(SKDS) - Hoắc hương còn có tên gọi là quảng hoắc hương, thổ hoắc hương. Là loại cây thảo sống lâu năm, cao 30 - 60 cm. Thân màu nâu, có lông dày mịn. Lá mọc đối, phiến lá hình trứng, mép có răng cưa to, có lông ở cả hai mặt. Hoa màu hồng tím nhạt, mọc thành bông ở nách lá hay ở ngọn cành. Quả bế, có hạt cứng. Mùa hoa quả tháng 5 - 6, cây mọc hoang hoặc trồng vào mùa xuân. Thu hái quanh năm, chủ yếu là trước khi cây ra hoa, đem rửa sạch, phơi khô.
Theo y học cổ truyền, hoắc hương có vị cay, mùi thơm hắc, tính hơi ấm, có tác dụng tiêu hoá, hành khí, giảm đau... được dùng chữa cảm mạo trúng nắng, trúng thực, nhức đầu, sổ mũi, đau người, đau bụng ỉa chảy ngực bụng đau tức, hôi miệng...
Một số bài thuốc theo kinh nghiêm dân gian:
Bài 1:Chữa cảm cúm, nhức đầu, mệt mỏi: Hoắc hương 6 - 12g rửa sạch, cho 550ml nước, sắc còn 200ml chia 2 lần uống trong ngày. Có thể phối hợp với các vị thuốc khác như kinh giới, tía tô, ngải cứu, hương nhu.
Bài 2: Chữa ho do lạnh: Hoắc hương 12g, lá chanh 5 lá, gừng 3 lát, chua me đất, cam thảo đất mỗi vị 6g. Tất rửa sạch, thêm 550ml nước, sắc còn 250ml, chia 2 lần uống trong ngày, uống lúc còn nóng. Dùng liền 9 ngày.
Đại táo.
|
Bài 3:
Chữa ăn uống không tiêu, sôi bụng: Hoắc hương 12g, thạch xương bồ 12g, hoa cây đại 12g, vỏ bưởi đào sao cháy 6g. Tất cả tán thành bột, trộn đều uống trước bữa ăn nửa giờ, mỗi lần 2g với nước ấm, ngày uống 3 lần. Dùng liền 5 ngày.
Bài 4: Chữa cảm mạo, ăn không tiêu, đau bụng (Bài Hoắc hương chính khí): Hoắc hương 12g, tô diệp 10g, thương truật 8g, cam thảo 3g, trần bì 5g, đại táo 4 quả, hậu phác 3g, phục linh 8g. Tất cả tán bột đều chia thành từng gói 8 - 10g. Người lớn uống mỗi lần 1 gói, ngày 2 lần, dùng liền 5 ngày.
Chú ý: Người cơ thể gầy yếu, thiếu máu, tăng huyết áp, ngủ kém, táo bón không nên dùng.
Bác sĩ Trần Hải
0 nhận xét:
Đăng nhận xét