Lan gấm có nhiều tên khác nhau như lá gấm, mộc sơn thạch tùng, kim tuyến liên, tên khoa học là Anoechilus Roxburglihayata thuộc họ lan (Orchidaceae).
Là loài địa lan, thân bò rồi đứng, thường thấy mọc hoang tại nhiều nơi thuộc các vùng núi như vùng rừng già tại Lâm Đồng, Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương, Di Linh... của nước ta.
Theo Đông y, lan gấm vị ngọt, tính mát, tác dụng bổ âm nhuận phế, có tác dụng tăng cường sức khỏe, làm khí huyết lưu thông, làm mát phổi, mát máu, an thần. Cây thuốc có tính kháng khuẩn, chữa các bệnh viêm phế quản, viêm gan mạn tính, chữa các chứng bệnh như ho khạc ra máu, thần kinh suy nhược, gây mất ngủ, kém ăn, trị lao phổi, tiêu hóa kém, chán ăn, phổi kết hạch. Ngoài ra, còn chữa tăng huyết áp, suy thận, di tinh, đau lưng, phong thấp, tiêu đờm, giải độc, giải nhiệt...
Bộ phận sử dụng làm thuốc là toàn bộ cây tươi hay cây khô sắc uống. Liều lượng trung bình cho loại thuốc sắc trong 1 ngày là 20g tươi hoặc 5g khô. Sử dụng đắp ngoài toàn bộ cây tươi rửa sạch, giã nát đắp vào nơi sưng đau.
Dưới đây xin giới thiệu những phương thuốc chữa bệnh từ cây lan gấm:
Chữa ho khạc ra máu: lan gấm 30g, mạch môn 25g, huyền sâm 20g, ngưu tất 15g, quyết minh tử 15g, hoài sơn 20g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. Cần uống liền 5 - 7 thang.
Chữa thần kinh suy nhược, mất ngủ: lan gấm 25g, hoa thiên lý 10g, hoa nhài 12g, tâm sen 8g, mạch môn 15g, huyền sâm 10g, ngưu tất 8g, quyết minh tử 20g, hoài sơn 12g, cam thảo đất 8g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần trong ngày. Cần uống 3 - 5 thang.
Chữa kém ăn: lan gấm 25g, hoài sơn 10g, liên nhục 8g, sơn tra 6g, trần bì 5g, huyền sâm 20g, quyết minh tử 5g. Sắc lấy nước thuốc chia 3 lần uống trong ngày (ngày 1 thang), cần uống 5 - 7 thang liền.
BS. Hoàng Xuân Đại
0 nhận xét:
Đăng nhận xét