Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Cỏ mực, vị thuốc tuyệt vời cho sức khỏe

Cỏ mực hay còn gọi cỏ nhọ nồi, hạn liên thảo có tên khoa học là Eclipta alba Hassk thuộc họ cúc Asteraceae là loại dược liệu tuyêt vời mà tạo hóa ban tặng cho con người là một loại cỏ mọc thẳng đứng có thể cao tới 80cm, thân có lông cứng, lá mọc đối có lông 2 mặt, dài 2 - 8cm, rộng 5 - 15mm. Cụm hoa hình đầu màu trắng ở kẻ lá hoặc đầu cành, lá bắc thon dài 5 - 6mm, cũng có lông. Quả bế 3 cạnh, hoặc dẹt, có cánh, dài 3mm, rộng 1,5mm, đầu cụt. Mọc hoang khắp nơi ở nước ta. Gọi là cỏ mực vì khi vò nát có nước chảy ra như mực đen.
Thành phần hóa học: có ít tinh dầu, tannin, chất đắng, caroten và chất ancaloit gọi là ecliptin. Có tài liệu nói trong cỏ mực có chứa chất wedelolacton là một chất curmarin lacton và tách được chất demetylwedelacton và một flavonozit.
Cỏ mực cũng giống như vitamin K có tác dụng chống lại tác dụng của discumarin. Chống chảy máu tử cung trên động vật thí nghiệm, cỏ mựckhông gây tăng huyết áp, không làm giãn mạch, không độc
Theo YHCT, cỏ mực có vị ngọt, chua, tính lương huyết (mát huyết), chỉ huyết (cầm máu) vào 2 kinh can và thận, tác dụng bổ thận âm, thanh can nhiệt, làm đen râu tóc, chỉ huyết lỵ, dùng chữa can thận âm kém, xuất huyết nội tạng (chảy máu dạ dày, tiểu tiện ra máu, thổ huyết do lao, rong kinh), kiết lỵ, viêm gan mạn, chấn thương sưng tấy lở loét, mẩn ngứa, lỵ. Trong dân gian thường dùng cỏ mực giã vắt lấy nước để uống cầm máu trong rong kinh, trĩ ra máu, bị thương chảy máu. Còn dùng chữa ho hen, ho lao, viêm cổ họng. Ngày dùng 6 - 12g dưới dạng thuốc sắc hay làm thành viên mà uống. Có người dùng chữa nấm ngoài da, làm thuốc mọc tóc (sắc uống hoặc ngâm vào dầu dừa mà bôi), nhuộm tóc.
Những công dụng
Sách Nam dược thần hiệu: cỏ mực dùng để chữa chứng chảy máu mũi đêm ngày không dứt, lấy cỏ mực giã nát, đắp vào giữa mỏ ác và trên trán.
Sách Thần nông bản thảo gọi cỏ mực “là thuốc cầm máu nổi tiếng”.
Sách Đường bản thảo viết, người bị chảy máu dữ dội dùng cỏ mực đắp sẽ cầm, bôi nước lên đầu thì tóc sẽ mọc lại nhanh chóng.
Điền nam bản thảo cho rằng, cỏ mực làm chắc răng, đen tóc chữa khỏi 9 loại trĩ.
Bản kinh (ra đời cách đây 2.000 năm) viết: “Máu chảy không cầm, đắp cỏ mực cầm ngay”.
Ngày nay, vị thuốc này được dùng nhiều trong điều trị sốt xuất huyết muỗi truyền, ung thư và nhiều bệnh khác.
Viện Dược liệu Việt Nam từng nghiên cứu tác dụng cầm máu và độc tính của cỏ mực và nhận thấy nó có khả năng chống lại tác dụng của dicumarin (thuốc chống đông), cầm máu ở tử cung, tăng trương lực tử cung. Cỏ mực không gây giãn mạch, không hạ huyết áp, nhưng có thể gây sảy thai.
Cách sử dụng cỏ mực trong một số bài thuốc
Thổ huyết và chảy máu cam: dùng cỏ mực cả cành và lá tươi giã lấy nước để uống.
Tiêu ra máu: cỏ mực nướng trên miếng ngói sạch cho khô, tán bột. Mỗi lần dùng 2 chỉ (8g) với nước cơm (Gia tàng kinh nghiệm phương).
Tiểu ra máu: cỏ mực, mã đề 2 vị bằng nhau, giã lấy nước ngày uống 3 chén lúc đói (Y học chân truyền). Hoặc nấu cháo cỏ mực (100 g) với 3 lát gừng.
Trĩ ra máu: một nắm cỏ mực để nguyên rễ, giã nhuyễn, cho vào 1 chén rượu nóng, thành dịch đặc vừa uống trong, vừa đắp bã ngoài (Bảo thọ đường phương).
Chảy máu dạ dày-hành tá tràng: cỏ mực 50 g, bạch cập 25 g, đại táo 4 quả, cam thảo 15g sắc uống, ngày 1 thang chia làm 2 lần.
Vết đứt chém nhỏ chảy máu: một nắm cỏ mực sạch nhai hoặc giã nhuyễn đắp lên vết thương.
Chữa di mộng tinh (do tâm thận nóng): cỏ mực sấy khô, tán bột. Uống ngày 8g với nước cơm, hoặc sắc cỏ mực để uống ngày 30g.
Rong kinh: nếu nhẹ, lấy cỏ mực tươi giã vắt lấy nước cốt uống hoặc cỏ mực khô sắc nước uống. Nếu huyết ra nhiều, cần phối hợp thêm trắc bá diệp hoặc cây huyết dụ…
Trẻ tưa lưỡi: cỏ mực tươi 4 g, lá hẹ tươi 2 g giã nhuyễn, lấy nước cốt hòa mật ong chấm lên lưỡi cách 2 giờ 1 lần.
Bị chứng vàng da, đau thận, rụng tóc: dùng cỏ mực và cành cây râm, mỗi vị 15g đem nấu uống.
Bị loét ống tiêu hóa chảy máu: dùng cỏ mực 30g, cỏ bấc 30g đun sôi uống.
Chữa cơ thể suy nhược, thiếu máu, kém sức, ăn không ngon, gầy yếu: cỏ mực 100g, cỏ mần trầu 100g, gừng khô 50g, các vị chặt nhỏ, sao sơ, khử thổ, đổ vào 3 chén nước dừa tươi, nấu còn 8 phân, uống ngày 2 lần.
Chữa đái ra máu: cỏ mực 30g, cả cây mã đề 30g. Cả hai thứ còn tươi rửa sạch, giã, ép lấy nước uống (hoặc say bằng máy sinh tố), còn chữa cảm sốt nóng, ho, viêm họng.
Chữa phụ nữ chảy máu tử cung: cỏ mực 15g, lá trắc bá diệp 15g. Sắc uống ngày 1 thang, uống liền 7 ngày.
Ngoài việc thanh can nhiệt, dưỡng thận âm, tác dụng cầm máu của cỏ mực đã được nghiên cứu tổng kết qua lâm sàng bệnh sốt xuất huyết và trong phòng thí nghiệm, mở ra cách giải thích cơ chế tác dụng cầm máu. Do vậy, cần bảo lưu vai trò của cỏ mực trong phương pháp chữa sốt xuất huyết vì chảy máu là một trong 2 yếu tố gây tử vong lớn nhất trong bệnh này


Tía tô - Thuốc quý dân gian

Tía tô vừa là rau gia vị, vừa là cây thuốc phổ biến trong nhân dân. Có 2 loại: tía tô mép lá phẳng, màu tía nhạt, ít thơm và tía tô mép lá quăn, màu tía sẫm, mùi thơm mạnh. Loại tía tô mép lá quăn có giá trị sử dụng cao hơn. Tránh nhầm với cây cọc giậu (dã tô, cây nhâm) có bề ngoài giống hệt loại tía tô mép lá phẳng, nhưng không có mùi thơm của tía tô.
Lá: Tên thuốc trong y học cổ truyền là tô diệp. Hái lá già cả cuống làm 2 lần cách nhau một tháng, đem phơi trong mát hoặc sấy nhẹ cho khô để giữ nguyên màu sắc và hương vị. Dược liệu có vị cay, mùi thơm, tính ấm, không độc, có tác dụng phát tán, phong hàn, hành khí, hóa trung, được dùng trong những trường hợp sau:
Chữa cảm sốt, trong người khó chịu, mệt mỏi: Lá tía tô, kinh giới, cam thảo đất, cúc tần hay sài hồ nam, mỗi thứ 3g, kim ngân 4g, mạn kinh 2g, gừng 3 lát. Tất cả sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày. Đồng thời, dùng dạng món ăn, bài thuốc dân gian thay cho bữa ăn trong ngày là ăn cháo giải cảm gồm tía tô và củ hành.
Chữa ho do cảm lạnh: Lá tía tô, lá xương sông, lá hẹ, mỗi thứ 12g; kinh giới, gừng mỗi thứ 8g. Sắc uống lúc nóng.
Chữa sốt, sổ mũi, chân tay nhức mỏi: Tía tô, kinh giới, lá tre, cúc tần, bạc hà, cát căn mỗi thứ 20g; cúc hoa, địa liền mỗi thứ 5g. Tất cả tán nhỏ, rây bột mịn, ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 4 - 6g.
Chữa cảm cúm, nhức đầu, nôn nao: Viên cảm “hương tô” chứa 0,263g, lá tía tô 0,187g hương phụ, 0,15g bạch chỉ, 0,075 trần bì, 0,075g cam thảo. Người lớn, ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 3 viên (thuốc có bán ở các hiệu thuốc).
Chữa đau bụng, kiết lỵ, tiêu chảy: Tía tô 20g, rau sam 20g, cỏ sữa 16g, cam thảo đất, cỏ mần trầu, kinh giới mỗi thứ 12g. Ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 10 – 12g dưới dạng thuốc bột hoặc thuốc hoàn. Nếu bệnh cấp, có thể sắc uống.
Tía tô - Thuốc quý dân gian
Cây tía tô.
Dùng ngoài, lá tía tô phối hợp với lá thanh yên, lá chanh, lá ráy, lá lốt, mỗi thứ 50g, giã nhỏ, gói vào một miếng lá chuối tươi, dùi nhiều lỗ thủng, hơi nóng, đắp lên vết thương sau khi đã rửa sạch và sắc bột màng lụa bên trong vỏ quả chanh để chữa mụn nhọt độc vỡ mủ lâu ngày, không liền miệng. Ngày làm một lần trong nhiều ngày.
Cành: Tên thuốc là tô ngạnh. Nhổ cả cây sau khi đã hái lá lần thứ hai, bỏ rễ để riêng, cắt thành từng đoạn dài 5 – 10cm, phơi hoặc sấy khô (chỉ lấy thân chính, không lấy những cành nhỏ).
Chữa động thai: Cành tía tô 8g, rễ cây gai 8g, ngải cứu hoặc cam thảo dây 4g. Tất cả sắc uống. Nếu thấy ra máu, thêm lá huyết dụ 10g, hoặc cành tía tô, tục đoạn, ngải cứu, mỗi thứ 12g, rễ gai, thục địa, hoài sơn, mỗi thứ 20g, chỉ xác 8g, sa nhân 6g. Sắc uống làm 2 lần trong ngày.
Chữa băng huyết, động thai: Cành tía tô 10g, lá huyết dụ 10g, hoa cau đực 10g, tóc đốt thành than một dúm. Tất cả sao vàng, sắc uống ngày một thang.
Chữa sưng vú: Cành tía tô, rễ gai, mỗi thứ 12g, ngải cứu, cỏ nhọ nồi, trắc bách diệp sao cháy đen, mỗi thứ 30g. Sắc đặc, uống làm một lần.
Chữa suy nhược thần kinh: Cành tía tô 8g, câu đằng, thảo quyết minh, cam thảo dây, mỗi vị 12g; cúc hoa, hương phụ, chỉ xác, uất kim, mỗi vị 8g. Sắc uống.
Chữa bế kinh: Cành tía tô 8g, đan sâm, ngưu tất mỗi thứ 12g; xuyên khung 10g; quế chi, bạch chỉ, uất kim, nga truật, mỗi thứ 8g. Sắc uống trong ngày.
Dùng ngoài, cành tía tô phối hợp với rễ cây vương tùng, vỏ thân cây thông, xác ve sầu (thuyền thoái) mỗi thứ 20 – 30g. Nấu nước tắm rửa chữa phù toàn thân.
Quả: Tên thuốc là tô tử. Hái quả ở những cây định lấy quả, không hái lá hoặc chỉ hái ít lá ở lần thứ nhất. Phơi hoặc sấy khô.
Dùng riêng, quả tía tô với liều 6 – 12g sắc uống chữa ho, nôn mửa, đau bụng, khó tiêu. Dùng phối hợp với những vị thuốc khác trong những trường hợp sau:
Chữa ho có đờm, ho hen lâu ngày ở người cao tuổi: Quả tía tô và hạt cải bẹ, mỗi thứ 10g, tán bột, uống hằng ngày với nước sắc lá táo chua và dây tơ hồng.
Chữa ho suyễn, ngực đầy tức, thở đứt quãng: Quả tía tô, bán hạ chế, mỗi vị 10g; đương quy 8g; cam thảo, nhục quế mỗi vị 6g; tiền hồ, hậu phác, tô diệp mỗi vị 4g; gừng tươi 2 lát; đại táo 1 quả. Sắc uống ngày một thang.
Hoặc quả tía tô 10g; bạch giới tử, lai phục tử mỗi vị 8g. Giã nhỏ, hấp với đường phèn vừa đủ ngọt. Uống lúc nóng.
Chữa mày đay: Quả tía tô 12g; kinh giới, ké đầu ngựa, ý dĩ mỗi thứ 16g; phòng phong, đan sâm mỗi thứ 12g; bạch chỉ, quế chi mỗi thứ 8g; gừng sống 6g. Sắc uống trong ngày.
Chữa viêm phổi ở trẻ em: Quả tía tô 8g; sài đất, thạch cao mỗi thứ 20g; kim ngân hoa 16g; lá tre 12g; hoàng liên, tang bạch bì mỗi thứ 8g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa phù khi mang thai (do khí trệ): Quả tía tô, hương phụ, trần bì ô dược, mộc qua, mỗi thứ 8g; cam thảo 4g; sinh khương 2g. Sắc uống.
Rễ: Tên thuốc là tô căn. Thái nhỏ, phơi hoặc sấy khô, dùng trong, rễ tía tô với rễ cây gai, rễ đu đủ và rễ cỏ lào mỗi thứ 20 - 30g. Sắc uống chữa kiết lỵ, tiêu chảy.

Dùng ngoài, rễ tía tô, lá thanh yên, nõn khoai môn, lá lốt, giã nhỏ, gói vào vải xô, hơ nóng, đắp chữa vết thương tụ máu, sưng tấy và đau nhức. Ngày làm 2 – 3 lần.


Phương thuốc từ đu đủ

Ở Trung Quốc có câu chuyện tương truyền rằng vào đời nhà Minh có một viên quan sinh hạ được 3 người con gái, mãi tới năm 42 tuổi vị quan này mới sinh thêm được một cậu con trai đặt tên là Đức Lâm. Cậu ấm được cả phủ quý như một viên ngọc sáng. Nhưng không ngờ cậu ấm này tuy được chăm chút rất chu đáo và cẩn trọng mà vẫn gầy còm trông như que củi và cứ quặt quẹo ốm yếu luôn. Do vậy đến tuổi 13 – 14 mà đi vẫn chưa vững, hay buồn nôn, kém ăn, uống rất nhiều thuốc mà sức khỏe vẫn không khá lên được. Sự thế biến chuyển, vào mùa xuân năm ấy đã xảy ra chiến tranh, viên quan đã không chống lại nổi thiên binh vạn mã của quân giặc và đã chết nơi chiến trận.
Lúc này cậu ấm Đức Lâm phải theo mẹ đi lánh nạn lang bạt dưới vùng Lĩnh Nam khiến cho người mệt, bụng đói làm cho bệnh tình càng thêm nặng. Đêm đến mẹ con đều mệt nhoài tựa vào nhau ngủ thiếp đi. Về khuya, trăng lên cao, một cơn gió lạnh làm cho phu nhân tỉnh giấc. Bỗng bà thấy trên sườn đồi trước mặt có ánh vàng lấp lánh. Một ông tiên râu tóc bạc phơ cầm gậy, lúc chỉ sang phía Đông, lúc lại chỉ sang phía Tây. Mấy chục con hạc tiên tỏa ánh bạc long lanh bay lượn trên không trung và biến hóa đội hình theo sự điều khiển cây gậy của ông tiên và chừng nửa giờ sau tự biến mất.
Phu nhân lấy làm lạ và bà suy nghĩ phải chăng thần tiên đang thương tình mách bảo mẹ con bà? Sáng sớm hôm sau phu nhân cố sức cõng con trai về phía quả đồi. Lên đến sườn đồi bà sững sờ rất đỗi ngạc nhiên vì trong thung lũng có tới mấy chục cây lạ chi chít những quả to bằng quả bầu màu vàng óng. Bên cạnh là một dòng suối trong chảy từ trên cao xuống, xung quanh cỏ hoa tươi tốt um tùm, tỏa ra mùi hương thơm mát chẳng khác nào nơi bồng lại tiên cảnh. Giữa lúc đang đói mệt, bà đặt Đức Lâm xuống rồi lại hái một quả chín vàng và ăn. Thấy quả hương vị thơm ngon và lần đầu tiên trong đời được ăn làm cho phu nhân thấy trong người tỉnh táo hẳn lên. Bà bèn đưa một miếng vào miệng con và cứ thế hai mẹ con ăn no nê. Ngày hôm sau bà dựng lều tại đó và hết ăn quả tươi, lại nấu chín quả ấy để hai mẹ con cùng ăn. Bỗng điều kỳ lạ, sau 10 ngày bà thấy bệnh của Đức Lâm lui giảm, cậu con khỏe hẳn. Cây ấy sau được đặt tên là đu đủ. Sau vài ngày nữa ăn đu đủ thì thấy Đức Lâm đã tự leo được lên núi đốn củi giúp mẹ làm lụng mọi việc. Cơ thể cậu rắn chắc khỏe mạnh cao lớn hẳn lên.
Sự thật chắc hẳn không hoàn toàn như vậy, nhưng dù sao câu chuyện cũng muốn nói với chúng ta rằng quả đu đủ là loại quả có tác dụng bổ dưỡng và chữa trị được nhiều bệnh.
Chính thế mà trong Trung dược đại từ điển của Trung Quốc có ghi rằng: đu đủ có chứa một loại kiềm có tác dụng phòng chống ung thư, sát khuẩn. Trong đu đủ có men protein giúp cho tiêu hóa đạm, chữa rối loạn tiêu hóa vàviêm dạ dày mạn tính, chữa mỏi chân gối... Còn nhựa quả đu đủ xanh có thể làm tan các tổ chức mô bị hoại thư. Lá đu đủ giã nát đắp chữa mụn nhọt hay vết thương viêm loét. Đu đủ có chất men papain có lợi cho tiêu hóa, có tác dụng phá vỡ amin làm mềm xương thịt khi hầm cùng đu đủ. Các nhà khoa học Mỹ còn cho rằng đu đủ có khả năng ngăn ngừa ung thư phổi, cả ung thư dạ dày hay tuyến tiền liệt nhờ sự phong phú chất lycopen có trong quả đu đủ. Ngoài ra enzym papain còn có khả năng thúc đẩy quá trình làm lành vết thương nhất là vết thương do bỏng. Đu đủ lại cho năng lượng thấp nên trở thành thực phẩm lý tưởng cho những người béo phì...
Để tham khảo và áp dụng, sau đây xin giới thiệu những phương thuốc trị bệnh từ đu đủ.
- Chữa chứng viêm dạ dày: đu đủ 30g, táo tây 30g, mía 30g. Tất cả sắc lấy nước uống ngày một thang, chia 2 – 3 lần.
- Chữa tỳ vị hư nhược: đu đủ 30g, củ mài 15g, sơn tra 6g, gạo nếp 100g. Tất cả nấu nhừ thành cháo ăn hai lần trong ngày vào buổi sáng và chiều. Cần ăn 10 ngày liền.
- Chữa đau lưng mỏi gối: đu đủ 30g, ngưu tất 15g, hoàng kỳ 10g, đỗ tương 15g, câu kỷ tử 10g, cam thảo 3g, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 - 3 lần. Cần uống 10 ngày liền.
- Chữa ho do phế hư: đu đủ 100g, đường phèn 20 – 30g, hầm nhừ ăn ngày một lần. Cần ăn 5 – 7 ngày liền.
- Chữa mụn nhọt: lấy lá đu đủ giã nát đắp rịt vào nơi mụn nhọt ngày một lần.

- Đu đủ hầm đường phèn: đây là món ăn mà người Quảng Đông, Trung Quốc rất thích. Món ăn này nếu ăn thường xuyên vào mùa xuân hè có tác dụng thanh tâm nhuận phế, giải nhiệt, giải độc. Nếu ăn vào mùa thu đông lại có tác dụng nhuận táo, ấm dạ dày, bổ tỳ vị, dưỡng gan, giảm ho, nhuận phổi, tan đờm. Là một món ăn có hương vị thơm ngon đặc trưng có thể sử dụng cho mọi lứa tuổi như già, trẻ, người lớn ăn quanh năm đều được. Cách chế biến rất dễ: lấy một quả đu đủ chín vàng, gọt vỏ, thái miếng cho vào bát to, tra đường phèn vào vừa đủ, sau đặt bát vào nồi hầm cách thủy sau 1 giờ lấy ra ăn cả nước lẫn cái, ngày ăn 1 lần, có thể ăn 2 lần trong một ngày.


Củ mã thầy mát, bổ, cầm máu

Củ mã thầy là tên gọi ở miền Bắc hoặc củ năn, củ năng ở miền Nam. So với các loại củ ăn mát như củ ấu, củ đậu thì mã thầy có giá trị sử dụng làm thực phẩm và làm thuốc cao hơn. Trong mã thầy, có 68,52% nước; 18,75% tinh bột; 2,25% protein, 0,19% lipid; đường; pectin; các muối calci, phospho, sắt; các vitamin A, B1, B2, C... và một hoạt chất gọi là puchiin có tác dụng kháng khuẩn, hạ huyết áp và phòng ngừa ung thư.
Trong dân gian, củ mã thầy thường được dùng để ăn chơi hoặc tráng miệng sau bữa ăn. Củ mềm, giòn, nhiều nước, vị ngọt. Nhiều người sử dụng mã thầy dưới dạng thức ăn - vị thuốc làm cho mát như lấy củ thái nhỏ, nấu với bột đậu xanh làm chè lục tàu xá hoặc hầm với dạ dày lợn để thanh nhiệt, bổ dưỡng, tiêu tích, giải độc và dùng dạng bột với tác dụng mát gan, dạ dày và ruột.
Củ mã thầy mát, bổ, cầm máu
Mã thầy.
Ở Trung Quốc, người ta đã tổng kết cách chữa bệnh bằng mã thầy như sau: Hằng ngày, ăn củ tươi hoặc nghiền củ lấy nước uống (có thể phối hợp với nước ép rễ cỏ tranh hoặc ngó sen tươi) hoặc uống bột củ để giúp tiêu hóa, sinh tân dịch, chống háo khát, cầm máu, giải độc rượu, lợi tiểu. Mã thầy 1-2 củ, đốt, tán nhỏ, uống với rượu chữa băng huyết hoặc bôi để trị lở loét trong khoang miệng của trẻ em. Dịch ép củ mã thầy hòa với rượu (lượng bằng nhau) hâm nóng, uống vào lúc đói chữa kiết lỵ ra máu do nhiệt. Nước sắc củ mã thầy có đường làm tiểu tiện dễ dàng, giảm viêm nhiệt và nóng buốt; phối hợp với rau câu và râu ngô lại chữa tăng huyết áp. Mã thầy nấu với thịt rắn biển làm canh ăn rất tốt với tác dụng tiêu đờm.
Để chữa sởi, ngay ngày đầu tiên, cho trẻ uống nước ép củ mã thầy. Khi sởi sắp mọc và cả sau khi sởi đã mọc, lấy mã thầy nấu với củ cà rốt và hạt mùi cho ăn đến khi sởi bay. Tiếp đó vài ngày, uống nước củ mã thầy để tẩy độc và giúp cơ thể chóng hồi phục.
Dùng ngoài, củ mã thầy rửa sạch, giã nát, trộn với lòng trắng trứng đắp chữa mụn nước.
Ngoài củ, nhân dân còn có kinh nghiệm dùng thân cây mã thầy 10-20g, phối hợp với rễ cây lau (lô căn) 30g, để tươi, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày, chữa phù toàn thân, tiểu tiện khó khăn, khát nước, táo bón.

Chú ý: Người tỳ thận hư hàn, trẻ em hay đái dầm, không được dùng mã thầy. Hơn nữa, vì mọc trong bùn, vỏ ngoài củ mã thầy dễ bị ấu trùng sán lá bám vào, nên phải rửa sạch củ và chần qua nước sôi, rồi mới gọt ăn.


Gừng - Vị thuốc đa dụng trong mùa mưa lũ

Do sự biến đổi khí hậu toàn cầu có xu hướng nóng lên, trong những năm gần đây, ở miền Bắc và miền Trung nước ta thường xuất hiện những trận mưa lũ lớn hoặc cực lớn trái mùa vào tháng 9, 10 âm lịch. Đây là thời gian chuyển mùa giữa cuối thu đầu đông. Những người có thể tạng yếu hoặc phải vận lộn với gió mưa, lạnh giá rất dễ bị cảm lạnh hoặc bệnh đường ruột.
Ở những nơi vùng sâu, vùng xa hoặc bị lũ cách ly với những cơ sở khám chữa bệnh, mỗi gia đình nên phòng bị vài củ gừng, vừa làm thức ăn, gia vị (dược thiện), vừa phòng chống bệnh kịp thời trong hoàn cảnh thiên nhiên khắc nghiệt.
Theo Nam dược thần hiệu: Gừng tươi (sinh khương) vị cay, tính ấm, thông được khí, khởi được thần, mở được 9 khiếu, trừ tà khí, hồi phục chính khí.Gừng khô (can khương) vị cay, tính ấm, chữa được chứng hư nhiệt, phong hàn, đau bụng, các chứng thất huyết...
Cách dùng gừng trong các chứng cảm
- Nếu phải dầm mưa dãi gió nhiều, bị hạ đường huyết, bủn rủn chân tay, toát mồ hôi, chân không đứng vững chỉ cần một nhánh gừng nhỏ đập giập vào cốc nước đường uống ấm.
- Người ăn khó tiêu hoặc chán ăn chỉ cần một nhánh gừng băm nhỏ với 2 – 3 củ sả, 1 quả ớt (chín hoặc xanh đều được) gia vị vừa đủ đánh lẫn với trứng gà, vịt, tráng hoặc hấp cơm, nếu vừa lội nước nhiều giờ ăn sẽ ấm lên. Nếu người biếng ăn, ăn liên tục 2 – 3 ngày.
- Nếu vừa ngâm mình dưới nước lâu, lạnh rét, nhấm một miếng gừng nhai rồi chiêu với một cốc nước nóng, người sẽ ấm lên.
- Lội nước bị cảm lạnh, lấy một nhánh gừng giã với tóc rối, trộn với rượu bọc vào miếng vải thưa, đánh gió. Khi đánh gió nhớ đánh xuôi từ trên xuống và tránh các hạch bạch huyết (mang tai, nách, háng, bên trong khuỷu tay, kheo chân) sẽ nhanh chóng được giải cảm.
Nếu có đồng tiền bạc cổ hoặc trang sức bằng bạc gói lẫn vào thì càng tốt. Bạc sẽ thu liễm các axít độc ra khỏi cơ thể (đồng tiền bạc bị chuyển màu đen) người sẽ càng nhanh khỏi...
Gừng - Vị thuốc đa dụng trong mùa mưa lũ
Các chứng cảm
Bị cảm lạnh, bất tỉnh nhân sự, miệng sùi bọt mép, chân tay không co duỗi được: Nước cốt gừng (khương trấp) 1 chén nhỏ, nước vòi măng tre (trúc lịch) 2 chén nhỏ. Hòa cùng nhau uống (Nam dược thần hiệu).
Nếu cảm mà mình nóng, muốn nôn oẹ: Gạo nếp (1/3 bát) sao vàng, gừng 1 củ đập giập. Nấu cháo ăn nóng bất kể giờ giấc.
Bị cảm, miệng lập cập, tay run rẩy không cầm nắm gì được: Gừng khô (can khương) 1 phần (khoảng 3g), nhục quế (cạo bỏ vỏ) 2 phần, thạch hộc 6 phần, ngưu tất 8 phần, ngũ gia bì 10 phần. Đun với 2 bát nước lấy 1 bát (8 phân). Nếu có đồng bạc ngâm sẵn trong dầu vừng bỏ vào sắc chung uống bất kỳ lúc nào thì càng tốt. Người ấm lên ngay, hết run, nói được.
Nếu mình nóng, ớn lạnh, đau đầu, nghẹt mũi, ho và sốt (bị nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính – ta gọi là cảm cúm) thì dùng ngay bài thuốc sau: gừng tươi 3 lát, trần bì (vỏ quýt) 5g, thanh bì (vỏ quýt non) 5g, chỉ xác (quả trấp, bỏ ruột) 5g, cát cánh 8g, tô diệp (lá tía tô) 9g, ma hoàng 8g, hương phụ (củ cỏ gấu) 12g, cam thảo 3g.
Nếu ho nhiều gia thêm tang bạch bì 8g (vỏ rễ cây dâu cạo bỏ vỏ đỏ ở ngoài) hoặc mạch môn đông 8g sắc với 3 bát nước, lấy 1 bát uống ấm, nếu có chua me đất hoa vàng thì gia thêm 1 nắm, nếu có nước tre non (nướng lên rồi đập, giã, ép lấy nước) uống cùng thì sẽ hạ sốt nhanh. Nên uống trước bữa ăn, sau đó ăn cháo hành thì càng tốt, uống xong nằm đắp chăn cho ra mồ hôi.
Người không ra được mồ hôi, rét trong, nóng ngoài: Gừng sống 1 củ, hành tăm cả rễ 7 nhánh, hạt đào cả vỏ giã nát 7 hạt, chè tươi 1 nắm. Sắc uống ấm (đổ hai bát nước lấy 2/3 bát thuốc).
Hoặc làm như sau: Gừng sống 1 củ, hành cả rễ 3 củ, đậu sị 1 thìa. Cả 3 thứ giã nhỏ, gói vào vải mỏng buộc vào rốn cho ra mồ hôi là khỏi.
Ngâm mình lâu trong nước trúng cảm, tay chân quyết lạnh, nấc cụt: gừng sống 1 nhánh, vỏ quýt 1 nhúm, tai quả hồng 3 – 5 cái. Sắc với nước uống nóng.
Các chứng đường tiêu hóa
Thình lình đau bụng: Gừng sống 7 lát (1 nhánh vừa), muối sao vàng 5g, nước 1 bát. Sắc uống khi còn ấm.
Tiêu chảy liên tục do bị lạnh: Gừng tươi 1 củ rửa sạch vỏ, đập giập, búp ổi 1 nắm to. Nếu có búp ổi tàu (loại ổi cảnh có bán ở chợ cây cảnh, lá nhỏ bằng đầu đũa, quả bằng ngón tay thì càng tốt). Đun với 3 bát nước lấy một bát uống ngay, uống liên tục nhiều lần trong ngày sẽ ngừng.
Lỵ ra máu: Gừng tươi đập dập 1 nhánh, cành lá phèn đen 1 nắm, tô mộc (gỗ vang) chẻ nhỏ 1 nắm. Sắc uống ấm.
Hoặc: Gừng tươi 1 nhánh, rễ cỏ tranh 1 nắm, phèn đen 1 nắm, cỏ seo gà 1 nắm, mơ lông (mơ trắng, mơ hôi) 1 nắm.
Tất cả sắc với 3 bát nước lấy 1 bát uống ấm; hoặc như bài 2 nhưng thay vì búp ổi để tươi (chữa tiêu chảy) thì nay sao vàng hạ thổ chữa kiết lỵ.
Đau bụng (miệng nôn trôn tháo): Gạo nếp 1 vốc, gừng sống 1 nhánh, cũng giã nát, hòa đều với nước, bỏ bã uống nước.
Hoặc: Gừng sống 1 nhánh nhỏ, lá tre 20 lá (loại bánh tẻ không già quá), cát căn 10g (nếu xa hiệu thuốc thì lấy bột sắn dây hoặc 1 khúc sắn dây). Cơm gạo tẻ sao vàng (một chút bằng quả quýt). Tất cả cùng đem sắc uống (3 phần nước lấy 1 phần thuốc).
Đau bụng toát mồ hôi, muốn thổ không thổ được, muốn tả không tả được: Gừng sống sao vàng 7 miếng, muối trắng khoảng 50g, nước đái trẻ em (đồng tiện) bỏ phần đầu và phần cuối lấy 2 bát sắc còn một nửa, uống lúc ấm.
Hoặc: Gừng sống 1 lạng, rễ lau (lô căn) 1 lạng, vỏ quýt (trần bì) 20g, nước 1 bát, sắc còn một nửa, chia đôi uống.
Dạ dày đầy cứng, ăn uống không ngon, cồn cào (phiên vị) oẹ mửa: Gừng khô (can khương), giềng ấm (lương khương). Hai thứ bằng nhau, sắc uống. Nếu có điều kiện, tán bột, khuấy hồ làm viên bằng hạt ngô uống dần, lần đầu 15 viên, lần sau 20 viên.
Chạm thương

Trong khi phòng chống bão lụt rất dễ chạm thương, chảy máu thì dùng 1 củ gừng tươi (tùy theo vết thương to, nhỏ) rửa sạch, giã nát băng vào vết thương, vừa chống nhiễm khuẩn, nhanh lên da non và không để lại sẹo lồi, lõm.


 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons