Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2015

Cá chạch và vị thuốc ngư

Cá chạch (Misgurnus anguillicaudatus Cantor) thuộc họ cá chạch(Cobitidae), tên khác là cá chạch bùn, cá chạch đồng, là loài cá nước ngọt. Thân tròn, dẹt bên, nhất là gần đuôi, dài khoảng 150mm. Đầu nhỏ, hơi tròn, mắt bé, miệng thấp có râu. Da mỏng, dưới da có nhiều tuyến tiết chất nhờn, nên rất trơn nhẵn. Vảy nhỏ, lẫn sâu dưới da nên khó thấy. Vây lưng không có gai cứng, vây ngực và vây bụng ngắn, vây đuôi rộng. Cá có màu vàng, nâu hoặc xám đen. Lưng sẫm hơn bụng. Trên thân có nhiều chấm, mỗi chấm do rất nhiều chấm nhỏ hợp thành. Ở gốc vây đuôi, có một chấm to màu đen, trên vây có nhiều sọc đen song song.
Cá chạch.
Cá chạch.
Cá chạch suối (Noemacheilus pulches) cũng được sử dụng.
Bộ phận dùng làm thuốc của cá chạch là thịt. Trong 100g thịt cá có 9,6g protid, 3,7g lipid, 2,5g carbohydrat, 28mg Ca, 72mg phosphor, 0,9mg sắt; các vitamin A, B1, B2 và acid nicotinic.
Trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian, cá chạch được dùng với tên thuốc là thu ngư hay du ngư, nê thu. Sách Dược tính chỉ nam ghi: thu ngư rang hay nấu đều ăn rất ngon, nấu với bột gạo thành cháo mà ăn có tác dụng điều trung, ích khí, chữa được chứng trĩ, lại giải được chứng háo khát và làm cho những người say rượu tỉnh ngay.
Tuệ Tĩnh (Nam dược thần hiệu) và Hải Thượng Lãn Ông (Lĩnh nam bản thảo) cũng ghi dược liệu thu ngư (cá chạch) có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng mạnh dương, bổ khí huyết, tiêu khát, giải rượu, sát khuẩn, chữa nóng trong, khát nước, liệt dương, viêm gan, trĩ, ghẻ lở.

Dạng dùng thông thường là thức ăn - vị thuốc được chế biến như sau: làm sạch cá, rửa cho hết nhớt, cắt bỏ đầu và đuôi, chặt từng khúc rồi nấu cháo hoặc làm canh ăn đều hằng ngày. Có thể đem cá sấy khô, tán bột, ngày uống 3 lần, mỗi lần 10g với nước ấm.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons