấp.
Ngoài ra, thiên ma còn có tác dụng tức phong, cắt cơn kinh giật: dùng cho các chứng bệnh: trúng phong, động kinh, sài uốn ván, chân tay tê bại hoặc co quắp. Dùng bài Thuốc bột ngọc trân gồm: thiên ma, phòng phong, khương hoạt, bạch phụ chế, nam tinh chế với liều lượng như nhau nghiền chung thành bột mịn. Mỗi lần uống 4 - 8g, ngày 2 - 3 lần, uống với nước đun sôi hoặc rượu trắng. Trị sài uốn ván.
TS. Nguyễn Đức Quang
0 nhận xét:
Đăng nhận xét