Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Món ăn thuốc quý từ đông trùng hạ thảo

Đông trùng hạ thảo còn gọi là trùng thảo, hạ thảo đông trùng..., là một loại nấm sống trên sâu bướm, có đặc tính là ấu trùng ký sinh vào mùa đông (đông trùng) nhưng phát triển thành nấm tảo (hạ thảo) vào mùa hè năm sau. Đông trùng hạ thảo được coi là dược liệu quý trong Đông y, là thần dược được các vua chúa thời xưa tin dùng.
Theo Đông y, đông trùng hạ thảo vị ngọt, tính ôn; vào phế thận, có tác dụng làm giãn cơ trơn khí quản, kích thích hưng phấn thần kinh, làm tăng khả năng đề kháng miễn dịch, tăng bạch cầu, bổ phế thận, trị suyễn khái, tráng dương khí. Dùng cho các trường hợp viêm phổi, viêm khí phế quản mạn tính, hen suyễn, lao phổi. Chữa các triệu chứng ho, ho ra máu, vã mồ hôi trộm; đau lưng mỏi gối, di tinh liệt dương, thần kinh suy nhược (thận dương hư); các trường hợp sau xạ trị hóa trị thiếu máu giảm hồng cầu... Hằng ngày có thể dùng 3 - 10g, dưới dạng nấu hầm, ngâm, sắc.
Món ăn thuốc quý từ đông trùng hạ thảo 1
 Đông trùng hạ thảo ngâm rượu chữa mất ngủ.
Cách dùng đông trùng hạ thảo làm thuốc
Trị liệt dương, di tinh, hoạt tinh: đông trùng hạ thảo 6g, dâm dương hoắc 8g, ba kích 12g, hà thủ ô 12g. Đông trùng hạ thảo tán bột. Các vị khác sắc và cô lại còn 300ml; hòa bột đông trùng chia uống ngày 2 - 3 lần.
Chữa người già suy nhược, viêm phế quản mạn tính, ho hen lâu ngày:đông trùng hạ thảo 6g, khoản đông hoa 6g, tang bạch bì 8g, cam thảo 3g, tiểu hồi 3g. Đông trùng hạ thảo tán bột để riêng. Các vị khác sắc với 700ml nước và cô lại còn 200ml; hòa bột đông trùng vào và chia uống 3 lần trong ngày.
Món ăn - bài thuốc có đông trùng hạ thảo
Thịt gà hầm trùng thảo (hoặc thịt bò thịt heo): trùng thảo 10g, thịt nạc (gà, heo hoặc bò) 100g. Thịt thái lát, cho trùng thảo vào, ninh nhừ, thêm gia vị. Chia ăn 1 - 2 lần trong ngày. Dùng cho các trường hợp thiếu máu, liệt dương, di tinh.
Chim cút hầm trùng thảo: chim cút 8 con, trùng thảo 8g. Chim làm sạch, ngâm qua trong nước sôi 1 phút, vớt ra để nguội. Trùng thảo chia 8 phần, cho trong bụng chim cút, dùng chỉ khâu lại, đặt chim cút vào nồi có nước luộc gà, muối tiêu, gia vị, đậy vung thật kín, đun nhỏ lửa, ninh trong 40 phút là được. Dùng cho các trường hợp ho suyễn khó thở, đau lưng mỏi gối.
Rượu trùng thảo: trùng thảo 15 - 30g, rượu trắng 40 độ 500ml. Ngâm trong 7 ngày. Mỗi bữa ăn uống 10 - 20ml. Ngày 2 - 3 lần. Dùng cho các trường hợp suy nhược thần kinh, mất ngủ sau bệnh nặng kéo dài ngày.
Vịt hầm trùng thảo: Trùng thảo 5 - 10 con; vịt 1 con. Vịt làm sạch, rạch vùng cổ vịt cho trùng thảo vào, dùng chỉ khâu lại, cho gia vị vừa ăn, chút rượu, dấm, ninh chín nhừ. Dùng cho các trường hợp suy nhược sau các bệnh dài ngày, hen suyễn.
Gà hầm sơn dược trùng thảo: thịt gà 100g, sơn dược 15g, trùng thảo 15g. Thêm nước nấu nhừ, cho gia vị vừa ăn. Dùng cho các trường hợp lao phổi, hen suyễn, suy nhược cơ thể.
Óc lợn hầm trùng thảo: trùng thảo 3g, óc lợn 1 cái. Cho vào nồi đun cách thủy thêm ít nước, gia vị và đun nhỏ lửa cho chín nhừ. Chia ăn 2 lần trong ngày khi đói. Dùng cho các trường hợp động kinh, suy nhược thần kinh.
Kiêng kỵ: Người đang có ngoại cảm biểu chứng cần thận trọng.   

TS. Nguyễn Đức Quang

Vị thuốc quý trị ung thư

Người ta đã và đang nghiên cứu các loại thảo dược nào có thể hữu ích cho người bệnh ung thư. Cỏ lưỡi rắn trắng (bạch hoa xà thiệt thảo) là một trong những thảo dược “nổi bật” mà người bị ung thư nên biết.
Mô tả cây
Trong Đông y, cỏ lưỡi rắn trắng có tên là bạch hoa xà thiệt thảo (bạch hoa =  hoa trắng; xà = rắn; thiệt = lưỡi; thảo = cỏ).
Tên khoa học là Hedyotis diffusa Willd, thuộc họ cà phê.
Còn có tên là bòi ngòi bò, xà thiệt thảo, xà châm thảo, long thiệt thảo, nhị diệp lục.
Vị thuốc quý trị ung thư 1
Bạch hoa xà có rất nhiều giống; ở Trung Quốc nó có tên là xà thiệt thảo, dương thu thảo; ở Việt Nam gọi là bòi ngòi bò. Chính vì có rất nhiều giống nên tùy loại khác nhau mà bạch hoa xà có cấu trúc, hình dạng có chút khác nhau chứ không phải là thật hay giả như nhiều người vẫn đang thắc mắc.
Đặc điểm dễ nhận biết của bạch hoa xà là loại mọc bò, thân bốn cạnh màu nâu nhạt, lá dài và hơi thuôn, nhọn ở đầu; hoa không cuống, mọc đơn độc và có màu trắng hoặc hồng.
Theo Đông y, thuốc có vị đắng, ngọt, tính ôn, không độc, quy kinh Tâm, Can, Tỳ.
Thuốc có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu ung kháng nham, lợi thấp. Trị các loại sưng đau do những ung thư: mắt, mũi - họng, thực quản, phổi, dạ dày, tuỵ, gan, trực tràng, bàng quang, tiền liệt tuyến, cổ tử cung, xương, lymphô và các loại nhiễm trùng như: nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm hạnh nhân, viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản cấp mạn, viêm phổi, viêm gan thể vàng da hoặc không vàng da cấp, viêm ruột thừa, ung nhọt, u bướu, sưng nhọt lở đau, tổn thương do đòn ngã, rắn độc cắn.
Những nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy thuốc có tác dụng:
Chống khối u: thuốc sắc bạch hoa xà thiệt thảo nồng độ cao in vitro thấy có tác dụng ức chế đối với tế bào trong bệnh bạch cầu cấp, bạch cầu tăng hạt cấp.
Chống ung thư: thuốc ức chế sự phân chia sinh sản của hạch tế bào ung thư làm cho tế bào ung thư hoại tử khác biệt rõ so với lô chứng, cũng có tác giả cho rằng thuốc chỉ có tác dụng ở nồng độ cao và có tác dụng không đặc hiệu.
Một số kinh nghiệm dùng trị các loại ung thư
Ung nhọt, u bướu: bạch hoa xà thiệt thảo 120g, bán biên liên tươi 60g. Sắc uống. Giã nát đắp lên nơi đau
Ung thư phổi, ung thư trực tràng thời kỳ đầu: bạch hoa xà thiệt thảo, bán chi liên đều 60g, ngày 1 thang. Sắc uống.
Ung thư phổi:
Bạch hoa xà thiệt thảo, bạch mao căn đều 160g tươi. Sắc uống với nước đường.
Bạch hoa xà thiệt thảo 50g, bán chi liên, sa sâm, hoài sơn, ngư tinh thảo đều 30g, thiên môn, mạch môn, xuyên bối mẫu, tri mẫu, a giao, tang diệp đều 9g, phục linh 12g, sinh địa 15g, tam thất, cam thảo đều 3g. Ngày 1 thang sắc uống (sa sâm bạch liên thang).
Ung thư mũi họng: bạch hoa xà thiệt thảo, tử thảo, đan sâm đều 30g, bán chi liên, dã bồ đào căn đều 60g, can thiềm bì, cấp tính tử đều 12g, thiên long, bán hạ, cam thảo đều 6g, mã tiền tử 3g. Sắc uống.
Ung thư xoang hàm trên: bạch hoa xà thiệt thảo, thạch kiến xuyên, hoàng cầm, bán chi liên, sinh địa, huyền sâm, mẫu lệ (sống) đều 30g, sa sâm, bồ công anh, đại hoàng đều 10g, bạc hà, cúc hoa đều 5 - 10g. Sắc uống.
Ung thư mũi họng, hạch lymphô cổ to, mũi tắc chảy nước mũi có máu, ho, đờm nhiều, liệt mặt, chất lưỡi tối hoặc đen xạm, rêu dày nhớt, mạch huyền hoạt: bạch hoa xà thiệt thảo, bán chi liên, bạch mao căn, hoàng cầm, liên kiều, bạch cương tàm, hạ khô thảo, triết bối mẫu, thất diệp nhất chi hoa, thổ phục linh, hoàng dược tử đều 12g, bán hạ chế gừng, nam tinh lùi, đại kế, tiểu kế đều 8g, bạch anh, đào nhân, ý dĩ, đông qua nhân đều 10 - 16g. Ngày 1 thang sắc uống.
Ung thư thực quản, nuốt khó, lưng ngực đau bỏng rát, miệng khô, họng khô, ngũ tâm phiền nhiệt, đại tiện táo bón, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít hoặc không rêu, mạch huyền tế sác: bạch hoa xà thiệt thảo, bán chi liên, sinh địa, bắc sa sâm, nam sa sâm đều 16g, huyền sâm, mạch môn, đương quy, bồ công anh, tỳ bà diệp tươi, lô căn tươi đều 20g, chi tử, bạch anh, hạ khô thảo đều 12g, hoàng liên 8 - 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
Ung thư gan: bạch hoa xà thiệt thảo, bán chi liên đều 20g, tiểu kim bất hoán, kê cốt thảo đều 15g. Ngày 1 thang sắc uống.
Ung thư gan: bạch hoa xà thiệt thảo 30g, chó đẻ răng cưa 30g, cam thảo dây 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia uống 2 - 3 lần trong ngày.
Ung thư: dạ dày, trực tràng, thực quản, cổ tử cung và các bệnh u bướu: bạch hoa xà thiệt thảo, bán chi liên, bạch anh, đông quỳ, bán biên liên, trương ương đều 30g. Ngày 1 thang sắc uống.
Ung thư dạ dày: bạch hoa xà thiệt thảo 60g, bạch mao căn (rễ cỏ tranh) 60g, hạt bo bo 40g, đường đỏ 40g. Sắc uống ngày một thang.
Ung thư tuỵ: bạch hoa xà thiệt thảo, thiết thúc diệp, mẫu lệ nung đều 30g, hạ khô thảo, hải tảo, hải đới, đảng sâm, phục linh đều 15g, lậu lô, đương quy, xích thược, bạch truật đều 12g, đan sâm 18g, xuyên luyện tử, uất kim đều 9g. Sắc uống.
Ung thư bàng quang: bạch hoa xà thiệt thảo, long quý, xà môi, bạch anh, hải kim sa, thổ phục linh, đăng tâm thảo, uy linh tiên.
Ung thư bàng quang, trong nước tiểu có máu, tiểu tiện khó, đau tức ở bụng dưới, nước tiểu vàng, rêu lưỡi nhớt khô, mạch huyền hoạt sác: bạch hoa xà thiệt thảo, bán chi liên đều 15g, bạch anh, thổ phục linh, long đởm thảo, chi tử sao, hoàng cầm, sài hồ, sinh địa, xa tiền thảo, trạch tả đều 12g, mộc thông, biển súc, cù mạch đều 10g, hoạt thạch 20g.
Ung thư cổ tử cung: bạch hoa xà thiệt thảo, bán chi liên, côn bố, hải tảo, đương quy, tục đoạn đều 24g, toàn yết 6g, ngô công 3 con, bạch thược, hương phụ, phục linh đều 15g, sài hồ 9g. Sắc uống.
Ung thư cổ tử cung do thấp nhiệt độc thịnh: bạch hoa xà thiệt thảo, thổ phục linh đều 30g, bán chi liên, thảo hà xa đều 15g, sinh ý dĩ 12g, thương truật, biển súc, xích thược đều 9g, hoàng bá 6g.
Ung thư cổ tử cung do can thận âm hư: bạch hoa xà thiệt thảo 30g, thảo hà xa, hạn liên thảo, hoài sơn đều 15g, sinh địa 12g, tri mẫu, trạch tả đều 9g, hoàng bá 5g.
Ung thư tiền liệt tuyến: bạch hoa xà thiệt thảo, thổ phục linh, xuyên sơn giáp, sinh hoàng kỳ đều 15g, đảng sâm, tiên linh tỳ, kỷ tử, hà thủ ô chế, ngưu tất, thất diệp nhất chi hoa, bạch thược đều 12g, nhục thung dung, ba kích, đại hoàng chế, tri mẫu, chích cam thảo đều 6g, hoàng bá sao 10g. Sắc uống.
Ung thư xương: bạch hoa xà thiệt thảo, địa miết trùng, đương quy, từ trường liễu đều 10g, phòng phong, chích cam thảo đều 6g, ngô công 3g, đảng sâm, hoàng kỳ đều 12g, thục địa, kê huyết đằng đều 15g, nhũ hương, một dược đều 9g. Ngày 1 thang sắc uống.
Bột chống ung thư: bạch hoa xà thiệt thảo, bán biên liên, hoàng kỳ, đương quy. Bột có tác dụng chống ung thư, giải độc, bổ thận nâng cao tính miễn dịch của cơ thể.
Hiện nay 2 vị thuốc bán chi liên và bạch hoa xà thiệt thảo đã được một số viện y học dân tộc trong và ngoài nước lấy làm chủ lực (vị quân) trong các bài thuốc chữa ung thư (K). Tuy nhiên do ung thư có nhiều dạng, nhiều vị trí, người bệnh lại có thể tạng khác nhau, nên các thầy thuốc phải khám bệnh và kê toa phối các vị (thần - tá - sứ) cho phù hợp với mỗi người, mỗi dạng bệnh. Đã có nhiều người chữa ung thư bằng bài thuốc này tại các viện YHDT, có kết quả tốt...
Kinh nghiệm của Trung Quốc lâm sàng điều trị 47 ca u não giai đoạn 1 và 2; kết quả 5 khỏi, 11 tốt, 16 tiến bộ; khỏi đau đầu trong 1 - 2 tuần, hết phù nề đáy mắt trong 1 - 2 tháng; sau đó điều trị trên 100 ca.
Bạch hoa xà thiệt thảo + bán chi liên:  tương truyền rằng phương thuốc này là của một tội nhân bên Tàu, vì sợ chết rồi thất truyền nên đã cống hiến cho công chúng trước ngày ra chịu tội tử hình 3 ngày.
Thang thuốc chỉ có 2 vị: bán chi liên 30g và bạch hoa xà thiệt thảo 60g.
Cách dùng: một thang uống 2 lần. Nước đầu (uống buổi sáng), dùng 4 chén nước nấu còn lại 2 chén. Nấu bằng siêu đất hay nồi bằng nhôm đều được cả, không có kỵ. Nước thứ nhì, uống buổi chiều, cũng dùng 4 chén nước nấu còn lại hai chén.
Chú ý:
- Có thể nấu lần thứ ba với nhiều nước để uống trong ngày thay trà.
- Lúc bình thường mỗi tháng uống một lần rất hay. Vì thuốc này đối với độc nóng của lục phủ ngũ tạng và các chứng trĩ, áp huyết cao, ho, nóng vân vân đều rất hiệu nghiệm.
- Nên để nguội sẽ uống, uống trước bữa ăn 1 giờ và sau bữa ăn 2 giờ, nghĩa là lúc bụng còn đói, thì có hiệu quả nhanh chóng hơn.
- Cần kiên trì uống cho đến khi khỏi bệnh (qua các xét nghiệm chẩn đoán…).
- Phương thuốc này chủ trị các bịnh ung thư. Căn cứ những kết quả đã dùng, thấy đã chữa khỏi những bịnh ung thư lở loét nơi dạ dày, ruột, gan, tử cung, vú, não v.v... Đặc biệt bịnh ung thư nơi ruột và dạ dày chỉ uống từ 4 hay 5 giờ sau là thấy hiệu quả khác thường.
- Phương thuốc này trẻ, già, trai, gái đều uống được cả. Sau khi uống thuốc nếu thấy đại tiểu tiện có máu, mủ bài tiết ra, đó là dấu hiệu tốt (đối với người bị bệnh nặng). Còn đối với người bị bịnh nhẹ sẽ không thấy có máu mủ bài tiết ra ngoài nhưng sẽ thấy trong người khỏe hẳn ra. Có thể uống thuốc này từ 3 tới 4 tháng mới khỏi hẳn.
- Phụ nữ có thai không nên uống.

LY. HOÀNG DUY TÂN

Nhộng tằm - Vị thuốc tốt cho trẻ nhỏ

Nhộng tằm còn gọi là tàm dũng, vị ngọt cay, tính bình, có công dụng hòa tỳ vị, trừ phong thấp, trường dương khí, dùng để chữa trẻ em cam nhiệt, gầy yếu, tiêu khát... Một số vận dụng cụ thể như sau:
Trẻ em chậm phát dục: nhộng tằm 250 con luộc chín, sấy khô, sau đó đem rang vàng với dầu vừng, nêm đủ mắm muối, mỗi ngày ăn 10 con.
Trẻ em cam tích: nhộng tằm rang chín, mỗi ngày ăn 10 con chiêu với mật ong.
Trị giun: nhộng rang chín mỗi ngày ăn 20 con.
Động kinh, co giật: nhộng 5 con, cương tàm 10 con, bán hạ chế 15g, ngô công 1 con, toàn yết 0,3g, sắc uống.
Nhộng tằm - Vị thuốc tốt cho trẻ nhỏ 1
Nhộng tằm.
Quai bị: nhộng 10 con, bản lam căn 30g, bồ công anh 30g, sắc uống.
Trĩ xuất huyết, xích lỵ: nhộng 1g, hoa hòe 30g, chỉ xác 10g, trắc bá diệp 15g, sắc uống.
Đau răng, cam răng: nhộng 3g đốt tồn tính, tán bột, trộn dầu vừng bôi vào tổn thương.
Sởi: nhộng 15g, sà sàng tử 10g, tạo giác thích 10g, bạch tiên bì 10g, khổ sâm 10g, sắc uống.
Chảy nước mắt nhiều khi ra gió: nhộng 30g, ba kích 10g, cốc tinh thảo 10g, mật mông hoa 10g, mộc tặc 10g, sắc uống.
Ngoài ra, tằm vôi (bạch cương tàm) là vị thuốc trị còi xương, sốt cao ở trẻ.
Trẻ em còi xương: bạch cương tàm sao qua tán nhỏ, uống mỗi lần 0,5 đồng cân với nước sắc lá bạc hà.
Trẻ em sốt cao co giật: bạch cương tàm, cúc hoa, tang diệp mỗi thứ 4,5g, câu đằng 6g, hoàng cầm 3g, chu sa 0,9g (tán bột uống), sắc uống.   

  ThS. Hoàng Khánh Toàn

Nhựa cây làm thuốc

Đã từ lâu, nhân dân ta đã biết sử dụng các bộ phận của cây cỏ xung quanh mình trong đó có nhựa cây để làm thuốc. Xin giới thiệu một số cách dùng nhựa cây trị bệnh:
Nhựa cây si: trị đau mình mẩy, xương cốt đau nhức, ứ huyết, bầm tím do té ngã, hoặc bị ho, đờm, hen suyễn. Vào các buổi sáng, trời không mưa, dùng dao rựa sắc chặt sâu, để nhựa chảy ra, hứng vào chén sứ, mỗi lần lấy khoảng 10 - 20ml, pha thêm 10 - 20ml rượu 30 - 350, quấy cho nhựa tan đều, rồi uống, 2 - 3 lần/tuần. 
 Nhựa cây duối: trị đau đầu, nhức hai bên thái dương, nhức trán: chọn những cấy ruối có thân và cành to, mập, cũng lấy nhựa theo cách lấy nhựa si. Phết nhựa lên hai miếng giấy trắng, có đường kính 3cm, cho lên lớp nhựa một chút vôi tôi (bằng hạt dỗ xanh), trộn đều vôi vào nhựa, rồi dán hai miếng giấy đó vào hai bên thái dương. Cũng làm tương tự với một miếng giấy có đường kính 1cm, dán vào huyệt ấn đường (điểm giữa hai đầu lông mày). Ngày làm 1 - 2 lần. Có tác dụng giảm đau rõ rệt. Ngoài nhựa cây duối, có thể dùng nhựa cây sung, cách làm tương tự song không cần cho thêm vôi tôi.
Nhựa cây làm thuốc 1
 Nhựa cây duối trị đau đầu.
Nhựa cây đào: theo YHCT, nhựa đào có vị đắng, tính bình, có tác dụng làm tan kết tụ, mụn nhọt, huyết ứ, giảm đau do chấn thương, lợi tiểu. Ngày dùng 3 - 5g, hòa vào nước ấm, hoặc rượu 300 cho tan, uống trước bữa ăn 1 - 2 giờ, ngày 1 lần, uống nhiều ngày tới khi hết các triệu chứng
Nhựa cây vú bò: trị mụn nhọt, nhất là các mụn đầu đinh ở vùng đầu, vùng mặt: ngắt quả còn xanh, lấy nhựa mủ chảy ra từ cuống quả, chấm ngay vào các mụn đó. 
Nhựa lô hội: có tác dụng lợi mật,  kích thích tiêu hóa, kém ăn với liều 0,1g/ ngày. Còn dùng để tẩy khi bị táo bón nặng (0,15 - 2g). Cần lưu ý, lô hội không dùng cho người có thai. Để chế được nhựa, người ta cắt lấy lá, xếp đều đặn thành từng lớp vòng tròn, phía cuống lá bị cắt hướng vào một phía bên trong vòng tròn đó, nơi đã đào sẵn một cái hố, đáy đã được làm sạch, lót một tấm da dê hay da ngựa đã được thuộc khô. Sau khi nhựa chảy ra hết, thu lại, cô đặc sẽ được một thứ nhựa màu đen và đóng thành từng bánh nhỏ.
Nhựa cây đằng hoàng: có tác dụng tẩy mạnh, được dùng khi đại tràng thực nhiệt, khi bị táo bón nặng, với liều 0,10 - 0,15g/ngày. Kiêng dùng cho những người xuất huyết đường tiêu hóa, trẻ em và phụ nữ có thai.
Nhựa thông: còn gọi là tùng hương, được lấy từ cây thông hai lá, sau 15 năm có thể bắt đầu khai thác nhựa. Từ nhựa thông có thể cất lấy phần tinh dầu (có thành phần để chế thuốc ho); phần còn lại là tùng hương (colophan) để chế cao dán mụn, nhọt.                                                                  

  GS. TS. Phạm Xuân Sinh

Cỏ ngọt chữa đái tháo đường, béo phì

Cỏ ngọt thuộc họ cúc, là một cây thảo, cao 0,5-0,8m, thân có rãnh dọc và nhiều lông mịn. Lá mọc đối có răng nhọn ở phần nửa về phía đầu lá, phủ lông trắng mịn, nhấm lá thấy có vị ngọt rất đậm (độ ngọt ở lá và hoa cao hơn ở cành).
Người ta thu hoạch lá và phần ngọn mang lá có 70% nụ hoa chưa nở (cây hoa đã nở rộ, hàm lượng hoạt chất giảm) đem phơi ở nhiệt độ không quá 600C.
Cỏ ngọt chữa đái tháo đường, béo phì 1
 Cây cỏ ngọt dùng để chữa béo phì.
Qua nhiều lần thử nghiệm và nghiên cứu, cỏ ngọt có khả năng làm giảm nhu cầu chất đường và chất bột của người bệnh dẫn đến làm giảm đường huyết, được dùng thay đường cho những người mắc bệnh phải kiêng hoặc giảm ăn đường như bệnh đái tháo đường, béo phì, bệnh tim mạch, xơ vữa động mạch.
Có thể sử dụng cỏ ngọt trong những trường hợp sau:
Dùng trong thực phẩm để thay thế đường làm nước giải khát, các loại bánh kẹo, mứt.
Dùng làm thuốc chữa đái tháo đường, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 2,5g lá cỏ ngọt phơi khô, sắc với 200ml nước còn 50ml uống làm một lần.
Chữa béo phì: liều dùng hằng ngày là 7,5g lá cỏ ngọt khô, sắc uống. Dùng nhiều ngày.
Để tiện sử dụng và tùy theo sở thích của người tiêu dùng, cỏ ngọt được bào chế cùng với nhiều vị thuốc khác thành những chế phẩm trà.
Chữa tăng huyết áp: hằng ngày, uống trà túi lọc gồm dừa cạn, hoa cúc, hoa hòe và cỏ ngọt.        
DS. Đỗ Bích

Nghệ trắng hành khí, lương huyết

Nghệ trắng hay còn gọi là nghệ rừng, nghệ xanh, là loại gia vị rất được ưa chuộng để chế biến thức ăn. Theo YHCT, nghệ trắng có vị cay, đắng, tính hàn, quy vào các kinh tâm, phế, can, có tác dụng hành khí, giải uất, phá ứ lương huyết nên được dùng để trị các chứng kinh nguyệt không đều, có kinh đau bụng, viêm gan vàng da, ho gà, đau nhức gân cốt, cơ nhục, đau tức ngực và mạng sườn, bụng đầy trướng. Dưới đây xin giới thiệu một số bài thuốc chữa bệnh cụ thể từ nghệ trắng để bạn đọc tham khảo và áp dụng khi cần.
Nghệ trắng hành khí, lương huyết 1
 Nghệ trắng (nghệ xanh) ngoài chế biến thức ăn còn là vị thuốc chữa nhiều bệnh.
Trị đau vùng gan, hoặc viêm gan mạn tính: nghệ trắng, thanh bì, nga truật, (sao vàng), chỉ xác (thái chỉ, sao vàng), lá móng tay (sao khô), sơn tra, thảo quyết minh, mộc thông, tô mộc, huyết giác đều sao vàng, đồng lượng 10 - 12g. Sắc uống, ngày một thang, chia 3 lần, trước bữa ăn. Uống liền 3 - 4 tuần.
Trị sỏi túi mật: nghệ trắng (sao khô), chỉ xác, đại hoàng, xuyên luyện tử, sài hồ đều sao vàng, diên hồ sách (chích giấm), mỗi vị 9g; nhân trần, kim tiền thảo đều sao khô, mỗi vị 30g; mộc hương (vi sao) 6g. Sắc uống, ngày một thang, chia 3 lần, trước bữa ăn. Uống liền 3 - 4 tuần.
Trị băng huyết, đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều: nghệ trắng 12g, cỏ mực tươi 30g, hương phụ (tứ chế) 16g, ngải cứu (sao tồn tính) 16g. Sắc uống ngày một thang tới hết băng huyết. Nếu đau bụng kinh, thêm vào thang thuốc trên, tô mộc 16g. Sắc uống, ngày một thang, chia 3 lần trước bữa ăn, vào trước kỳ kinh độ 2 tuần. Uống liền 2 tuần. Có thể lại uống tiếp vài liệu trình nữa vào trước các kỳ kinh lần sau. Nếu chỉ do kinh nguyệt không đều, có thể lấy nghệ trắng, sinh địa, mỗi vị 6g hầm với xương lợn ăn, ngày một lần. Tuần ăn 3 - 4 lần.
Trị đau thắt vùng ngực, đau mạch vành: nghệ trắng, đan sâm, hồng hoa, diên hồ sách (chích giấm), đương quy (chích rượu), mỗi vị 9g; giáng hương 4,5g; tam thất, hổ phách, mỗi vị 3g. Tam thất và hổ phách tán bột mịn chia làm hai phần để uống với nước sắc của các vị thuốc trên, trước bữa ăn 1,5 - 2 giờ. Uống liền 3 - 4 tuần. Tùy theo bệnh tình, có thể lặp lại liệu trình mới.
Trị ho gà: nghệ trắng 20g, rửa sạch giã nát, thêm 20ml rượu trắng 300 vừa đủ ướt, cho vào chén nhỏ, hấp lên mặt nồi cơm sôi, hoặc đun cách thủy trong 1 giờ, gạn lấy dịch chiết uống, ngày 2 - 3 lần. Uống tới khi các triệu chứng thuyên giảm.   

  GS.TS. Phạm Xuân Sinh

Tim lợn hâm thuốc chữa nhiêu bệnh

Tim lợn là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, rất quen thuộc trên bàn ăn của mỗi gia đình. Các món ăn hấp dẫn từ tim lợn không những giúp bạn đổi khẩu vị, ngon miệng mà còn có tác dụng bồi bổ sức khỏe, phòng trị bệnh.
Theo Đông y, tim lợn vị ngọt mặn, tính hàn, không độc; vào tâm, phế. Có tác dụng ích khí, bổ tâm, chữa kinh giản thương phong, trợ lực cho phụ nữ sau sinh. Sau đây là một số món ăn - bài thuốc từ tim lợn.
Tim lợn tiềm ngọc trúc: tim lợn 100g, ngọc trúc 100g, gừng tươi 15g, hành sống 15g. Ngọc trúc nấu lấy nước bỏ bã. Tim lợn làm sạch, cho nước gừng, hành và nước ngọc trúc vào, luộc chín, đun tiếp cho tim lợn chín nhừ và vớt tim ra đĩa; cho tiếp gia vị muối mắm, đường trắng bột ngọt, đun tiếp tạo thành nước canh đặc và đổ lên quả tim; sau đó đổ dầu vừng lên là được. Dùng cho các bệnh nhân có bệnh mạch vành, bệnh tim phổi, đái tháo đường, lao phổi.
Tim lợn hâm thuốc chữa nhiêu bệnh 1
 Tim lợn hầm ngọc trúc tốt cho người có bệnh mạch vành, đái tháo đường, lao phổi.
Tim lợn hầm chu sa: chu sa 1,5g, tim lợn 1 quả. Chu sa tán bột, tim lợn làm sạch, rạch 1 lỗ cho chu sa vào, buộc khâu kín lại, thêm nước nấu hầm chín, thêm gia vị, ăn tim lợn chín và nước canh. Dùng cho bệnh nhân bồn chồn kích động, mất ngủ, suy nghĩ lo âu.
Tim lợn hầm bá tử nhân: tim lợn 1 quả; bá tử nhân 30g. Tim lợn bóc màng rửa sạch, rạch 1 lỗ cho bá tử nhân vào, khâu lại, hầm cách thủy cho chín nhừ. Khi ăn cho thêm gia vị phù hợp. Dùng cho bệnh nhân loạn nhịp tim, đánh trống ngực hồi hộp, lo âu, mất ngủ quên lẫn.
Tim lợn hầm ngũ vị tử: tim lợn 1 quả, ngũ vị tử 9g. Tim lợn rửa sạch, rạch 1 lỗ cho ngũ vị tử vào khâu lại, hầm cách thủy cho chín nhừ. Dùng cho bệnh nhân hồi hộp loạn nhịp tim, mất ngủ, thở gấp, vã mồ hôi, kích ứng, khát nước.
Tim lợn hầm tương đậu xị: tim lợn 1 quả, đậu xị 50g, hành, gừng, tương, giấm, rượu nhạt và các gia vị khác liều lượng thích hợp. Tim lợn rửa sạch, thêm ít nước và các gia vị trên hầm nhỏ lửa cho chín nhừ cạn nước, tắt bếp, để nguội thái lát mỏng cho ăn. Dùng cho trường hợp tâm huyết hư, hồi hộp lo âu, sản phụ sau sinh hồi hộp tim nhịp nhanh, lo âu xúc cảm.
Tim lợn hầm xương bồ: tim lợn 300 - 500g, xương bồ 6 - 9g. Xương bồ tán mịn, tim lợn rửa sạch thái lát nấu canh. Trước khi ăn, cho xương bồ tán vào. Dùng cho các trường hợp động kinh, kinh giật, ù tai, điếc tai, quên lẫn, giảm trí nhớ.
Tim lợn hầm hạt sen, mạch môn: mạch môn 20g, hạt sen 15g, tim lợn 1 cái. Tim lợn rửa sạch thái lát. Tất cả cùng nấu nhừ, thêm gia vị. Dùng cho người cao tuổi bị mất ngủ.
Tim lợn hâm thuốc chữa nhiêu bệnh 2
 Tim lợn hầm hạt sen tốt cho người cao tuổi bị mất ngủ.
Tim lợn hầm nga truật: nga truật 25g, tim lợn 1 quả. Tim lợn làm sạch thái lát, nga truật xay nhỏ. Hầm chín, thêm gia vị cho ăn. Liên tục 1 đợt 5 - 7 ngày. Dùng cho các trường hợp trướng bụng đầy tức, ăn không tiêu.           

  TS. Nguyễn Đức Quang

Quýt gai - Cây thuốc thông dụng

Quýt gai, thuộc họ cam, tên khác là quýt rừng, độc lực, cam trời, mến tên, tửu binh lặc. Là một cây nhỏ, mọc hoang ở vùng thấp tại hầu hết các tỉnh đồng bằng, trung du và hải đảo. Thường gặp ở bờ bụi, gò đống, bờ ruộng, ven đường. Các bộ phận của cây quýt gai như rễ, vỏ, thân, lá, quả có vị đắng, the, mùi thơm, tính ấm, không độc, được dùng làm thuốc phổ biến theo kinh nghiệm dân gian với nhiều công dụng tốt. 
Quýt gai - Cây thuốc thông dụng 1
Quýt gai.
 


Rễ: thu hái quanh năm, tốt nhất là vào mùa thu, rửa sạch, rễ nhỏ để nguyên, rễ to chỉ lấy vỏ.
Chữa phong thấp, đau xương, đau mình: rễ quýt gai 16g, phối hợp với thổ phục linh 12g, ngưu tất 12g, thiên niên kiện 8g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, ngâm với rượu trong nhiều ngày, càng lâu càng tốt. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 chén nhỏ. Có thể nấu thành cao rồi pha rượu mà uống.
Chữa ho: rễ quýt gai 20g, vỏ cây dâu 10g, rễ hoặc lá cam thảo Nam 10g. Ba thứ thái mỏng, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày.
Chữa đinh râu: rễ quýt gai và bã rượu (lượng 2 thứ bằng nhau) giã nhỏ, hơ nóng, đắp hằng ngày.
Chữa đau răng, sâu răng: vỏ rễ quýt gai cắt nhỏ, nhai với muối, ngậm trong 5 phút, rồi nhổ nước.
Vỏ, thân: quýt gai, vỏ quả lựu, vỏ quả chuối hột, rễ tầm xuân, mỗi thứ 20g, búp ổi 10g, thái nhỏ, phơi khô, sắc uống trong ngày. Chữa kiết lỵ.
Lá: thu hái khi cần, chỉ lấy lá non và lá bánh tẻ, lá chứa nhiều tinh dầu.
Chữa cảm, cúm, nhức đầu: lá quýt gai nấu với những loại lá thơm khác như sả, cúc tần, đại bi, hương nhu, lá bưởi dùng xông cho ra mồ hôi.
Chữa sưng tấy, ứ huyết: lá quýt gai 40g, lá bạc thau 40g, trộn chung rồi chia thành 2 phần bằng nhau, một phần đem phơi khô, sao vàng sắc uống. Phần còn lại để tươi, giã đắp. Dùng 3 - 4 ngày.
Chữa mụn rò lâu ngày có mủ: lá quýt gai 20g, lá chanh 20g, tinh tre 10g. Tất cả phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn, rắc và băng làm 1 - 2 lần trong ngày.
Chữa rắn cắn: lá quýt gai tươi, rửa sạch, giã nhỏ, thêm ít muối và một chén nước đun sôi để nguội, chắt nước uống, dùng bã đắp (trong lúc chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế).
Quả: chỉ dùng quả xanh còn chứa nhiều tinh dầu và chất nhầy. Lấy 8 - 16 quả quýt gai, trộn với một thìa cà phê đường kính hoặc mật ong, ít muối ăn và 5g bồ hóng (loại bồ hóng đốt bằng củi, không dùng thứ đốt bằng than tổ ong hoặc các chất liệu khác). Đem hấp cơm trong 15 phút. Lấy ra, nghiền nát, trộn đều. Uống 2 - 3 lần trong  ngày. Thuốc giảm ho, tiêu đờm.
Ds. Đỗ Huy Bích

Dành dành thanh nhiệt, lương huyết

Có hai loại dành dành được dùng làm thuốc trong Đông y là dành dành, còn gọi là chi tử (Gardenia jasminoides Ellis), mọc hoang và được trồng phổ biến ở các tỉnh đồng bằng và trung du nước ta và dành dành núi còn gọi là sơn chi tử (Gardenia stenophylla Merr.), cùng họ cà phê có ở vùng núi, nhất là các tỉnh miền Trung. Hầu như tất cả các bộ phận của cây dành dành như rễ, cành lá, hoa, quả, hạt đều được dùng làm thuốc. Cành và lá chặt nhỏ, phơi khô, khi dùng sao vàng. Quả khi gần chín, thu hái phơi khô; hoặc đem đồ chín rồi phơi khô, quả dành dành tên thuốc là chi tử. Sau đó bóc tách riêng phần vỏ quả và hạt. Riêng hạt dành dành, có thể qua một số phương pháp chế biến như sao vàng, sao đen tùy theo yêu cầu của việc chữa bệnh. Nếu để thanh nhiệt ở gan, trị các chứng viêm gan hoàng đản, hoặc trị sốt thì dùng hạt sống hoặc chỉ sao qua, còn nếu dùng cầm máu thì phải tiến hành sao đen, hay sao cháy. Hoa dành dành có thể dùng tươi hoặc phơi khô. Rễ dành dành, rửa sạch, phơi khô, cắt đoạn, khi dùng cần sao vàng.
Theo YHCT, dành dành có vị đắng, tính hàn, quy vào 5 kinh: can, đởm, tâm, phế, tam tiều. Có công năng thanh nhiệt trừ phiền, lương huyết, chỉ huyết. Trị các chứng sốt cao, tâm phiền, viêm gan hoàng đản, tiểu đỏ, tiểu ra máu, nôn ra máu, chảy máu cam, mắt đỏ, sưng đau.
Dành dành thanh nhiệt, lương huyết 1
 Cây dành dành.
Dành dành được dùng làm thuốc trong các trường hợp
Trị đau mắt, nhức mắt, mắt sưng đỏ: lá dành dành bánh tẻ rửa sạch, vò nát, lấy dịch đông, đặt vào miếng giấy bản hay miếng vải gạc sạch, đắp lên mi mắt. Khi miếng thuốc đắp có cảm giác nóng lên thì đặt lật ngược lại, làm nhiều lần. Ngày đắp 1 - 2 miếng thuốc. Ngoài ra, lá dành dành còn dùng trị nhọt độc sưng thũng, mụn đầu đinh, vết thương.
Trị viêm gan hoàng đản: cành và lá dành dành 30 - 50g sắc nước uống, ngày chia 2 lần trước bữa ăn. Hoặc chi tử 12g, nhân trần 30g, rễ chút chít 8g. Sắc uống, ngày 1 thang, chia 2 - 3 lần, trước bữa ăn 1 - 1,5 giờ. Uống 2 - 3 tuần. Hoặc chi tử, hoàng bá, cam thảo, xa tiền tử, mỗi vị 9g, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 - 3 lần, trước bữa ăn 1 - 1,5 giờ. Uống liền 2 - 3 tuần.
Trị sốt cao: vỏ quả dành dành 20 - 30g, sắc uống; hoặc phối hợp với đạm đậu sị, mỗi vị 20g, sắc uống ngày 1 thang. Hoặc dùng 5 - 7 quả dành dành tươi, thái ngang, phối hợp với 20g đạm đậu sị, sắc uống ngày 1 thang.
Trường hợp sốt quá cao, phát cuồng, mê sảng, hoặc người bị sốt do phát nhiều mụn nhọt độc: chi tử, hoàng liên, hoàng bá, hoàng cầm, đồng lượng 9 - 12g, sắc uống ngày một thang. Uống liền nhiều thang tới khi khỏi.
Trị ho ra máu, nôn ra máu, chảy máu cam: chi tử (sao đen) 9g, hoa hòe (sao đen) 12g, cát căn 12g sắc uống, ngày 1 thang. Uống liền 5 - 7 thang, trước bữa ăn. Trường hợp chảy máu cam, dùng chi tử sao cháy, tán bột mịn, lấy một ít bột, hít vào bên lỗ mũi bị chảy máu.
Trị đi tiểu ra máu: quả dành dành tươi thái ngang 30 - 50g, sắc nước uống. Trường hợp tiểu ít, tiểu buốt, dắt: chi tử, mộc thông, xa tiền tử (hoặc xa tiền thảo), biển súc, hoạt thạch, cù mạch, mỗi vị 12g, đại hoàng 8g, cam thảo 6g. Sắc uống, ngày 1 thang, trước bữa ăn 1 - 2 giờ. Dùng liền 5 - 7 thang.
Trị bỏng nước: chi tử sao cháy, tán mịn, trộn đều vào lòng trắng trứng gà, bôi nhẹ nhàng vào vết thương, ngày nhiều lần, cứ khô lại bôi tiếp.

  GS.TS. Phạm Xuân Sinh

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons