Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

Nhộng tằm: Món ăn vị thuốc bổ dưỡng

Trong y học cổ truyền, nhộng tằm có tên thuốc là tàm dũng, có vị mặn, ngọt, bùi béo, tính bình, không độc, bổ dưỡng, nhuận tràng.
Trong 100g nhộng tằm có 79,7g nước, còn lại có đến 13g protid; 6,5g lipid và cung cấp tới 206 calo. Bên cạnh đó, nhộng tằm còn là một loại thức ăn nhiều vitamin (vitamin A, B1, B2, PP, C... Đặc biệt, thực phẩm này còn có nhiều acid amin thiết yếu như valin, tyrosin, trytophan... và các chất khoáng, nhất là canxi (40mg) và phospho (109mg). Một số nghiên cứu cho thấy 1kg nhộng tằm tươi có lượng protein tương đương với 2,8kg trứng gà. Hàm lượng protid trong bột nhộng tằm cao tới 73,5%, gồm nhiều acid amin quan trọng như leucin, isoleucin, lysin, threonin, cystein, phenylalanin, tyrosin, valin, arginin, alanin, glycin, serin… tương đương với các loại protein động vật khác.
Nhộng tằm
Đông y cho rằng khi dùng nhộng tằm, thường người ta dùng nguyên con, và vì nguyên con nên nhộng có đầy đủ nguyên khí, có tính bổ dưỡng cao. 
Nhộng tằm có hàm lượng đạm rất phong phú, lại là thứ đạm dễ tiêu hóa. Chất béo của nó cũng không ít, vì vậy xét về mặt dinh dưỡng, nó rất thích hợp để làm món ăn.
Hỗ trợ trẻ em mau lớn: trẻ em ăn nhộng tằm rất tốt vì canxi và phospho trong nhộng rất cần cho cơ thể đang lớn của trẻ chống còi xương.
Trị phong thấp, đau nhức khớp xương, tê bại: khi nhắc đến nhộng tằm, hầu như người ta chỉ nhắc đến yếu tố bổ dưỡng do con nhộng tằm đem lại, thế nhưng, ít người biết rằng nhộng tằm còn được dùng đối với chứng phong thấp, đau nhức khớp xương.
Sách Trung dược học ghi chép là con nhộng tằm đem xào ăn, có thể trị phong.
Dân gian từ lâu đã biết nhộng tằm có công dụng trị phong, cho nên khi thấy tứ chi, gân cốt bị phong, nhức mỏi, tê, hoặc bị chứng đầu phong, chóng mặt, người ta thường dùng nhộng tằm nấu với rượu để ăn chữa bệnh. Người không ăn được nhộng tằm, dùng nó nấu với rượu, rồi lấy rượu đó xoa bóp, cũng có hiệu quả trừ phong, trừ đau nhức rất tốt.
Trước đây, ở một số vùng nông thôn, người ta thường trồng dâu để lấy tơ dệt lụa. Tuy nhiên, nông dân nên họ thường họ kết hợp với công việc ruộng đồng vì vậy nông dân phải làm việc cực nhọc suốt năm. Nhất là khi tằm ăn lên, họ phải làm việc cật lực suốt đêm ngày để hái dâu. Ban ngày thì bị nắng nóng (ngoài đồng ruộng), ban đêm bị sương lạnh (săn sóc cho tằm), khi ươm tơ, hai tay lại thường bị ướt. Hoàn cảnh và công việc như trên rất dễ bị chứng phong thấp, đau nhức khớp xương… Thế nhưng, có điều khá lý thú là trong những gia đình làm nghề nuôi tằm, trồng dâu, rất ít khi thấy ai bị phong thấp, nhức mỏi, tê bại. Kể cả chứng đầu phong, chóng mặt của phụ nữ cũng rất ít có… Người ta cho rằng, đó là hiệu quả do họ thường ăn nhộng tằm. Vì vậy, tại các địa phương có nuôi tằm, người ta thường nhắc đến câu ngạn ngữ: “Nhà nào có nhộng tằm, suốt năm không sợ thương phong”. Theo Đông y, những bệnh do “phong” gây ra khá nhiều, như chứng tê phong thấp kinh niên, chứng đầu phong chóng mặt, đều là loại bệnh do phong gây ra.
Bồi bổ thận, trị liệt dương, tiểu nhiều: dùng thông thường là cho nhộng vào cháo nóng, nhất là cháo nấu chim sẻ, chim cút (dùng cho người liệt dương, yếu sinh lý); rang nhộng với hành mỡ hay xào nhộng với lá hẹ, mộc nhĩ, ăn với cơm (dùng cho người già yếu). Liều dùng hằng ngày: 50 - 100g chia làm 2 - 3 lần.
Bồi bổ cho người lớn tuổi, thận khí suy yếu: nhộng tằm 200g, hoa hẹ 10g, nước mắm, dầu ăn vừa đủ. Nhộng tằm rửa sạch cho vào nồi, cho nước mắm vừa đủ, đun nhỏ lửa cho tới khi khô, cho dầu ăn vào, bật to lửa và cho hoa hẹ đã rửa sạch vào. Sau đó bắc ra ăn ngay.
Theo Đông y, nhộng tằm có nguyên khí đầy đủ và thận khí vượng, dùng để trị suy nhược cơ thể, già yếu, liệt dương... Hoa hẹ giúp bổ thận, dùng để trị mộng tinh, đau lưng, mỏi gối, đau hai bên hông, nhức mỏi trong chân, lạnh chân; tốt cho tiêu hóa; bổ phổi, tiêu đờm. Hoa hẹ cũng tốt cho các bệnh nhân tiểu són, đi tiểu nhiều lần. Kết hợp nhộng tằm và hoa hẹ với nhau sẽ có tác dụng tốt cho sức khỏe, cả hai đều có tính bồi bổ thận. Đây là bài thuốc bổ thận rất tốt, dễ kiếm và rẻ tiền.
Hỗ trợ trị đái tháo đường: sách Đông dược xưa cho rằng, nhộng tằm có thể trị chứng “bứt rứt” và “làm hết khát nước”. Đông y gọi bệnh đái tháo đường là tiêu khát. Phế nhiệt gây nên khát nước, là một yếu tố thường gặp trong bệnh đái tháo đường, còn bứt rứt là do nhiệt nung đốt trong cơ thể.
Người Nhật Bản khi trị bệnh đái tháo đường dùng nhộng tằm trong toa thuốc. 
Lương y HOÀNG DUY TÂN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons