Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

Trân châu - Thuốc tốt chữa các bệnh về mắt

(SKDS) -  Nước ta có một số loài trai biển quý như (Pteria martensii Dcenker) hoặc (Avicula martensii Dcenker ), họ trân châu (Pteridae), có ở các vùng biển Quảng Ninh hoặc Kiên Giang, có thể tạo ngọc trai, còn gọi là trân châu hay bạng châu. Trân châu có kích thước to nhỏ khác nhau, thể chất cứng, rắn, óng ánh nhiều màu sắc trông rất đẹp. Ngoài làm đồ trang sức, trân châu còn là vị thuốc quý trong y học cổ truyền để trị nhiều chứng bệnh, nhất là các bệnh về mắt.
Còn một loại nữa là trân châu mẫu (Concha Pteriae), là những hạt sần sùi nổi lên trong cứng của con trai. Trân châu mẫu cũng dùng như trân châu nhưng không quý bằng. Trân châu mẫu cũng có vị mặn, tính hàn, quy kinh can, tâm, giống với trân châu. Liều dùng: 10 - 25g/ngày. Tuy nhiên, trân châu mẫu thiên về bình can, tiềm dương, định kinh, minh mục.
 Về thành phần hóa học, trân châu chủ yếu chứa canxi cacbonat và một số nguyên tố vi lượng: Mg, Fe... muối silic, muối phốt phát… Theo YHCT, trân châu có vị ngọt, mặn, tính hàn, quy vào 2 kinh can, tâm. Có công năng bình can, định kinh, an thần, giải độc, sinh cơ. Liều dùng: 0,3 - 1g/ngày dưới dạng hoàn, tán.
 Trân châu ngoài làm trang sức, còn là vị thuốc quý chữa nhiều bệnh trong y học cổ truyền.
Trân châu được dùng làm thuốc trong các trường hợp
Trị bệnh điên giản, trẻ con kinh phong, co giật, mất ngủ: Trân châu 1g,  phục thần (vị thuốc nằm trong phần lõi của nấm phục linh), câu đằng 12g, bán hạ (chế) 10g, cam thảo 8g. Trân châu nghiền thành bột mịn. Các vị còn lại tán bột. Trộn đều bột trân châu với bột của các vị thuốc trên, chia 3 lần uống trong ngày, trước bữa ăn với nước sôi để nguội. Có thể uống liền 1- 2 tuần hoặc đến khi hết các triệu chứng.
Trị mắt bị màng mộng, viêm giác mạc,  sưng thũng, đỏ đau: Trân châu 1g, địa du 12g. Địa du sắc nước riêng rồi lấy bột trân châu hòa vào uống, chia 2 lần uống trong ngày, trước bữa ăn.
Trị hầu họng sưng thũng đau đớn, miệng lưỡi sưng loét, mụn nhọt vỡ loét lâu ngày không liền miệng: Trân châu tán thành bột mịn rồi trộn đều với một ít mỡ lợn, tạo ra một thứ bột nhão để bôi vào chỗ bị đau.
Lưu ý: Nếu không bị thực hỏa hoặc tà nhiệt thì không nên dùng trân châu.
Một số bài thuốc có trân châu mẫu
Trị đau mắt đỏ, đau đầu hoa mắt do can dương thượng cang: Phối hợp với hạn liên thảo (cỏ nhọ nồi), nữ trân tử, đồng lượng 10 - 12g, sắc uống ngày một thang, chia 2 lần vào trước bữa ăn tối và sáng.
Trị mất ngủ, phiền táo, tâm hồi hộp: Trân châu mẫu 20g, hắc táo nhân (táo nhân sao đen), viễn chí (rút bỏ lõi), cam thảo mỗi vị 12g. Sắc ngày 1 thang, chia 3 lần uống trước bữa ăn.
Trị hoa mắt, mờ mắt do can hư: Trân châu mẫu, thục địa mỗi vị 16g; sơn thù du 8g, mẫu đơn bì, hoài sơn, bạch linh, trạch tả, câu kỷ tử mỗi vị 6g. Sắc uống ngày 1 thang, uống liền 3 - 4 tuần đến khi các triệu chứng thuyên giảm.
Lưu ý: Đun trân châu mẫu trước, sau đó mới cho các vị thuốc khác vào đun tiếp.
Ngoài vị trân châu lấy từ các trai biển, có thể lấy được trân châu từ trai nước ngọt, gọi là bạng bối. Tuy nhiên, chất lượng và giá trị thì trân châu hơn hẳn bạng bối.

GS.TS. Phạm Xuân Sinh

Món ăn, bài thuốc từ cá chim

(SKDS) - Cá chim thuộc họ cá chim trắng (stomateoidae), sống ở các vùng biển nước ta, có nhiều tên gọi khác như thoa phiến ngư, xương ngư, bình ngư… Cá chim thịt ngon và bổ, được nhân dân ta coi là đặc sản hàng đầu trong các loài cá biển (chim, thu, nhụ, đé). Ngoài giá trị dinh dưỡng, cá chim còn được dùng làm vị thuốc chữa bệnh.
Ngoài cá chim trắng biển, hiện nay ở nước ta còn có loại cá chim nước ngọt. Cá chim nước ngọt có nguồn gốc từ Nam Mỹ, cá này cho thịt ăn ngon, lại lớn nhanh gấp 3 - 4 lần các loài cá khác, hiện đang được nuôi ở nhiều địa phương. Thịt cá chim là loại thực phẩm ngon và nhiều chất dinh dưỡng, giàu omega - 3, nhiều protein có lợi cho sức khỏe.
Theo Đông y, cá chim có vị ngọt mặn, tính hơi ôn, đi vào các kinh tỳ và thận. Có công hiệu kiện tỳ, dưỡng huyết, bổ vị cố tinh, nhu lợi cân cốt. Được dùng trong các trường hợp kém ăn, cơ thể suy nhược, hồi hộp, đánh trống ngực (tâm quý), đau đầu hoa mắt chóng mặt, mất ngủ, quên lẫn, đau nhức, mỏi mệt, tê bại vùng cổ, thắt lưng và tay chân. Liều dùng trung bình từ 200 - 250g/ngày dưới dạng món ăn như nấu, xào, hầm, om, nướng hay chiên rán.
 Cá chim
Một số món ăn trị bệnh có thể áp dụng
Trị phong thấp, thoái hóa xương khớp, đau nhức chân tay, lưng đau gối mỏi, yếu: Cá chim 250g, hạt dẻ 15 - 20 hạt. Làm sạch cá, hạt dẻ đập dập bỏ vỏ, cho gia vị vừa đủ nấu thành canh ăn trong bữa cơm, cần ăn liền 5 - 7 ngày.
Trị thận hư, liệt dương, di tinh: Cá chim 250g, ngài tằm 20 con, làm cá sạch cho cùng ngài tằm, nêm gia vị vừa đủ nấu thành canh ăn trong bữa cơm, ăn 7 ngày.
 Hạt dẻ
Trị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy do tỳ vi hư nhược, thiếu máu do huyết hư thiểu dưỡng:
Cá chim 250g, bạch truật 15g, sắc các vị thuốc lấy nước bỏ bã; cho cá chim ăn trong ngày cùng bữa cơm.
Trị tiêu hóa kém, chán ăn, gầy yếu: Cá chim 250g, đậu trắng hạt to 30g. Làm sạch cá, cắt khúc, cho đậu và gừng tươi đập dập, nấu thành canh, thêm hành sống và gia vị vừa đủ, ăn trong ngày.
Chữa trị các chứng đau đầu hoa mắt chóng mặt do huyết hư, tim hồi hộp, mất ngủ, suy nhược cơ thể: Cá chim 250g, đảng sâm, đương quy, thục địa mỗi vị đều 15g, sơn dược 20g. Các vị thuốc sắc lấy nước bỏ bã, cho cá chim cắt khúc vào nước thuốc hầm chín ăn trong ngày.
Lưu ý: Những người mỡ máu cao, tăng huyết áp, bệnh mạch vành không nên dùng.       

  Bác sĩ Lê Hoài Nam

Cây xương khỉ điều trị viêm gan vàng da

(SKDS) - Cây xương khỉ còn gọi là mảnh cộng, tại miền Đông Nam Bộ gọi là cây bìm bịp. Cây mọc hoang, là loại cây nhỏ, mọc thành bụi, có thể cao tới 3m. Lá nguyên, cuống ngắn, lá mặt hơi nhẵn, màu xanh thẫm. Lá non có thể dùng nấu canh ăn. Lá khô có mùi thơm đặc trưng, như mùi cơm nếp, nên thường dùng để ngâm bột gạo nếp, làm bánh. Hoa màu đỏ hay màu hồng, rủ xuống ở ngọn; tràng hoa có hai môi, môi dưới có 3 răng; bao phấn vàng xanh, quả hình trùy dài khoảng 1,5cm, cuống ngắn, chứa 4 hạt. Mùa ra hoa xuân - hạ.  
Cây xương khỉ có vị ngọt, tính bình, có tác dụng thanh can (mát gan), lợi đảm (tăng tiết mật), khử ứ, tiêu thũng, chỉ thống (chống đau). Được sử dụng để hỗ trợ điều trị viêm gan vàng da, giảm tiết mật, đau nhức do phong thấp, gãy xương,… Các nghiên cứu còn cho thấy cây xương khỉ chứa nhiều sinh tố, khoáng chất, tanin, flavon, glycosid, của cerebrosid và glycerol có tác dụng trị mụn rộp ở mép, miệng.
Một số cách sử dụng theo kinh nghiệm:
Bài 1: Hỗ trợ điều trị viêm gan mạn tính: Toàn cây xương khỉ khô 30g, râu ngô 20g, lá vọng cách 12g, trần bì 12g, sâm đại hành 16g. Tất cả rửa sạch, cho vào ấm đổ  với 1.000ml nước,  đun sôi nhỏ lửa 30 phút; chia 3 lần uống trong ngày. 15 ngày một liệu trình.
Bài 2: Chữa lở miệng: Lá xương khỉ tươi 60g, rửa sạch, để ráo, thêm chút nước sạch, giã nát, lọc lấy nước, ngậm và nuốt dần trong ngày.
 Vị thuốc gối hạc.
Bài 3: Khớp xương sưng đau:
Cây xương khỉ 30g, rễ và thân cây gối hạc 20g, toàn cây trâu cổ 20g, tầm gửi cây dâu tằm 20g; thêm 1.200ml, sắc lấy 300ml; chia 3 lần uống sau bữa ăn trong ngày; dùng liên tục 15 ngày.
Bài 4: Thoái hóa cột sống, gai cột sống, đau nhức xương: Cây xương khỉ tươi 80g, ngải cứu tươi 50g, củ sâm đại hành tươi 50g; tất cả rửa sạch, giã nhuyễn, xào nóng với dấm, để ấm đắp vào chỗ bị bệnh, băng cố định lại; đắp buổi tối trước khi đi ngủ, sáng dậy tháo ra, liên tục 10 ngày; nếu kết hợp với thuốc sắc uống, tác dụng càng nhanh.
Lưu ý: Do cơ địa mỗi người một khác, để bài thuốc đem lại hiệu quả cao cần đến lương y có uy tín để được bắt mạch kê đơn cho phù hợp.   

  Lương y Hữu Đức

Mẫu đơn điều kinh hoạt huyết

Mẫu đơn là một dược thảo quý có hiệu quả chữa trị nhiều chứng bệnh, đồng thời là cây cảnh có hoa rất đẹp, còn có tên là hoa vương, thiên hương quốc sắc, phú quý hoa. Cây sống lâu năm, cao 1 - 1,5m, rễ phát triển thành củ. Miền Bắc hay gọi là hoa mẫu đơn, miền Nam gọi là hoa trang. Hoa có các màu đỏ, trắng, vàng.
Theo y học cổ truyền, hoa mẫu đơn có tính bình, vị đắng, đi vào hai kinh của cơ thể là tâm và can. Hoa có công dụng điều kinh hoạt huyết, khư ứ hành trệ, thường được dùng chữa cho phụ nữ bị tình trạng trục trặc về kinh nguyệt, tổn thương tay chân, đau ở vùng lưng và eo. Vỏ của thân cây hoa, y học cổ truyền dùng làm vị thuốc có tên gọi là đan bì (đơn bì).
 Hoa quế
Một số bài thuốc có sử dụng mẫu đơn
Phụ nữ bị thống kinh (đau bụng khi hành kinh), đau đầu, thì có thể dùng 10g hoa mẫu đơn đem sắc lấy nước uống (có thể cho thêm một ít đường cát trắng).
Phụ nữ đến kỳ kinh mà không có kinh, tay chân lạnh, kèm đau vùng eo và bụng; hoặc bị chứng xích bạch đới (khí hư ở phụ nữ) có thể dùng 10g hoa mẫu đơn, 10g hoa quế đem nấu lấy nước uống thay cho trà để cải thiện bệnh. Có thể cho vào ít đường để dễ uống.
Sản phụ sau sinh bị chảy máu cam: Mẫu đơn bì cùng các vị thuốc khác: bồ hoàng, trắc bách diệp, hoàng cầm, bạch linh (mỗi loại 8g) đem nấu lấy nước uống thay trà.
Chữa suy nhược thần kinh, nhức đầu, mất ngủ, di tinh: Mẫu đơn bì 8g, thục địa 16g; sơn thù, hoài sơn, mỗi vị 12g; trạch tả, phục linh, phụ tử chế, mỗi vị 8g, nhục quế 4g. Sắc uống ngày một thang.
 Vị thuốc đơn bì.
Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp:
Mẫu đơn bì 8g, thục địa 16g, hoài sơn 12g; sơn thù, trạch tả, phục linh, đương quy, bạch thược, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa đau nhức do máu kém lưu thông, gây thiếu máu: Mẫu đơn bì 100g, đương quy 1.000g; hoài sơn, ngọc trúc, hà thủ ô đỏ, đan sâm, mỗi vị 200g; bạch linh, mạch môn, trạch tả, mỗi vị 100g; thanh bì, chỉ thực, thù nhục, mỗi vị 50g. Tán bột làm viên nặng 5g. Ngày uống 4 - 6g.

Bác sĩ  Thanh Lan

Quả na làm thuốc chữa tiêu chảy

(SKDS) - Cây na còn gọi là phan lệ chi, sa lê, mác kiếp hay mãng cầu (cách gọi riêng của các tỉnh phía Nam), tên khoa học Annona Squamosa thuộc họ Annonaceae. Na là loại quả nhiều dinh dưỡng, giàu dược tính nên trong Đông y còn sử dụng làm thuốc trị nhiều chứng bệnh khác nhau.
Theo Đông y, quả na có vị ngọt, tính ấm, hạ khí tiêu viêm. Quả na xanh có tác dụng làm săn da, tiêu sưng, chữa mụn nhọt, viêm vú. Hạt na có vị đắng, hôi, tính lạnh, có độc, thanh can, tác dụng giải nhiệt tiêu độc, sát khuẩn, diệt côn trùng, chấy rận. Quả na điếc là quả na đang lớn, hỏng, tự khô, cứng rắn, có màu nâu đỏ tím, là một vị thuốc dùng theo kinh nghiệm dân gian.
Chữa sốt rét:
Quả na điếc 40g, giun đất 80g, phèn phi 20g, quả na điếc đập vỡ vụn, tẩm rượu, sao vàng. Giun đất lộn trái, rửa sạch, tẩy bằng rượu, phơi khô, sao vàng. Hai thứ trộn với phèn phi, tán bột mịn và luyện với nước tỏi làm viên bằng hạt đỗ xanh. Người lớn ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 viên. Dùng liên tiếp 10 ngày.
Chữa nhọt ở vú, áp-xe, quai bị:Quả na điếc 10-30g, phơi thật khô, tán thành bột rồi hòa với giấm, bôi nhiều lần trong ngày. Có thể phối hợp với hương phụ 20g.
Chữa tiêu chảy, kiết lỵ:Quả na điếc 20g đốt tồn tính, cỏ lào ngọn non 50g, gạo tẻ (rang thật vàng) 30g. Tất cả sắc với 400ml nước còn 100ml, chia uống 3 lần trong ngày.
Chữa ho, viêm họng:Quả na điếc 50g, rễ xạ can 30g, nhân hạt gấc 20g, cam thảo dây 25g, lá bạc hà 50g, lá chanh 25g, lá táo 25g, sinh địa 50g. Tất cả phơi khô (riêng quả na điếc đốt tồn tính), giã nhỏ, tán bột, trộn với 150g đường kính đã nấu thành sirô để làm viên, mỗi viên 0,5g. Ngày uống 6-8 viên chia 2 lần. Trẻ em tùy tuổi dùng 3-6 viên một ngày. Dùng 3-5 ngày.
Thuốc diệt chấy:Hạt na 50g, rượu 50ml, hạt na giã nhỏ, ngâm trong rượu 6 tiếng đồng hồ, sau đó lấy vải sạch thấm rượu bôi lên tóc, giữ cho tóc ướt trong 2 tiếng (không để vào mắt vì có độc!).         

BS. Hoàng Thuần

Con mực

Mấy ngày qua, do ảnh hưởng của thời tiết khiến cho hầu như ngày nào cũng mưa. Những ngày mưa như vậy, vừa ngồi nhà xem truyền hình, vừa nhâm nhi mấy miếng khô mực nướng, tận hưởng sự ngọt ngào, dai dai của miếng mực thì thật là hấp dẫn. Nhưng mực còn là món ăn - vị thuốc mà nhiều người chưa quan tâm đến.
Con mực tên khoa học là Sepia esculenta Houle, họ Cá mực (Sepiidae).
Ngoài phần thịt được cung cấp như một món ăn, món nhậu, cá mực còn cung cấp một vị thuốc rất độc đáo, đó là mai mực (nang mực - ô tặc cốt, hải phiêu tiêu - Os sepiae seu sepiellae).

Trong dược liệu của Đông y, thường người ta chỉ dùng nang mực.
Thịt mực vừa dùng ăn tươi (nấu, xào, luộc), vừa có thể phơi khô trở thành món nhâm nhi giải trí và là món khoái khẩu của dân nhậu.
Trong thực dưỡng lại thường dùng thịt mực tươi như một món ăn vừa dùng làm thuốc để bồi bổ cơ thể, trị bệnh.
Cách chế biến mai mực: thường người ta lấy mai mực, cạo sạch vỏ cứng ở ngoài, ngâm nước cho đến khi hết mặn, sau đó phơi hoặc sấy khô, khi dùng tán bột. Để có mai mực có phẩm chất tốt nhất nên dùng những mai dày, màu trắng như phấn, không gãy vỡ.
Theo Đông y, mai mực vị mặn, tính ấm không độc, có tác dụng làm se và cầm máu; cố tinh và trừ khí hư, chống toan hóa và giảm đau, làm lành vết loét.
Nang mực có chứa calium carbonate, phosphate, có tác dụng kềm chế acid, có hiệu quả đối với người có quá nhiều dịch vị, dư acid và người loét dạ dày.
Dùng bên ngoài trị bị thương ngoài da ra máu, chi dưới loét lâu không kín miệng.
Một số kinh nghiệm dùng mai mực:
Trị ho ra máu:
Mai mực 45g, cỏ nhọ nồi 30g, cỏ tháp bút 100g. Mai mực bỏ vỏ cứng tán bột mịn, cỏ nhọ nồi sao cháy cùng cỏ tháp bút đun lấy 250ml nước thuốc đặc. Cho bột mai mực vào nước thuốc, quấy đều chia 3 phần uống trong ngày (sáng, trưa, tối).
Mai mực 9g, bạch cập 9g, ngó sen 15g, nấu 2 chén nước, lọc còn 1 chén, thêm 20ml mật ong trộn đều, chia 3 lần uống trong ngày.
Trị hen suyễn:
- Mai mực 300g, rửa sạch, nung trên hòn ngói cho vàng, tán mịn. Người lớn uống mỗi lần 8g, chia 2 lần. Trẻ em ngày uống 2 lần, mỗi lần 3g.
- Mai mực 9g, phèn chua 3g, đường trắng 30g. Tất cả tán thành bột mịn, chia 3 lần uống trong ngày, uống với nước sôi.
Trị lao phổi:  mai mực 15g, bạch cập 240g, bối mẫu 60g, nhau thai 60g. Tất cả sấy khô tán bột mịn, mỗi đêm uống 1 lần 9g với nước sôi.
Trị loét dạ dày và hành tá tràng, dịch vị quá nhiều: mực nang, nghiền thành bột mịn, mỗi lần dùng 3g, hòa nước đường uống, ngày 2 - 3 lần.
Trị đau loét dạ dày, tá tràng, ợ chua, đại tiện táo: mai mực 20g, cam thảo 12g, thổ bối mẫu 6g, tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g trước bữa ăn khoảng nửa giờ.
Trị xuất huyết đường tiêu hóa: mai mực 9g, bạch cập 9g. Xay thành bột mịn, chia 2 lần uống trong ngày với nước sôi, cần uống trong nhiều ngày.
Trị đại tiện ra máu:
- Mai mực 40g, mộc tặc (cỏ tháp bút) 100g. Mai mực bỏ vỏ cứng, tán nhỏ mịn; cỏ tháp bút sắc lên lấy 150ml nước thuốc, chắt lấy nước, trộn bột mai mực, chia 2 lần uống trong ngày, uống liền 5 - 7 ngày.
- Mai mực l00g, rửa sạch, bỏ vỏ cứng, phơi khô, xay thành bột mịn, mỗi lần uống 6g với nước cháo đặc, ngày uống 2 lần. 7 ngày là 1 liệu trình, cần dùng 2 - 3 liệu trình.
Trị trĩ ngoại: mai mực 60g, dầu vừng 30ml. Mai mực tán bột mịn, cho vào dầu vừng quấy đều, bôi vào chỗ trĩ lòi ra, ngày 2 - 3 lần. Nên dùng một ít phèn chua pha với nước âm ấm nóng, đặt mông ngồi vào, dùng nước này rửa sạch búi trĩ rồi mới bôi thuốc.
 Trị viêm thận mãn: mai mực 9g, bạch truật 9g, cá diếc 1 con (300g), gạo nếp 100g. Tất cả sấy khô, tán bột mịn, ngày uống 3 lần mỗi lần 9g với nước sôi.
Trị băng huyết:
- Mai mực 15g, sinh địa 30g. Mai mực bỏ phần cứng, tán bột mịn, sinh địa sắc lấy 200ml nước thuốc đặc. Cho bột mai mực vào nước thuốc quấy đều chia 3 lần uống trong ngày, cần uống liền 3 ngày.
- Mai mực 9g, quán chúng (đốt thành than) 30g. Tán bột mịn, mỗi lần uống 9g với nước có pha 50% rượu vào buổi sáng, tối. Kiêng ăn đắng, cay.
Trị bế kinh:  mực 100g, ngải cứu 100g, dầu thực vật, muối mắm vừa đủ. Mực làm sạch, thái miếng, ngải cứu rửa sạch, thái dài 4cm, dùng dầu thực vật xào mực với ngải cứu thêm muối mắm vừa đủ. Khi chín cho bệnh nhân ăn ngày 1 lần, cần ăn liền 5 - 7 ngày.
Trị bạch đới:
- Mai mực 120g, bỏ phần cứng, sao tồn tính, tán bột mịn, chia 10 phần, mỗi tối uống 1 phần với nước nóng.
- Mai mực 40g, bạch chỉ 60g, tóc rối 30g. Bạch chỉ sao thơm, tóc rối đất thành than, tất cả tán bột mịn, ngày uống 1 lần 6g với nước nóng có pha 50% rượu.
- Mai mực 20g, cây xấu hổ 15g. Sấy khô, tán bột mịn, chia 3 lần uống trong ngày với nước nóng.
- Mai mực 24g, bối mẫu 6g. Sấy khô, tán bột mịn, chia 3 lần uống trong ngày với nước nóng.
- Mai mực 9g, hạt sen 9g. Mai mực đốt thành than, hạt sen sao vàng, tán bột mịn, chia 2 lần uống trong ngày với nước sôi có pha 50% rượu.
- Mai mực 60g, khiếm thực (củ súng) 60g. Sấy khô, tán bột, ngày uống 2 lần, mỗi lần 10g với nước nóng.
- Mai mực 9g, kim anh tử 9g, bạch liên tu 9g, hạt súng 12g, nấu nước uống.
Trị lở loét chảy nước: mai mực 100g, bỏ phần cứng, giã nhỏ. Dùng nước chè xanh đặc rửa sạch chỗ đau sau đó lấy bột mai mực rắc vào chỗ đau ngày làm 2 lần, làm liên tục cho đến khi khỏi.
Trị trẻ nhỏ xương mềm yếu: mai mực 9g, quy bản 12g, thiến thảo 6g, nấu nước, cho đường hòa đều uống, mỗi ngày chia 2 - 3 lần uống.
Lưu ý: không dùng mai mực cho các trường hợp âm suy và nhiệt vượng.
Lương y HOÀNG DUY TÂN

Cây trương quân trừ phong thấp, mạnh gân xương

(SKDS) - Cây trương quân hay còn gọi là cây trung quân, hay dây lá hợp Ancistrocladus scandens (Lour.) Merr, họ trung quân (Ancistrocladaceae). Bộ phận dùng là toàn cây, có thể thu hái lá và thân cây quanh năm, rễ đào vào mùa đông, rửa sạch, phơi ráo nước, thái vát đối với thân, dài 3 - 5cm, phơi khô hoặc sấy khô. Khi dùng có thể sao vàng. Trương quân là cây mọc hoang, phân bố rải rác ở các tỉnh miền núi phía Bắc đảo Cát Bà (Hải Phòng); phía Nam chủ yếu từ tỉnh Quảng Nam trở vào.
Theo y học cổ truyền, trương quân có vị đắng, chát, tính bình, không độc. Có công năng hành huyết, hóa ứ, trừ phong thấp, mạnh gân xương, giải nhiệt, trục ứ huyết, trừ đờm, giải độc. Thường được dùng trị đau lưng, đau xương khớp, phong thấp, chân tay tê mỏi; nhất là trường hợp phụ nữ sau đẻ, người mệt mỏi, đau nhức toàn thân, yếu sức. Ngoài ra còn dùng trị đau bụng do lỵ và sốt rét. Liều dùng chung từ 8-16g, dưới dạng thuốc sắc, thuốc hãm hay thuốc ngâm rượu uống.
 Cây trương quân là vị thuốc tốt trị đau xương khớp, chân tay nhức mỏi.
Một số cách dùng cây trương quân
làm thuốc
Trị đau lưng, đau xương khớp và tê mỏi thần kinh ngoại biên: Phối hợp trương quân với cốt toái bổ, cẩu tích, kê huyết đằng, tang chi, tang ký sinh mỗi vị 12-16g. Sắc uống ngày một thang. Uống liền 2-3 tuần lễ.
Trị sốt rét: Phối hợp với rễ cây thường sơn (Radix Dichroae febrifugae), mỗi vị 12g, thảo quả 4g, dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc hoàn. Ngày 1 thang. Uống liền 3 - 4 tuần tới khi hết các triệu chứng.
Trị lỵ: Phối hợp với cỏ sữa nhỏ lá (hoặc lớn lá), mỗi vị 10-12g, nam mộc hương 16g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống liền 2-3 tuần. Có thể dùng cho phụ nữ sau đẻ, lấy rễ và thân trương quân, thái mỏng sao vàng, sắc uống, ngày 12-16g. Uống vài ba tuần.
Trị đau xương cốt, đau mỏi cơ nhục và bồi bổ cơ thể: Lấy rễ và dây trương quân, vỏ cây đỗ trọng nam, rễ nhàu mỗi vị 200g; kê huyết đằng, huyết giác, sâm bố chính, quy bản mỗi vị 100g; trần bì 20g. Tất cả cho vào bình, ngâm với 3 - 4 lít rượu 30 - 45 độ trong thời gian 3-4 tuần là có thể uống được, ngày 2 - 3 lần, mỗi lần 30 - 40ml trước bữa ăn.    

GS.TS.Phạm Xuân Sinh

Món ăn từ trai sông lợi thủy, hóa đàm

(SKDS) - Trai sông còn gọi trai nước ngọt, là loại thực phẩm rất quen thuộc trong bữa ăn của người Việt. Có rất nhiều cách chế biến thành món ngon như cháo trai, canh trai nấu chua, trai xào xả ớt... Thịt trai sông giàu đạm, canxi, photpho, kẽm, sắt và một số vitamin như B1, B2, PP, C... 100g thịt trai cung cấp 146calo. Ngoài làm thực phẩm, trai sông còn có nhiều tác dụng chữa bệnh.
Theo Đông y, trai sông vị ngọt mặn, tính hàn; vào kinh vị. Công năng chủ trị: tư âm lợi thủy, hóa đàm nhuyễn kiên tán kết. Dùng cho các trường hợp âm hư, sốt nóng (lao phổi, đái tháo đường), ho khan, mất ngủ, đau mỏi thắt lưng, phù nề, tiểu ít, bạch đới, huyết trắng, viêm sưng hạch, u tuyến giáp, vàng da. Liều dùng, cách dùng: thịt trai: 100 - 500g; nấu, hầm, om xào.
Một số món ăn - bài thuốc từ trai:
Canh trai rau hẹ: trai 150g, rau hẹ 60 - 120g, thêm nước, gia vị nấu canh ăn. Dùng cho các trường hợp lao phổi suy nhược, ho khan ít đờm, mồ hôi trộm (đạo hãn), bệnh đái tháo đường.
Trai luộc: trai (sò biển, sò huyết) luộc chín, ăn với ớt tiêu gia vị hằng ngày có tác dụng bổ âm, thanh nhiệt, lợi tiểu, tán kết. Dùng cho các trường hợp vàng da phù nề, sưng hạch, bướu cổ, khí hư, huyết trắng, bệnh đái tháo đường.
Canh trai cà rốt đậu đỏ: trai 200g, xuyên khung 15g, cà rốt 100g, đậu đỏ 100g. Thêm nước, gia vị, nấu canh, vớt bỏ bã xuyên khung, thêm mắm, hành, bột ngọt, chia vài lần ăn trong ngày, liên tục 5 - 7 ngày. Dùng cho các trường hợp suy nhược cơ thể, sợ lạnh, sợ gió, tay chân lạnh.
 Cháo trai tốt cho người tăng huyết áp, u xơ tiền liệt tuyến, đái tháo đường.
Cháo trai:
trai sông 200 - 300g, gạo 100g. Trai ngâm nước vo gạo nửa ngày đến 1 ngày, rửa sạch, luộc chín và giữ nước luộc. Thịt trai nặn hết sạn đen trong bụng, rửa sạch, thái thành miếng nhỏ, trộn gia vị, để 15 - 20 phút; phi hành mỡ và cho thịt trai vào đảo đều; để riêng. Gạn lấy nước luộc trai, cho gạo vào nấu thành cháo; giữ nhỏ lửa, đảo đều để cháo không bén và đặc sệt; cho thịt trai xào vào, thêm 1 - 2 củ hành, vài lát gừng thái chỉ, nêm gia vị cho vừa miệng. Khi ăn thêm chút bột tiêu, ớt bột, rau răm thái nhỏ. Chữa một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi như tăng huyết áp, u xơ tiền liệt tuyến, đái tháo đường... vừa là món đặc sản trong mùa thu.
Cháo trai râu bắp: thịt trai sông 30 - 50g, râu ngô non 20g. Ninh nhừ, bỏ râu ngô, thêm hành, gừng. Trị tăng huyết áp, hay nhức đầu, thủy thũng.           

  TS. Nguyễn  Quang Đức

Hành hoa - Vị thuốc chữa nhiều bệnh

(SKDS) - Hành hoa là loại gia vị rất thông dụng, được nhiều người ưa thích, được sử dụng rộng rãi trong chế biến món ăn. Ngoài ra, hành còn là vị thuốc rất quen thuộc chữa được nhiều bệnh do chứa tinh dầu có sunfua và chất kháng sinh allin, acid malic, galantin và allinsufit; hạt chứa S-propenyllein sunfoxit. Theo YHCT, hành hoa vị cay, ngọt, tính ấm, có tác dụng giải cảm, diệt khuẩn, giải độc, thông khí huyết. Xin giới thiệu một số bài thuốc trị bệnh có hành hoa:
Trị cảm lạnh, sốt không vã mồ hôi, nhức đầu, ngạt mũi, sợ gió, nước tiểu trong: củ hành tươi 30g, gừng tươi 10g, chè 10g. Sắc uống nóng, đắp chăn cho ra mồ hôi.
Hoặc hành 10g, tía tô 10g, bạc hà 10g, kinh giới 10g, sả 10g, lá tre 10g. Cho tất cả vào nồi, đun sôi kỹ, xông xong uống một bát nước rồi đắp chăn cho ra mồ hôi.
Hoặc vài chục cây hành cả rễ, cắt bớt lá xanh, 3 lát gừng, 1 nắm gạo nấu cháo, ăn khi còn nóng, xong trùm chăn kín.
Trị ho: hành 60g, gừng tươi 10g, sắc kỹ, xông miệng mũi, ngày 2 - 3 lần.
 Hành là loại gia vị quen thuộc, cũng là vị thuốc thông dụng chữa nhiều bệnh.
Hoặc hành 5g, ngâm mật ong qua đêm, lọc bỏ bã rồi pha rượu uống. Cách 2 - 3 giờ uống một lần. Ho do cúm, hen phế quản hoặc do hút thuốc lá đều dùng được.
Trị khản tiếng: ăn hành củ sống, giã hành đắp lên cổ.
Đau bụng giun: giã củ hành tươi, ép lấy nước, trộn với 5ml dấm uống hết 1 lần.
Tẩy giun: 30g hành nghiền nát trộn với 30g dầu vừng, uống ngày 2 lần.
Đau bụng, lạnh chân tay: 5 cây hành cả rễ và lá, giã dập để lên bụng, lăn chai nước nóng lên, khi hành nát lại thay hành khác. Khi vã mồ hôi, đun nước gừng khô, uống nóng.
Bí đại tiện, đầy hơi: hành 2 củ, gừng 1 lát, muối hạt 1 thìa, giã nhỏ, hơ nóng gói vào miếng vải buộc vào rốn, nếu nửa giờ sau chưa thông thì thay thuốc mới.
Hạ cholesterol máu, hạ huyết áp: Ăn hành và tỏi đều đặn mỗi ngày.
Hạ đường huyết: ăn hành hằng ngày.
Làm mượt tóc: vỏ hành khô 10g dầm với 1 lít nước sôi trong 50 phút, gội đầu 2 - 3 lần, để khô gội lại bằng nước sạch, tóc sẽ óng mượt.
Trị đau do phong thấp: hành tươi, tương đậu nành xào với dầu thực vật, bột gia vị ăn thường xuyên.
Ong đốt: giã nát hành, xát vào vết đốt để giảm đau nhức.
Côn trùng lọt vào tai: hành, hẹ mỗi thứ vài cây, gừng 1 lát mỏng, giã ép lấy nước nhỏ vào tai.  
  Lương y Thái Hòe

Thuốc quý từ cây chuối hột

(SKDS) - Trong các loài chuối, chuối hột (chuối chát) có hương vị kém hơn cả, nhưng lại được dùng làm thuốc phổ biến từ lâu trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian. Tất cả các bộ phận của cây chuối hột đều có tác dụng chữa bệnh tốt.
Củ chuối hột đem cạo bỏ vỏ ngoài, rửa sạch, cắt miếng, giã nát, ép lấy nước uống chữa cảm nóng, sốt cao, háo khát, mê sảng. Củ chuối hột phối hợp với tầm gửi cây dâu, rễ cỏ tranh, thài lài tía, mỗi thứ 12g, thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày, chữa ho ra máu; với củ sả, tầm gửi cây táo hoặc vỏ cây táo, mỗi thứ 4g, sao vàng, sắc uống chữa kiết lỵ ra máu.
Đồng bào Thái ở Tây Bắc lại dùng củ chuối hột sắc uống với củ chuối rừng và rễ cây móc, mỗi thứ 10-12g để làm thuốc an thai.
Thân chuối hột
còn non, cắt đoạn, nướng chín rồi ép lấy nước, ngậm với ít muối chữa đau nhức răng. Lõi thân cây già thái và giã nát, vắt nước uống sẽ làm tiêu khát, phát hãn hoặc đắp để cầm máu.
Lá chuối hột phơi khô 10g, mốc cây cau 20g, tinh tre 20g. Tất cả đốt tồn tính, tán nhỏ, hòa với nước uống chữa băng huyết, nôn ra máu.
Hoa chuối hột thái nhỏ, luộc hoặc làm nộm ăn để tăng tiết sữa ở phụ nữ mới sinh con và chống táo bón ở người cao tuổi.
Quả chuối hột còn non, thái mỏng, trộn với các loại rau sống, ăn với nộm sứa, gỏi cá để giảm vị tanh và đề phòng tiêu chảy. Quả chuối xanh còn ở trên cây đem cắt đôi hứng lấy nhựa bôi chữa hắc lào hoặc đem quả phơi, sấy khô tán nhỏ, rây bột mịn, dùng uống hàng ngày chữa viêm loét dạ dày với kết quả tốt.
Để chữa sỏi bàng quang, lấy quả chuối hột xanh thái mỏng sấy khô, sao vàng, hạ thổ trong vài ngày, mỗi lần dùng 50-100g sắc với 400ml nước, uống làm 2 lần trong ngày vào lúc no. Có thể dùng dạng nước hãm như pha  trà mà uống.
Quả chuối hột chín ăn vào lúc đói thấy ra giun.
 Chuối hột.
Hạt chuối hột
200g giã nát ngâm với rượu 40 độ (1.000ml) trong 10 ngày để càng lâu càng tốt, thỉnh thoảng lắc đều. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 15ml vào trước bữa ăn hay trước khi đi ngủ, có thể thêm đường cho dễ uống. Thuốc có tác dụng giảm đau, tiêu sưng, chữa đau lưng, chân tay nhức mỏi, thấp khớp.
Có người đã dùng hạt chuối hột để tống sỏi với kết quả rất tốt. Dùng hạt chuối hột rang giòn, giã nát, rây bột mịn. Mỗi ngày dùng 2 thìa canh bột cho vào ấm tích chế nước sôi pha trà uống. Trong thời gian uống thuốc thấy có chất lắng đục ở đáy dụng cụ đựng nước tiểu qua đêm. Uống liên tục trong 30 ngày, sỏi ra hết thành những viên nhỏ.
Vỏ quả chuối hột 40g, phơi khô, sao hơi vàng, tán bột; quế chi 4g; cam thảo 2g tán bột. Trộn đều hai bột, luyện với mật làm viên, uống 2-3 lần trong ngày với nước ấm chữa đau bụng kinh niên. Hoặc vỏ quả chuối hột, rễ gai tầm xọng, vỏ quả lựu, rễ tầm xuân, mỗi thứ 20g; búp ổi 10g, phơi khô, sắc uống chữa kiết lỵ.
Theo tài liệu nước ngoài, nước sắc thân và lá chuối hột có tác dụng lợi tiểu chữa phù thũng. Nước hãm củ chuối hột uống mát, tiêu khát, giải độc, kích thích tiêu hóa. Lá bắc (lá màu đỏ bao bọc buồng chuối) và hoa chuối hột sắc uống làm thuốc bổ, mát phổi, tiêu độc. Quả chuối hột có tác dụng chữa đái tháo đường, viêm thận, tăng huyết áp.            

DS.Hữu Bảo

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons