Đông y cho rằng, cành và lá cây húng giổi có vị cay, có tác dụng trừ phong hành khí, hóa thấp tiêu thực, hoạt huyết giải độc.
Húng giổi còn gọi là "húng quế", "é quế", "hương thái", "la lặc", "đinh hương la lặc", "hương thái", "cửu tầng tháp", "hương tử hoa", "tô bạc hà", "ế tử thảo"..., tên khoa học là Ocimum basilicum L. var. basilicum., thuộc họ Hoa môi Lamiaceae (Labiatae).
Là loại cây thảo, sống hằng năm. Thân và cành vuông, nhẵn hay có lông, thường phân cành ngay từ dưới gốc, cao 50 - 60cm. Lá mọc đối có cuống, phiến lá hình thuôn dài, hình trái xoan - mũi mác; có thứ màu xanh lục, có thứ màu tím đen nhạt. Cụm hoa mọc thành xim co ở đầu cành, gồm nhiều vòng, có 5 - 6 hoa nhỏ màu trắng hay hơi hồng... Quả chứa hạt đen bóng, khi ngâm vào nước có chất nhầy màu trắng bao quanh.
Ở miền Bắc, cây húng giổi chỉ thấy được trồng làm gia vị; ở miền Nam, ngoài sử dụng làm gia vị người ta còn dùng hạt làm nước giải khát (ngâm hạt trong nước hay nước đường một lúc, cho đến khi thấy chất nhầy nở ra thì uống).
Quả húng giổi (thường gọi là hạt húng quế, hạt é) chứa chất nhầy, khi ngâm vào trong nước sẽ nở ra, bao quanh hạt thành một màng nhầy trắng. Thứ nước giải khát này có tác dụng chống nóng rất tốt và còn nhuận tràng. Húng giổi giàu dược tính nên được dùng làm thuốc từ rất lâu đời. Dùng toàn cây (cành, lá), một số trường hợp dùng riêng hạt hoặc rễ.
Đông y cho rằng, cành và lá cây húng giổi có vị cay, tính ấm; đi vào các kinh Thủ thái âm Phế, Túc thái âm Tỳ, Thủ dương minh Đại tràng và Túc dương minh Vị. Có tác dụng trừ phong hành khí, hóa thấp tiêu thực, hoạt huyết giải độc.
Chủ trị cảm mạo đau đầu, đầy bụng, đau vùng thượng vị, tiêu chảy, kinh nguyệt không điều hòa, đòn ngã tổn thương, rắn và côn trùng cắn, da lở loét chảy nước, dị ứng mẩm ngứa... Hiện tại trên lâm sàng thường sử dụng để chữa sổ mũi, đau đầu, đau dạ dày, đầy bụng, tiêu hóa kém, viêm ruột, ỉa chảy, kinh nguyệt không đều, chấn thương bầm giập, đau khớp...
Liều dùng hàng ngày dưới dạng sắc nước uống từ 10 - 15g khô (20 - 30g tươi), hoặc giã lấy nước cốt uống. Dùng ngoài giã đắp, đốt tồn tính nghiền mịn để bôi, hoặc nấu làm nước rửa.
Kiêng kỵ: Người khí hư huyết táo sử dụng cần thận trọng. Theo sách "Gia Hựu bản thảo", không nên ăn quá nhiều, dùng quá lâu có thể dẫn tới đau xương khớp.
Hạt húng giổi có vị cay ngọt, tính bình hơi mát. Có tác dụng thanh nhiệt, sáng mắt, trừ màng mộng. Dùng chữa mắt đỏ nhiều dử; lông quặm, mắt sinh màng mộng, giác mạc mờ đục nhìn không rõ, nha cam tẩu mã (tẩu mã nha cam)...
Liều dùng hàng ngày: Sắc uống từ 9 - 12g hạt.
Dưới đây là cách sử dụng hung giổi để trị một số bệnh chứng
Chữa cảm mạo, đau đầu, ho, viêm họng: Dùng húng giổi từ 20 - 40g (cành, lá), hãm nước sôi, chia ra uống dần trong ngày.
Chữa ho gió (do cảm mạo): Dùng húng giổi, húng chanh, xương sông có lượng bằng nhau; giã nát với ít muối, chia ra nhiều lần ngậm trong ngày (nuốt dần nước cốt, cuối cùng nhổ bỏ bã).
Làm lợi sữa: Dùng cành lá húng giổi 20 - 40g, sắc nước uống trong ngày. Dùng cho phụ nữ sau khi sinh bị thiếu sữa cho con bú rất tốt.
Chữa đầy bụng, khó tiêu, ỉa chảy: Dùng một nắm lá húng giổi 20 - 40g, sắc lấy nước để uống.
Chữa mắt sinh màng mộng, nhìn không rõ: Dùng hạt húng giổi 3 - 5g, sắc nước uống trước khi đi ngủ, kiên trì sử dụng sẽ hiệu quả.
Chữa mẩn ngứa, nổi mề đay, do dị ứng: Hái cành lá bánh tẻ, có kèm theo cả hoa và hạt càng tốt. Sau rửa sạch, hong cho khô, rồi giã nhỏ, chế thêm nước nóng, vắt lấy nước cốt uống, đồng thời lấy bã xoa đắp vào những chỗ da dị ứng mẩn ngứa.
Theo BS Hoàng Tuấn Long - Nông nghiệp Việt Nam
0 nhận xét:
Đăng nhận xét