Thông tin các vụ trúng kỳ nam nghìn tỉ đồng trong 2 năm qua lan ra làm cho giới tìm trầm cả miền Trung sôi sùng sục. Vậy kỳ nam là gì mà tạo nên “cơn sốt” như vậy?
Trong năm 2011 cũng như năm nay, tin đồn người dân thuộc một nhóm thợ săn trầm ở huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam tìm được kỳ nam bán được 55 tỉ đồng được loan ra gây chú ý dư luận. Tin đồn cho biết nhóm phu trầm tìm được 7kg kỳ nam tại vùng rừng Khánh Sơn, Khánh Hòa, đã khiến hàng trăm nông dân vay mượn tiền bạc sắm lương thực, thực phẩm bắt xe vào Khánh Hòa tìm trầm.
Kỳ nam là cây gì?
Theo sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, trầm hương còn gọi là kỳ nam, có tên khoa học là Aquilaria agallocha thuộc họ trầm (Thymelacaceae). Trầm hương (Lignum Aqualiae) là nhựa của cây trầm hương (còn có tên cây dó), có mùi thơm.
Không phải bất kỳ thân cây dó nào cũng có trầm hương và kỳ nam. Chỉ một số cây dó có bệnh mới chứa trầm ở phần lõi của thân. Ở phần này, nếu quan sát kỹ qua độ phóng đại của kính lúp, ta thấy các tế bào gỗ thoái hóa, biến dạng, mất mộc tố, chứa một chất nhựa thơm (tinh dầu), biến thành những khối hình thể không đều, lồi lõm, có rãnh dọc, trong trong, màu sậm; đó là kỳ nam (Bois d’aloès). Chung quanh kỳ nam gỗ cũng biến chất ít nhiều, đó là tóc (do chữ Camphuchia là Tok); khi đốt cháy tóc tỏa ra mùi thơm, thường dùng để làm nhang nên gọi là trầm hương (Bois d’aigle).
Khi đốt cháy trầm hương bốc khói lên hình vòng rồi tan biến nhanh trong không khí. Trầm hương có hình dáng, kích thước không nhất định: có khi là miếng gỗ, có khi là những cục hình trụ, thường dài 10cm, rộng 2 - 4cm, mặt ngoài màu vàng nâu, nhựa màu nâu đen hay đen. Quan sát dưới kính hiển vi điện tử cho thấy, lượng nhựa resin phong phú được hình thành trong các tế bào gỗ. Do sự biến đổi bất thường của cấu tạo cây nên các tế bào đặc biệt bên trong các thớ gỗ sản xuất ra nhựa có mùi thơm rất đặc biệt, nhất là khi đốt lên.
Kỳ nam là tên loại trầm quý nhất. Muốn giữ kỳ nam được tốt và lâu thì nên bọc vào giấy thiếc hoặc bỏ vào hộp có nắp đậy kín để tinh dầu khỏi bay hơi hoặc chảy bớt. Gỗ kỳ nam nặng và nhuyễn, có đủ vị cay, chua, đắng, ngọt, thơm tho. Nó tích chứa nhiều tinh dầu nên khi cháy cho ngọn màu xanh, khói lên thẳng và cao, bay lờ lững trong không khí rất lâu.
Kỳ nam tác dụng như thế nào?
Trầm hương và kỳ nam của ta rất có giá trị trên thị trường quốc tế, nhất là đối với Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản. Đó là những hương liệu quý giá trong việc điều chế các loại nước hoa hảo hạng như Santal, Nuit d’Orient..., một số xà phòng tắm và nhất là nhang trầm.
Trầm hương được dùng trong y học cổ truyền, làm thuốc trị bệnh nôn mửa, đau bụng, đau dạ dày. Bài thuốc như sau: lấy trầm hương 10g, nhục quế 10g, bạch đậu khấu 8g, hoàng liên 8g, đinh hương 10g, tất cả tán nhỏ, ngày uống 3 - 4 lần, mỗi lần 1g. Dùng nước nóng chiêu thuốc (GS. Đỗ Tất Lợi). Kỳ - trầm còn được dùng trừ lam - sơn - chướng khí... Tuy nhiên, giá trị chính của trầm hương là sử dụng làm hương liệu trong công nghiệp mỹ phẩm, nhất là mỹ phẩm thượng hạng cũng như các đặc sản cao cấp phục vụ kỹ nghệ du lịch. Theo tác giả Tôn Thất Sam, trầm hương và kỳ nam thường được hình thành từ những cây trầm hương hàng trăm năm. Kỳ nam là mặt hàng dược liệu quý hiếm, ngày xưa được dùng để dâng các bậc vua chúa và hiện có giá trị xuất khẩu cao. Một lít tinh dầu trầm có giá đến 50.000USD nhưng nếu xuất xứ từ Việt Nam thì giá có thể lên cao hơn vì trầm Việt Nam có chất lượng cao hơn tiêu chuẩn quốc tế.
Giá trị thật của kỳ nam
Trên lĩnh vực dược lý lâm sàng, công dụng trị bệnh của kỳ nam còn mơ hồ nhưng điều kỳ lạ là giá trị của kỳ nam cứ tăng lên từng ngày và thật sự chóng mặt. Cách đây độ 10 năm, 1kg kỳ nam thượng hạng có giá hơn 100 triệu đồng, rồi tăng lên 300 triệu, 500 triệu, 1 tỉ… Sở dĩ kỳ nam cao giá là vì ngoài lĩnh vực hương liệu mỹ phẩm thì kỳ nam còn có những giá trị tâm linh đối với người giàu có tin dùng để làm bùa hộ mệnh, đeo tay, đeo cổ trừ tà khí…
DS. TRƯƠNG TẤT THỌ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét