Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

Bạch truật kiện tỳ, bổ khí

(SKDS) - Bạch truật (Radix Atractyloidis macrocephalae), là rễ của cây bạch truật (Atractyloides macrocephala Koidz.), họ cúc (Asteraceae), có nguồn gốc từ Trung Quốc, được di thực vào Việt Nam, có ở vùng núi và trung du phía Bắc nước ta. Bạch truật là vị thuốc được Đông y sử dụng từ lâu đời. Trước khi sử dụng có thể sao vàng, sao cám, sao cháy, sao đất, chích mật ong... Về mặt hoá học, rễ bạch truật có tinh dầu, chủ yếu là atractylon, acetoxy atractylon, hydroxy atractylon...; các dẫn chất lacton như atractylolid I, II, III.
 
Về mặt sinh học, nước sắc bạch truật có tác dụng chống loét dạ dày, làm giảm dịch vị, nhưng không giảm độ acid tự do của dịch vị, chống viêm, giảm đau, hạ đường huyết và bảo vệ gan, lợi tiểu. Bạch truật còn có tác dụng làm hạ lượng bạch cầu khi bị tăng cao, chống đông máu và ức chế một số nấm thường gặp ngoài da. Tinh dầu bạch truật có tác dụng trấn tĩnh.
Theo y học cổ truyền, bạch truật có vị đắng, ngọt, tính ấm, vào hai kinh tỳ, vị. Có công năng kiện tỳ, vị, tiêu thực, ích khí, ráo thấp, lợi thủy, cố biểu, chỉ hãn, an thai, chỉ huyết. Trên lâm sàng, bạch truật được dùng khi tỳ vị hư nhược, tiêu hoá kém.
 Hoa của cây bạch truật.
Bạch truật được dùng làm thuốc trong các trường hợp:
Bụng đau, đầy trướng, buồn nôn, tiêu chảy: bạch truật (sao cám), hậu phác, trần bì, đại phúc bì, tử tô, bạch chỉ, bạch linh, bán hạ (chế), cát cánh, cam thảo mỗi vị 8g; hoắc hương 12g. Tất cả tán thành bột mịn, chia làm 2-3 lần uống với nước gừng tươi trong ngày, trước bữa ăn. Uống liền vài ba thang đến khi hết các triệu chứng.
Bụng đầy, kém ăn, phân sống nát: bạch truật, mạch nha, bạch linh mỗi vị 8g; bán hạ (chế), đảng sâm mỗi vị 12g; hậu phác 16g; chỉ thực, hoàng liên mỗi vị 20g; cam thảo (chích gừng), can khương mỗi vị  4g. Tất cả tán mịn làm hoàn, ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 8 - 10g, trước bữa ăn. Dùng liền 1 - 2 tuần lễ, đến khi các triệu chứng thuyên giảm. Sau đó tùy theo tình hình bệnh có thể uống tiếp.
Bụng đầy trướng, ăn không tiêu, táo bón: bạch truật, hoàng liên, hoàng cầm, bạch linh mỗi vị 12g; chỉ thực, thần khúc mỗi vị 20g; đại hoàng 40g; trạch tả 8g. Tất cả tán mịn làm hoàn, ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 8 - 10g, trước bữa ăn. Dùng liền 1- 2 tuần lễ. 
Viêm dạ dày cấp và mạn tính: bạch truật 10g; trần bì, hậu phác mỗi vị 9g; hắc táo nhân 6g; cam thảo 8g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần, trước bữa ăn. Uống liền 3 - 4 tuần lễ.
Kém ăn, kém ngủ, cơ thể suy yếu: bạch truật, hoàng kỳ, phục thần, hắc táo nhân mỗi vị 12g; đảng sâm, mộc hương mỗi vị 6g; đương quy, cam thảo, viễn chí mỗi vị 4g. Sắc uống, ngày 1 thang, chia 3 lần, sau bữa ăn từ 1,5 đến 2 tiếng. Uống liền 3 - 4 tuần lễ.
Áp-xe gan: bạch truật, trạch tả, chi tử mỗi vị 9g; phục linh 12g; nhân trần 30g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần, trước bữa ăn. Uống liền 3 - 4 tuần lễ.
 Hoa của cây nam truật.
Đái tháo đường:
bạch truật, bạch linh, hoài sơn mỗi vị 12g; hoàng kỳ, đảng sâm mỗi vị 16g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần, trước bữa ăn. Đợt điều trị 2 tháng.
Sa dạ dày, sa tử cung, trĩ...: bạch truật, hoàng kỳ, đảng sâm mỗi vị 12g; đương quy 8g; sài hồ, thăng ma, cam thảo mỗi vị 6g; trần bì 4g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống liền 3 - 4 tuần lễ. Nghỉ một tuần lễ. Sau đó có thể uống thêm một liệu trình nữa.
Cơ thể mệt mỏi do chân khí kém: bạch truật, bạch linh, cam thảo, đẳng sâm (nhân sâm) mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần, sau bữa ăn. Uống liền 2-3 tuần lễ.
Lưu ý: Tránh nhầm lẫn bạch truật với cây nam truật [Gynnura  japonica (Thunb.), G. segetum (Lour.) Merr. hoặc cây G. procumbens ], họ cúc (Asteraceae), được trồng ở Hải Dương, Hưng Yên...  Dùng rễ nam truật phối hợp với các vị thuốc khác như mạch môn, sinh địa, hoài sơn... trị đái tháo đường, viêm gan virut, viêm dạ dày. 

GS.TS. Phạm Xuân Sinh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons