Cá cháy (họ cá trích) có nhiều ở vùng biển và cửa sông nước ta. Cá cháy ngon và rẻ, rất hợp túi tiền của các bà nội trợ. Cá cháy nướng, kho là món ăn khoái khẩu của nhiều người.
Cá cháy giàu protein, lipid, canxi, phosphor, sắt... Chất béo trong dầu cá cháy có acid linolenic và acid linoleic, nhưng có nhiều EPA và DHA nên dầu cá cháy có thể được xem là nguồn cung cấp các acid béo omega PUFA hữu ích để ngăn ngừa một số bệnh về tim mạch, đái tháo đường, đau xương khớp... Theo Đông y, cá cháy vị ngọt, tính bình; vào tỳ và phế. Có tác dụng ôn trung bổ hư, khai vị khoan trung, thanh nhiệt giải độc. Dùng cho các trường hợp suy nhược cơ thể, viêm khí phế quản mạn tính, ho khan, khí huyết hư và nhiều bệnh mạn tính, bỏng toàn thân, thiếu máu sút cân. Vảy cá cháy có tác dụng chữa mụn nhọt, bỏng lửa, trĩ.
Cá cháy giàu dinh dưỡng giúp ngừa bệnh đái tháo đường, tim mạch, đau xương khớp.
Món ăn bài thuốc có cá cháy
Cá cháy hầm sâm truật, hoài sơn: đảng sâm 15g, bạch truật 15g, hoài sơn 30g, cá cháy 1 con (500g). Các dược liệu sắc gạn lấy nước, đem nấu với cá cháy làm sạch. Dùng cho người tỳ vị hư nhược, ăn kém chậm tiêu, đầy trướng bụng, tay chân yếu mỏi.
Cháo cá cháy: cá cháy 1 con (500g), gạo tẻ 100 - 150g. Gạo vo sạch nấu thành cháo; cá để nguyên con đánh sạch vảy, cho vào nồi cháo, đun sôi đến khi cá chín, gắp ra gỡ lấy thịt, bỏ xương, thêm ít gừng tươi giã nát; ăn cùng rau cải cúc hay xà lách. Món này ôn trung bổ hư, khai vị khoan trung, thanh nhiệt giải độc. Dùng cho các trường hợp suy nhược cơ thể, viêm khí phế quản mạn tính. Cỏ cháy kho tiêu gừng: cá cháy 1 con, bỏ vảy và ruột; cho gừng tươi, bột tiêu, gia vị hầm nhừ, ăn thường ngày. Dùng cho các trường hợp suy nhược cơ thể, ăn kém.
Cá cháy nấu cà chua, nấm hương: cá cháy 1 con bỏ vảy ruột, làm sạch, chiên với dầu ăn cho chín, đem nấu với nấm hương, cà chua và gia vị. Dùng cho các trường hợp suy nhược cơ thể.
Kiêng kỵ: Người có cơ địa dễ mẩn ngứa, dị ứng nên thận trọng.
BS. Tiểu Lan
0 nhận xét:
Đăng nhận xét