Hương nhu là cây thuốc Nam rất quen thuộc. Những ngày nắng nóng, có thể lấy vài cành lá hương nhu tươi đặt trong nón, đội lên đầu để tránh đau đầu; bẻ một cành hoa khô đun với nụ vối giúp cho tiêu thấp kiện vị hoặc súc miệng bằng nước hương nhu để chữa hôi miệng. Vì vậy, rất nên trồng hương nhu trong vườn nhà cũng như vườn thuốc Nam của cơ sở y tế để bảo vệ sức khỏe người dân trong những ngày trái nắng giở trời.
Hương nhu là tên của nhiều vị dược liệu khác nhau. Ở Việt Nam, có 2 cây mang tên hương nhu: hương nhu trắng và hương nhu tía.
Hương nhu tía (Ocimum sanctum L. Họ Labiatae) còn có tên là é rừng, é tía...
Hương nhu trắng (Ocimum gratissimum L. Họ Labiatae) còn gọi là é lớn lá, húng giổi tía,...
Để làm thuốc chữa bệnh, người ta thu hái phần trên mặt đất, chủ yếu là cành có hoa, phơi ở nơi ít ánh nắng nhưng thoáng gió, có nhiệt độ 30-400C (phơi âm can). Y dược học hiện đại thu hái cất lấy tinh dầu, tách eugenol. Eugenol là chất rất cần thiết trong nha khoa và tổng hợp vanilin.
Về thành phần hóa học, tinh dầu hương nhu có eugenol (45-70 %), methyl eugenol (12-20 %), cacvacrol, beta carryophyllen... Tỷ lệ tinh dầu: 0,2-0,3% ở cây tươi và 0,5% ở cây khô.
Theo Đông y, hương nhu có vị cay, tính hơi ôn, vào kinh phế và vị. Tác dụng phát hãn, thanh thử, tán thấp, hành thủy. Chữa cảm nắng, cảm hàn, sốt nóng, sợ rét, nhức đầu, đau bụng đi ngoài, thổ tả chuột rút, thủy thũng. Phát tán khí lạnh trong nắng nóng (âm thử) có giá trị nhất. Liều dùng: 4-12g. Nước sắc hương nhu nên uống nguội, nếu uống nóng dễ gây nôn mửa.
Hương nhu có tác dụng phát hãn, thanh thử, tán thấp, hành thủy. Chữa cảm nắng, cảm hàn, sốt nóng, sợ rét, nhức đầu,...
Một số cách dùng hương nhu làm thuốc:
Hương nhu vị thuốc Phát biểu giải thử:
Bài 1 - Nước hương nhu: hương nhu 8g, hậu phác 8g, bạch biển đậu 12g. Sắc uống trong ngày và uống khi nước thuốc đã nguội. Dùng cho người bị cảm mạo thương thử (ngày hè đi hóng mát hoặc uống nhiều nước lạnh) gây phát sốt, ớn rét, nặng đầu, tức ngực mà khô mồ hôi.
Ở các trạm xá, bệnh xá nên dùng bài thuốc trên theo dạng thuốc tán: hương nhu 500g, bạch biển đậu (sao qua) 200g, hậu phác (tẩm gừng nướng hay sao qua) 200g. Tán nhỏ 3 vị thuốc trên, trộn đều và đóng túi, mỗi túi 10g. Khi dùng hãm 1 túi với 150-200ml nước sôi, uống khi nước thuốc đã nguội. Có thể dùng 20g cho 1 lần hoặc dùng 2 lần trong ngày khi bị cảm nặng.
Bài 2: hương nhu 12g, cát căn 12g, giấp cá 12g, nọc sởi 12g, thạch xương bồ 8g, mộc hương 4g. Sắc uống. Chữa cảm mùa hè với các triệu chứng: đau đầu, ớn rét, phát sốt, miệng nôn, tiêu chảy, tim hồi hộp, miệng khát và tiểu tiện vàng đỏ.
Hương nhu vị thuốc Lợi niệu, tiêu thũng:
Bài 1: hương nhu 12g, bạch truật 12g. Sắc uống. Trị phù nước, khô mồ hôi, rêu lưỡi dày, ăn ít.
Bài 2: hương nhu 12g, bạch mao căn 40g, ích mẫu 16g. Sắc uống. Trị phù nước, khô mồ hôi, tiểu tiện ít và đỏ.
Hương nhu vị thuốc Tiêu thấp, kiện vị:
Bài 1: hương nhu 12g, tía tô 12g, mộc qua 12g. Sắc uống. Dùng khi ăn nhiều thứ lạnh trong mùa hè sinh ra đau bụng, thổ tả.
Bài 2 - Hương nhu tán: hương nhu (hoa) 45g, hậu phác (cạo vỏ) 60g, hoàng liên (sao với gừng) 120g. Tất cả tán bột. Mỗi lần dùng 12g, thêm 150ml nước và 75ml rượu sắc còn 150ml, bỏ bã cho uống lạnh. Trị cảm mạo mùa gây ăn uống không tiêu, tỳ vị không thăng giáng được, hoắc loạn, bụng đầy, gân cơ co rút.
Kiêng kỵ: Người biểu hư ra mồ hôi nhiều kiêng dùng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét