Dây sâm mọc hoang và được trồng làm bờ rào ở khắp nơi. Thu hái rễ và dây quanh năm, rửa sạch, thái lát, phơi khô để làm thuốc. Hiện dây sâm được trồng để làm thuốc trong gia đình và là loại cây phát triển kinh tế ở nhiều địa phương.
Dây sâm còn có tên khác là dây sâm lông, dây mối, sâm nam, có nơi còn gọi là dây sương sâm. Đây là loại dây leo có các nhánh khía rãnh, có lông dày. Lá có cuống, hình khiên, cụt đầu hoặc hơi khía mép ở gốc, hình tam giác nhọn, tận cùng bởi một mũi nhọn hình sợi, màu lục và hầu như nhẵn ở mặt trên, màu nhạt và có lông mềm ở mặt dưới, dài 6-10cm, rộng 4-9cm, có 5-7 gân; cuống lá ngắn hơn phiến hai lần. Cụm hoa ở nách lá, dài hơn cuống lá, phân nhánh, với các nhánh ở dưới dài hơn, tới 7cm. Hoa thành đầu hình cầu hay hình trứng, màu vàng. Quả hạch hình cầu, màu đỏ, hẹp, có lông, đường kính 5mm. Hạch hình mắt chim, lồi cả hai mặt, có 8 u sần.
Theo y học cổ truyền, dây sâm có vị đắng, tính hàn; có tác dụng giải độc, giảm đau, tán ứ. Rễ sâm dây dùng trị đau khớp, đau xương, đau dạ dày, lợi tiểu, đau cổ họng do viêm, liều dùng 15 - 30g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài giã rễ tươi đắp trị đinh nhọt, bệnh ngoài da.
Công dụng, chỉ định và phối hợp khi dùng dây sâm:
Là vị thuốc dùng trong phạm vi dân gian chữa các triệu chứng tiểu tiện khó khăn (đái dắt, đái buốt....) chân tay sưng nhức, đau ở khớp xương. Cũng dùng trị ỉa chảy, tiêu hoá kém, sốt, lao phổi, đau ngực, ho, bệnh ngoài da và rắn cắn. Liều dùng: 30g dây lá tươi hoặc 6-12g cây khô sắc đặc uống.
Kinh nghiệm dân gian cho biết lá sương sâm có tính mát, nhuận tràng, hạ nhiệt, giải độc. Lá thường được vò làm thạch ăn (sương sâm) có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát gan, nhuận tràng, trị đái dắt, táo bón,…
Vị thuốc từ dây sâm thanh nhiệt
Cách làm thạch dây sâm:
Lá dây sâm, nước, bột nang mực. Dùng lá già (lá to, có màu xanh đậm) còn tươi, rửa sạch, đem vò nát trong nước chín để nguội (khoảng 100g lá tươi, cho 2 lít nước), sau 30 phút sẽ có một chất nước màu xanh, hơi nhờn, gạn lấy nước bỏ bã. Cho khoảng một thì cà phê bột nang mực vào, trộn đều, lọc bỏ bã và tạp chất. Để khoảng 1 giờ, thạch dây sâm sẽ đông lại, có màu xanh. Muốn cho thạch càng đặc, màu xanh thật đậm thì vò nhiều lá và ít nước; muốn cho sâm sương màu xanh nhạt thì làm ngược lại. Khi thạch đông là dùng được, khi ăn có thể cho thêm đường.
Thạch dây sâm thanh nhiệt tốt cho mùa hè
Chú ý khi làm thạch sâm thanh nhiệt
Không có công thức cố định về lượng nước để vò lá sâm mà người ta thường chỉ dựa vào độ quánh, kẹo, nhựa và đậm của nước vò sâm (vì lá sâm non hay già, được bón phân hay sinh trưởng tự nhiên, bẻ vào ngày nắng hay ngày mưa đều sẽ cho ra từng lượng nhựa sâm khác nhau).
Khi làm thạch sâm, có thể sâm không đông lại được vì nước quá loãng (do bẻ nhiều lá quá non, quá già hoặc do để quá nhiều nước). Ngược lại, nếu đổ ít nước quá thì khi vò lá, nước sâm bị sệt lại nhanh chóng và đông thành thạch ngay trên rổ lược, không lọt qua ray được.
Ngoài ra, cũng có khi nước sâm bị bọt và dù có vớt bỏ lớp bọt bề mặt, thạch sương sâm vẫn không được màu xanh thẫm, dai và sánh như thường lệ mà lại hơi bở, ăn kém ngon. Điều này là do một số nguyên nhân như:Do hái quá nhiều lá già.Khi vò lá sâm, không nhấn cho ra nhựa sâm mà lấy hai bàn tay chà xát qua lại các lá sâm quá nhiều.Khi nhấn lá sâm, hay bàn tay không để nằm trong nước mà để hỏng trên mặt nước. Ngoài ra, sau khi vò sâm, các móng tay có thể bị dính nhựa sâm nên phải dùng chanh hay xà phòng để tẩy trắng lại. Mặt khác, nếu dùng máy xay để làm nát sâm thì nước sương sâm cũng đông thành thạch nhưng mùi lá hơi đậm, không được dai và sánh như vò bằng tay.
Sâm rất mát và có tác dụng nhuận trường nên khi ăn quá nhiều sẽ dẫn đến tiêu chảy. Thường thì mỗi ngày chỉ nên ăn hai ly thạch sâm trở lại. Thạch sâm được bán ở các chợ thường kém vệ sinh (nhiều người dùng chân để đạp thay vì dùng tay để vò, dùng nguồn nước chưa đủ sạch…), do đó, mặc dù mất thời gian nhưng tự vò sâm để ăn là cách an toàn nhất.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét