(SKDS) - Nhãn là loại quả ngon được trồng phổ biến khắp nơi, nhưng nhiều và ngon nhất là nhãn ở Hưng Yên, Hải Dương. Bộ phận thường được dùng làm thuốc là long nhãn (cùi nhãn đã được phơi hay sấy khô). Long nhãn còn có tên khác là lệ chi nô, á lệ chi... Mùa hè, vào tháng 7-8, khi nhãn chín chọn quả to, cùi dày, để nguyên vỏ đem phơi nắng to, hoặc sấy nhẹ lửa, cho đến khi lắc quả có tiếng kêu lóc cóc bên trong.
Đem bóc vỏ, bỏ hạt, lấy cùi, rồi sấy nhẹ lửa (50 - 60oC) cho đến khi khô, sờ không dính tay. Long nhãn có mùi thơm, vị ngọt đậm đặc biệt. Loại long nhãn cùi dày, khô, to mảnh, nhuận mềm, màu vàng cánh gián, có mùi thơm, không chua, không lẫn các tạp chất khác, không mốc, sờ không dính tay, nếm vị ngọt đậm là tốt.
Long nhãn có vị ngọt tính ôn tác dụng bổ dưỡng tâm tì, dưỡng huyết, an thần, vào hai kinh tâm và tỳ…
Một số bài thuốc dễ áp dụng:
- Chữa mất ngủ: Long nhãn 50g đổ 800ml nước sắc còn 100ml uống. Hoặc long nhãn 9g, toan táo nhân 9g, khiếm thực 15g, sắc uống trước khi đi ngủ 30 phút. Dùng liền 10 ngày.
- Chữa thiếu máu, mất ngủ, thể trạng mệt mỏi: Long nhãn 16g, đương quy 12g, hoàng kỳ 12g, thục địa 16g. Sắc uống ngày một thang, chia hai lần, uống ấm. Dùng 10 - 15 ngày.
- Chữa tâm thận hư nhược: Lấy 250g long nhãn ngâm vào nửa lít rượu loại ngon. Khoảng 2 tuần là dùng được. Mỗi tối trước khi đi ngủ, dùng một ly nhỏ (30 ml).
Long nhãn dưỡng huyết, an thần. Ảnh: TL
|
- Trị tiêu chảy do tỳ hư: Lấy 30 quả long nhãn khô cùng 3 - 5 lát gừng tươi. Đổ 500ml nước vào nấu còn 150ml, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng liền 3 ngày.
- Chữa lở ngứa ăn chân: Hạt nhãn bỏ vỏ đen, thái mỏng, phơi khô, tán nhỏ, rắc vào kẽ ngón chân sau khi đã rửa sạch và lau khô. Dùng liền 5 ngày.
Chú ý: Long nhãn có tính ngọt thơm, ấm, nên đối với người đờm hỏa bên trong và bị bệnh nóng trong thì không nên dùng, nhất là phụ nữ có thai dưới 3 tháng lại càng phải thận trọng.
Bác sĩ Trần Thị Hải
0 nhận xét:
Đăng nhận xét