(SKDS) - Cam thảo dây (Abrus precatorius L) thuộc họ đậu (Fabaceae) tên khác là cườm cườm, dây chi chi, cườm thảo, tương tư đằng, là một loại dây leo, thường xanh.
Cây mọc hoang ở nhiều nơi, thường gặp trong rừng núi đá, bờ bụi, ven làng. Cây còn được trồng làm cảnh và làm thuốc.
Rễ, thân và lá cam thảo dây có vị ngọt, mát như cam thảo Bắc, nhưng không đậm và thơm bằng, được dùng thay thế dưới dạng thuốc sắc trong những trường hợp sốt nóng, háo khát, ho, mụn nhọt, mẩn ngứa. Thuốc được nhân dân ta và nhân dân nhiều nước ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ rất ưa chuộng.
Trong hạt cam thảo dây có chứa chất Arbin rất độc.
|
Theo một nghiên cứu, nửa hạt cam thảo dây nhai nuốt đủ gây ngộ độc cho người; 1 phần nghìn đến 1 phần 2 nghìn miligam dung dịch Abrin tiêm dưới da cho 1kg thể trọng đã gây độc, nó phá hủy hồng cầu và hủy hoại các tế bào khác. Nước ngâm hạt cam thảo dây đã giã nhỏ, bôi vào chỗ da bị xước sẽ gây loét tại chỗ, nếu nhỏ vào mắt sẽ gây phù tấy kết mạc dẫn đến hỏng giác mạc. Nhân dân châu Phi dùng hạt cam thảo để tẩm tên độc. Hạt không chỉ đầu độc mà còn gây sẩy thai.
Một số vùng ở nước ta, ở châu Phi, châu Mỹ, khi bị đau mắt đỏ, đau mắt hột, đục giác mạc, người ta lấy 3-5 hạt cam thảo dây giã nát, ngâm trong 1 lít nước sôi để nguội, dùng nhỏ mắt; làm như vậy nguy hiểm, đã có nhiều trường hợp bị hỏng mắt.
Để tránh những hiện tượng đáng tiếc xảy ra, cần lưu ý:
- Tuyệt đối không dùng hạt cam thảo dây để chữa bệnh về mắt, bệnh ngoài da hoặc dùng uống
- Không để trẻ nhỏ chơi hạt cam thảo dây, vì sơ ý trẻ có thể bỏ hạt vào mồm, nhai và nuốt (vì hạt cam thảo dây có màu đỏ đẹp, có một chấm đen ở đầu, thường được xâu thành chuỗi hạt đeo cổ).
- Đến mùa hạt cam thảo dây chín (tháng 9 -10), cần tích cực thu hạt ngay ở cây, không để hạt rơi vãi lung tung, trẻ trông thấy nhặt chơi rất nguy hiểm.
DS. Hữu Bảo
0 nhận xét:
Đăng nhận xét