Ở nước ta, các bệnh về gan mật có xu hướng ngày càng tăng, nhất là trước các vấn nạn lạm dụng rượu bia, viêm gan virut B,C, thực phẩm ô nhiễm, thuốc và các hóa chất gây tổn thương tế bào gan.
Có rất nhiều dược liệu từ thiên nhiên phòng trị bệnh gan mật. Các thảo dược này tác dụng tăng sơ tiết mật, men ở gan, giải độc cho tế bào gan, chống xơ gan, tăng tái tạo tế bào gan khi bị hủy hoại…
Diệp hạ châu phòng trị bệnh gan mật:
là phần trên mặt đất của cây chó đẻ răng cưa (Phyllanthus urinaria L.), họ thầu dầu (Euphorbiacae). Cây mọc hoang hoặc được trồng nhiều ở nước ta. Theo Đông y, diệp hạ châu có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, quy vào kinh can, phế. Tác dụng tiêu độc, lợi mật, hoạt huyết. Trị viêm gan hoàng đản, viêm họng, mụn nhọt, viêm da thần kinh, viêm thận, phù thũng, sỏi tiết niệu. Ngày dùng 8 - 20g, sắc uống.
Diệp hạ châu đắng phòng trị bệnh gan mật:
còn gọi chó đẻ răng cưa thân xanh (Phyllanthus amarus Schum. et Thonn.), họ thầu dầu (Euphorbiacae). Theo Đông y, diệp hạ châu đắng vị đắng, tính mát, quy kinh phế thận. Tác dụng tiêu độc, sát trùng, tán ứ, thông huyết, lợi tiểu, lợi mật, ức chế virut viêm gan B, điều hòa huyết áp, trị viêm gan, mật, bí tiểu, tắc tia sữa, mụn nhọt, bế kinh... Liều dùng 8-16g/ngày, sắc uống. Dùng ngoài, lấy cây tươi giã nát đắp vết thương lở loét hoặc vết cắn côn trùng. Lưu ý, không dùng cho phụ nữ có thai.
Actiso phòng trị bệnh gan mật:
là lá của cây actiso (Cynara scolymus L.), họ cúc (Asteraceae). Ngoài lá, hoa và rễ cũng được dùng làm thuốc. Lá actisô chứa các acid hữu cơ: acid phenol: cynarin, acid alcol: acid hydroxymethylacrilic...; các hợp chất flavonoid: cynarosid, scolymosid; ngoài ra còn có các men oxydase, peroxidase... Hoa actisô chứa nhiều taraxasterol và faradiol, tác dụng ức chế viêm mạnh. Cao actiso tác dụng bảo vệ gan, lợi mật tốt, chống oxy hoá cao; còn có tác dụng hạ cholesterol và ure huyết. Dùng trị viêm gan, viêm túi mật, chức năng của gan mật kém, sỏi mật.
Bồ bồ trị viêm gan vàng da, cảm mạo phong nhiệt.
Nhân trần phòng trị bệnh gan mật:
là phần trên mặt đất của cây nhân trần (Adenosma caeruleum R.Br.), họ hoa mõm sói (Scrophulariaceae). Cây mọc hoang và được trồng nhiều ở nước ta. Toàn cây có vị hơi đắng, mùi thơm dễ chịu do chứa tinh dầu. Theo Đông y, nhân trần có tác dụng thanh lợi thấp nhiệt, thoái hoàng, lợi mật, giải độc. Trị viêm gan hoàng đản, viêm gan vàng da, lòng trắng mắt bị vàng, kể cả thể dương hoàng (viêm gan cấp tính) hoặc âm hoàng (viêm gan mạn tính); trị viêm gan virut B. Liều dùng 12-16g/ngày, sắc hoặc hãm uống. Để tăng hiệu quả điều trị, có thể phối hợp nhân trần 20g, chi tử 12g, đại hoàng 4g, sắc uống ngày 1 thang, uống liền 3 - 4 tuần.
Nhân trần tía phòng trị bệnh gan mật:
còn gọi là nhân trần Tây Ninh (Adenosma bracteosum Bonati), cùng họ hoa mõm sói (Scrophulariaceae). Cây mọc hoang chủ yếu ở Tây Ninh, Bình Dương... Nhân trần tía cũng có vị đắng, mùi thơm do chứa tinh dầu, song hàm lượng thấp hơn nhân trần nói trên. Tác dụng lợi gan, mật, trị các bệnh về gan, mật.
Bồ bồ phòng trị bệnh gan mật:
là phần trên mặt đất của cây bồ bồ hay còn gọi là nhân trần bồ bồ [Adenosma indianum (Lour.) Merr.], họ hoa mõm sói (Scrophulariaceae). Cây mọc hoang và được trồng nhiều ở nước ta. Toàn cây có vị đắng, mùi thơm hắc do chứa tinh dầu. Bồ bồ gây tăng tiết mật rõ rệt, nhất là dạng cao cồn. Dùng trị viêm gan, vàng da; còn dùng trị cảm mạo phong nhiệt hoặc viêm ruột với liều 8-12g, hãm hay sắc uống.
Nghệ phòng trị bệnh gan mật:
là thân rễ của cây nghệ (Curcuma longa L.), họ gừng (Zingiberaceae).
Nghệ chứa tinh dầu, chủ yếu là phellandren, borneol, curcumin... Chất curcumin gây co bóp túi mật và tác dụng giảm cholesterol trong máu, chống viêm, giảm đau. Dùng nghệ, đặc biệt là curcumin để trị viêm gan vàng da hoặc dịch mật bài tiết khó khăn.
Ngoài ra, còn nhiều vị thuốc khác có tác dụng tốt cho gan, mật, như chi tử (Fructus Gardeniae) có tác dụng tăng bài tiết dịch mật; ngũ vị tử (Fructus Schisandrae chinensis) tăng tác dụng chống oxy hoá, bảo vệ và tái tạo tế bào gan, khi gan bị viêm nhiễm; cà gai leo trị các xơ gan; cúc gai hay còn gọi là kế sữa, chứa silymarin, tác dụng ức chế virut viêm gan C, chống oxy hóa giúp tế bào gan tránh khỏi bị hủy hoại do viêm gan.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét