Đông y cho rằng hoắc hương có vị cay, mùi thơm hắc, tính hơi ấm, có tác dụng làm mạnh dạ dày - ruột, giúp tiêu hóa tốt, hành khí, giảm đau
Hoắc hương còn gọi là hợp hương, tô hợp hương, linh lung hoắc khử bệnh, thổ hoắc hương, quảng hoắc hương. Tên khoa học Pogostemon cablin (Blanco) Blanco., họ bạc hà (Lamiaceae).
Là loại cây thảo sống lâu năm, cao 30 - 60 cm. Thân hình trụ vuông, phân nhiều cành, cành hơi cong, dài 30 - 60 cm, đường kính 2 - 7mm, có lông tơ... Mùa hoa quả tháng 5 - 6; nhưng ít gặp cây có hoa.
Đông y cho rằng hoắc hương có vị cay, mùi thơm hắc, tính hơi ấm, có tác dụng làm mạnh dạ dày - ruột, giúptiêu hóa tốt, hành khí, giảm đau. Lá có tác dụng hạ nhiệt thường dùng chữa cảm mạo trúng nắng, nhức đầu, sổ mũi, đau mình, ợ khan, hôi miệng…Bộ phận dùng làm thuốc là phần trên mặt đất (Herba Pogostemonis).
Dưới đây là vài cách trị bệnh từ thuốc hoắc hương:
Trị viêm trường vị cấp tính thuộc hàn thấp: Hoắc hương, bán hạ (chế), mỗi thứ 12g, thương truật, trần bì, mỗi thứ 8g. Sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Trị đầy tức bụng và vùng vị quản, nôn mửa không muốn ăn: Hoắc hương diệp 12g, trần bì 6g, đảng sâm 12g, bán hạ 6g, xích phục linh 12g, thương truật 12g, hậu phác 12g, cam thảo 4g, sinh khương 3 lát. Sắc uống nóng (Hoắc hương ẩm - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Chữa tiêu chảy do ăn đồ sống lạnh: Hoắc hương 12g, cát căn 12g; nụ sim, đậu ván trắng; sa nhân, mộc hương mỗi vị 8g; cam thảo 4g; gừng nướng 3 lát. Tất cả sắc với 500ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày. Dùng liền 3 ngày
Trị thương thử vào mùa hè thu, ngực tức, chóng mặt, muốn nôn, trong miệng nhớt dẻo, không muốn ăn uống: Hoắc hương, bội lan, mỗi thứ 12g. Sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Chữa phụ nữ có mang, nôn oẹ, ăn uống ít: Hoắc hương, cam thảo mỗi vị 8g, hương phụ 40g; tán nhỏ uống với nước sôi có thêm ít muối.
Trị thai động không yên, khí không lên xuống, nôn ra nước chua: Hương phụ, hoắc hương, cam thảo mỗi vị 8g, tán bột. Mỗi lần dùng 4g, thêm ít muối vào, uống với nước sôi (Thánh Huệ phương).
Trị ho, hàn thấp trở trệ bên trong, vị khí mất chức năng giáng xuống, bụng đầy tức, ăn ít, nôn mửa: Hoắc hương diệp 12g, bán hạ (chế) 12g, đinh hương 2g, trần bì 12g, sắc uống (Hoắc Hương Bán Hạ Thang - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Trị mũi viêm mạn tính: Dùng hoắc hương 160g, tán bột, trộn mật heo làm viên. Mỗi lần uống 4g với nước, ngày 2 lần, liên tục 2-4 tuần (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Chữa ăn uống không tiêu, sôi bụng: Hoắc hương 12g, thạch xương bồ 12g, hoa cây đại 12g, vỏ bưởi đào sao cháy 6g. Tất cả tán thành bột, trộn đều uống trước bữa ăn nửa giờ, mỗi lần 2g với nước chè nóng, ngày uống 3 lần.
Chữa cảm mạo, sốt ăn không tiêu, đau bụng (Bài Hoắc hương chính khí): Hoắc hương 12g, tô diệp 10g, thương truật 8g, cam thảo 3g, trần bì 5g, đại táo 4 quả, hậu phác 3g, phục linh 8g. Tất cả tán bột đều chia thành từng gói 8 - 10g. Người lớn uống mỗi lần 1 gói, ngày 2 - 5 lần. Trẻ em dưới 1 tuổi không nên dùng, từ 2 - 3 tuổi mỗi lần uống 1/4 gói, từ 4 - 7 tuổi mỗi lần uống 1/3 gói. Từ 8 - 10 tuổi mỗi lần 1/2 gói.
Trị miệng hôi: Sắc lấy nước hoắc hương súc miệng thường xuyên (Trích Huyền phương).
Trị hoắc loạn: Hoắc hương, súc sa mật, sao diêm [muối rang] (Trung Quốc Dược học Đại Từ Điển).
Trị hoắc loạn, thổ tả: Hoắc hương, nhân sâm, quật bì, mộc qua, phục linh, súc sa mật (Trung Quốc Dược học Đại Từ Điển).
Trị trúng phải khí ác, đau bụng như thắt: Hoắc hương, mộc hương, trầm thủy hương, nhũ hương, súc sa mật (Trung Quốc Dược học Đại Từ Điển).
Kiêng kỵ: Cơ thể háo nhược, thiếu máu, huyết áp cao, ngủ kém, đại tiện khó, tiểu tiện ít, vàng đỏ, không nên dùng.
Theo BS Hoàng Tuấn Long - Nông nghiệp Việt Nam