Hiểu đúng về ACNHH
An cung ngưu hoàng hoàn là phương thuốc do danh y Ngô Đường, tự Cúc Thông, người đời Thanh (Trung Quốc), đại biểu trọng yếu của học phái ôn bệnh, được ghi trong sách Ôn bệnh điều biện nổi tiếng của ông với thành phần gồm: ngưu hoàng 1 lạng, uất kim 1 lạng, sừng tê giác 1 lạng, hoàng cầm 1 lạng, hoàng liên 1 lạng, hùng hoàng 1 lạng, sơn chi 1 lạng, chu sa 1 lạng, mai phiến 2 tiền 5 phân, xạ hương 2 tiền 5 phân, trân châu 5 tiền. Tất cả tán bột thật mịn, dùng mật làm hoàn (viên), mỗi hoàn 1 tiền, lấy vàng lá làm áo, bao sáp.
Hùng hoàng có thành phần chính là thạch tín.
Vì chiếm phần lớn trong thuốc là thành phần có xuất xứ từ khoáng chất và động vật. Ngưu hoàng (là sỏi trong túi mật của con trâu); tê giác (sừng tê); xạ hương (một chất được tiết ra từ tuyến nội tiết của con cầy hương đực); hùng hoàng (có thành phần chính là sunfur thạch tín - arsenic sufide có ký hiệu là AsS hay As2S2) ngoài ra có các muối kim loại nặng; băng phiến (là một hydrocarbon ở thể rắn, tinh thể màu trắng - chiết suất từ long não); chu sa (thành phần chính là sulfua thủy ngân (HgS) rất độc...
Chỉ có uất kim, hoàng cầm, hoàng liên, chi tử (là thảo mộc).
Theo YHCT, bài thuốc có tác dụng điều trị chứng “trúng phong”.
Chứng trúng phong được YHCT miêu tả như sau: “Trúng phong là trạng thái đột nhiên bất tỉnh, đồng thời có thể xuất hiện liệt nửa người, mắt lệch, miệng méo, lưỡi cứng, nói khó hoặc không nói được... thường gặp ở người hư yếu, người cao tuổi, tăng huyết áp...”.
Chứng trạng này rất phù hợp với chứng bệnh mà y học hiện đại gọi là “tai biến mạch máu não” (TBMMN) nói chung.
Nhưng “TBMMN” bản thân nó có hai dạng: xuất huyết não và nhồi máu não. Hai dạng TBMMN này biểu hiện các triệu chứng trên lâm sàng (tức là nhìn và khám bằng mắt thường) rất khó phân biệt, phải là người có kiến thức chuyên môn sâu kết hợp với các xét nghiệm cận lâm sàng mới có thể khẳng định được.
Thực tế, với tính dược của viên ACNHH chỉ có thể được phép chỉ định cho trường hợp TBMMN thể nhồi máu não.
Đối với xuất huyết não, tuy thuốc có tính thiên về hàn nhưng với tác dụng hoạt huyết, hành khí khá mạnh nó có thể làm cho xuất huyết nặng thêm.
Như vậy, với cách hiểu và dùng ACNHH như đa số hiện nay là không có cơ sở, rất vu vơ và không an toàn.
Tuy vậy, nếu được chẩn đoán chính xác thể bệnh thì dùng ACNHH là hoàn toàn có lý.
Những lưu ý khi dùng ACNHH
Khi dùng thuốc nên có chế độ ăn uống hợp lý, tránh thức ăn chua cay hoặc có nhiều chất béo vì có thể làm sinh nội nhiệt và đờm.
Thuốc có chứa chu sa và hùng hoàng vì thế không nên dùng thuốc trong thời gian dài. Bệnh nhân suy chức năng gan, thận hết sức thận trọng khi dùng thuốc.
Trường hợp bị bất tỉnh do sốt cao, hôn mê do lụt máu não sẽ khó dùng thuốc theo đường uống, thuốc có thể dùng qua nuôi dưỡng bằng ống xông mũi.
Nếu điều trị với thuốc mà xảy ra các trường hợp sau: bất tỉnh do tràn máu não dẫn đến kiệt sức, lạnh chân tay, mạch yếu hoặc không có mạch nên dừng thuốc ngay lập tức.
Hạn chế dùng thuốc cho vận động viên thể dục thể thao.
Dùng thuốc dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ, đặc biệt lưu ý nếu bệnh nhân là: phụ nữ cho con bú, trẻ em hoặc người cao tuổi.
Thận trọng ở bệnh nhân có tình trạng dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc.
Nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu muốn dùng kèm thuốc khác.
Bỏ lớp vỏ nhựa, lớp sáp và lớp giấy bóng kính bên ngoài viên thuốc trước khi uống. Nên nhai viên thuốc hoặc uống từng phần nhỏ.
Cần nói thêm rằng, ACNHH là thuốc đắt tiền, nhiều người thần thánh hóa loại thuốc này. Bởi vậy không loại trừ mua phải thuốc giả, thuốc nhái. Vì vậy, khi sử dụng ACNHH hãy cẩn trọng kẻo “tiền mất tật mang”.
Lương y Vũ Quốc Trung
0 nhận xét:
Đăng nhận xét