Theo quảng cáo của những người bán hàng, đây là loại nấm cực kỳ hiếm có, chỉ mọc trên những đỉnh núi cao của các tỉnh như Yên Bái, Hà Giang... Ban đầu, loài nấm này được tìm thấy trên đỉnh Tây Côn Lĩnh (Hà Giang), được những người Dao đỏ dùng từ nhiều năm trước. Theo quảng cáo, loại nấm này tăng nhu cầu tình dục nam hoặc nữ quá mạnh, nếu chỉ 1 trong 2 vợ chồng uống thì có nguy cơ “tan cửa nát nhà”. Muốn an toàn cho hạnh phúc gia đình thì hai vợ chồng phải uống cùng.
Nấm ngọc cẩu không phải là thần dược. Ảnh: M.H
Tuy nhiên, theo ThS. Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm Khoa Đông Y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thì “nấm ngọc cẩu” thực chất là vị thuốc tỏa dương hết sức thông dụng trong việc chữa bệnh thường nhật của y học cổ truyền, được xếp trong nhóm thuốc bổ dương của Đông dược. Các thầy thuốc Đông y thường sử dụng tỏa dương cùng với các thuốc bổ dương khác như ba kích, tiên mao, nhục thung dung, phá cố chỉ, dâm dương hoắc... để chữa các chứng bệnh như suy giảm ham muốn tình dục, liệt dương, xuất tinh sớm, di mộng tinh, lãnh cảm, muộn con... Nhưng so với nhiều vị thuốc khác, tác dụng này của tỏa dương cũng chỉ ở mức độ vừa phải, nếu như không muốn nói là khiêm tốn, không như những thông tin đã được đồn thổi.
Tỏa dương, còn được gọi là củ dó đất, củ ngọc núi, hoa đất, xà cô, ký sinh hoàn, bất lão dược, địa mao cầu, hoàng cốt lương... và củ cu chó. Vị thuốc này vị ngọt, tính ấm, có công dụng bổ thận trợ dương, nhuận tràng thông tiện, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như liệt dương, di tinh, lưng đau gối mỏi, suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, viêm dạ dày, viêm thận, xuất huyết do giảm tiểu cầu nguyên phát (tử điến), táo bón người già... dưới hình thức độc vị hoặc phối hợp với tang phiêu tiêu, thục địa, ma nhân và các vị thuốc khác.
Khi có nhu cầu sử dụng, nên tìm mua dược liệu này ở các cơ sở Đông dược có tư cách pháp nhân và cần có sự tư vấn của các thầy thuốc chuyên khoa y học cổ truyền.
Thái Minh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét