Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

Cần tây & cần ta: công dụng chữa bệnh khác nhau

Cùng là “rau cần”, nhưng do sinh trưởng trong những điều kiện khác nhau, nên tính chất và tác dụng của 2 loại rau cần cũng không như nhau. Để dùng đúng trong chữa bệnh, ta nên biết rõ tính năng của từng loại.
Rau cần có hai loại, cần ta và cần tây. Rau cần ta sinh trưởng ở những nơi ẩm ướt, thường được trồng trong các ruộng nước, nên còn có tên là “cần nước”. Còn cần tây mọc ở trên cạn, nên còn gọi là “cần cạn”.
Cần nước chữa bệnh hệ tiết niệu
Rau cần ta còn gọi là “rau cần nước”, “rau cần cơm”, “rau cần ống”, tên khoa học là Oenanthe javanica (Blume) DC. (Oenanthe stolonifera Wall), thuộc họ Hoa tán - Apiaceae.
Cần nước là loại cây thảo sống dai, nhẵn, mọc nằm hay mọc nổi rồi đứng lên, có rễ dạng sợi, thân rỗng, có đốt và khía dọc, dài 0,3 - 1m. Lá có hình dạng rất thay đổi, có cuống, nhưng các lá gốc và lá ngọn lại giống nhau, chia thùy hình lông chim 1 - 2 lần với các phiến hình mác hơi có dạng trái xoan hay hình thoi có chóp nhọn và mép nhăn nheo. Cụm hoa gồm những tán kép đối diện với lá, có 5 - 15 nhánh mang các tán con; mỗi tán còn lại chia 10 - 20 nhánh gần bằng nhau mang những hoa màu trắng. Quả hình trụ thuôn, có 5 cạnh lồi. Cây ra hoa vào tháng 4. Cây ưa nhiệt độ thấp, sinh trưởng mạnh trong mùa đông - xuân. Thường được trồng ở ruộng ngập nước, có nhiều bùn hoặc ở ao sau khi đã tát cạn nước bắt cá.
Cần tây & cần ta: công dụng chữa bệnh khác nhau
Để làm thuốc, sử dụng toàn cây, gọi là “thủy cần”. Theo Đông y, thủy cần có vị tân cam (cay, ngọt), tính lương (mát); vào 2 kinh phế và vị. Có tác dụng thanh nhiệt, lợi thủy. Chủ trị bạo nhiệt phiền khát (sốt cao, khát nước), hoàng đản (vàng da), thủy thũng (phù thũng), lâm bệnh (tiểu nhỏ giọt, đau buốt), đới hạ (khí hư, huyết trắng), loa lịch (tràng nhạc), quai bị (viêm tuyến nước bọt).
Chữa tiểu tiện lâm thống (nhỏ giọt đau buốt): dùng cần nước, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt, ngày uống 2 lần, mỗi lần nửa bát ăn cơm. Hoặc cũng có thể dùng cần nước tươi 50 - 100g, sắc nước uống nhiều lần trong ngày.
Chữa tiểu tiện ra máu: dùng cần nước 100g, rửa sạch, giã nát vắt lấy chừng nửa bát nước cốt, hòa đường đỏ vào uống.
Ngoài chữa bệnh tiết niệu, còn có thể sử dụng rau cần nước để chữa trị một số bệnh khác:
Chữa viêm gan mạn tính: dùng cần nước tươi 200g, rửa sạch, giã, vắt lấy nước cốt, thêm 50g mật ong vào trộn đều, uống ngày 2 lần; liên tục trong nhiều ngày.
Chữa hoàng đản (vàng da): dùng gốc cần nước, liền cả rễ 60g, hoàng hoa thái 30g, thịt lợn nạc 100g, thêm mắm muối gia vị, nấu canh ăn.
Rau cần xào
Rau cần xào
Chữa trẻ nhỏ sốt dai dẳng: dùng cần nước, mạch nha, xa tiền tử, sắc nước uống.
Chữa trẻ nhỏ ỉa chảy, nôn mửa: dùng cần nước cắt nhỏ, sắc lấy nước uống.
Chữa phong hỏa nha thống (đau răng do hỏa độc): dùng gốc cần nước 60g, trứng vịt 1 quả, sắc lấy nước uống và ăn trứng.
Chữa quai bị: dùng cần nước giã nát, trộn với dầu trẩu, đắp vào chỗ bị bệnh.
Cần tây hỗ trợ điều trị cao huyết áp
Cần tây còn gọi là “hạn cần” (cần cạn), “hương cần” (cần thơm), “dược cần” (cần thuốc”,... Tên khoa học là Apium graveolens L. Thuộc họ Hoa tán Apiaceae (Umbelliferae).
Cần tây là loại cây thảo, sống 1 - 2 năm, có thân mọc đứng, cao khoảng 1m, có rãnh dọc. Lá ở gốc có cuống, xẻ ba thùy hình tam giác, các lá giữa và lá ở ngọn không có cuống, cũng chia ba thùy, xẻ 3 hoặc không chia thùy. Hoa màu trắng hay xanh lục, xếp thành tán.
Cần tây có nguồn gốc ở vùng ôn đới ấm. Cây ưa khí hậu ẩm mát, chịu được lạnh, không chịu được nắng nóng, nên sau khi di nhập vào nước ta, chỉ phát triển tốt trong các mùa đông - xuân.
Để sử dụng làm thuốc, thường dùng toàn cây.
Cần tây & cần ta: công dụng chữa bệnh khác nhau
Theo Đông y, cần tây có vị cam khổ (ngọt đắng), tính lương (mát). Vào 2 kinh vị và can. Có tác dụng bình can thanh nhiệt (mát gan), tỉnh não kiện thần (cải thiện thần kinh), nhuận phế chỉ khái (mát phổi cầm ho), khu phong lợi thấp (trừ phong thấp), chỉ huyết (cầm máu), giải độc. Có thể dùng trị cao huyết áp, kèm theo các chứng trạng chóng mặt hoa mắt đau đầu, mặt hồng mắt đỏ; xơ cứng mạch máu, thần kinh suy nhược, kinh nguyệt không đều...
Kết quả nghiên cứu dược lý và lâm sàng cho thấy, cần tây có tác dụng điều hòa huyết áp tương đối tốt. Thích hợp với trường hợp cao huyết áp - kèm theo các chứng trạng mà Đông y gọi là “can dương thượng cang”, như mặt đỏ bừng, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, dễ nổi giận, ngủ không yên giấc, nằm mơ nhiều, mạch huyền sác...
Chữa tăng huyết áp:
Để hỗ trợ chữa cao huyết áp trong điều kiện gia đình, có thể sử dụng rau cần theo một số cách cụ thể như sau:
- Dùng rau cần tây tươi, bỏ rễ, rửa sạch, vắt lấy dịch, thêm mật ong cùng lượng. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 40ml, khi uống hâm nóng. Theo một thông báo, đã thử nghiệm chữa 14 ca. Kết quả 12 ca hữu hiệu, 2 ca vô hiệu. Đối với cao huyết áp nguyên phát, cao huyết áp khi mang thai và tuổi mãn kinh, đều có tác dụng. Nói chung, sau 2 - 3 ngày uống thuốc, huyết áp bắt đầu hạ, cá biệt có trường hợp sau 4 - 5 ngày mới bắt đầu thấy có tác dụng. Bệnh nhân cảm thấy các chứng trạng tự giác giảm nhẹ, ngủ ngon giấc hơn và lượng nước tiểu tăng.
- Dùng 10 gốc cần tây, rửa sạch, giã nát, thêm hồng táo 10 trái, sắc lấy nước, chia 2 lần uống trong ngày; liệu trình 15 - 20 ngày. Theo một thông báo: đã điều trị 21 ca cao huyết áp, kèm theo bệnh mạch vành tim, cholesterol máu cao. Kết quả huyết áp và cholesterol đều giảm. Dùng gốc cây tươi cho kết quả tốt nhất, thứ đến gốc khô; lượng thuốc có thể tăng hơn nữa.
- Dùng rau cần tây tươi 250g, rửa sạch, chần nước sôi khoảng 2 phút, thái nhỏ, giã nát vắt lấy nước cốt, mỗi lần uống 1 chén con, ngày 2 lần. Cũng có tác dụng nhất định.
- Nếu không có rau cần tây tươi, có thể dùng rau cần tây khô 30 - 60g, sắc nước uống. Để có cần tây khô sử dụng trong mùa nóng, có thể tự chế rau cần khô như sau: rau cần tây tươi chần qua nước sôi, vớt ra phơi khô trong bóng mát, cất đi dùng dần.
- Dùng rau cần tây tươi 60g, gạo tẻ 50 - 70g. Rau cần rửa sạch, thái nhỏ, cùng gạo cho vào nồi nấu cháo; ngày ăn 2 lần vào buổi sáng và buổi tối. Ăn khi cháo còn nóng, không nên để lâu.
Chú ý: khi thấy huyết áp đã trở lại bình thường, nên ngừng ngay, không nên dùng kéo dài.
Cũng có thể dùng cần tây chữa một số bệnh khác:
Chữa mất ngủ: dùng gốc rau cần tây liền cả rễ 90g, toan táo nhân 9g (sao cháy đen), sắc nước uống.
Chữa nhức đầu: gốc rau cần liền cả rễ một nắm to, rửa sạch, giã nát, xào với trứng gà, ăn ngày 2 lần.
Chữa phong thấp đau nhức, viêm khớp xương chân tay: dùng rau cần tây tươi, giã vắt lấy nước cốt, thêm đường trắng vào, đun sôi lại, uống thay trà trong ngày.
Chữa sản hậu đau bụng: rau cần tây tươi 300g (hoặc khô 60g), sắc lấy nước, thêm chút đường đỏ hoặc rượu trắng vào, uống lúc đói bụng.

Lương y HUYÊN THẢO

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons