(SKDS) - Tây dương sâm còn gọi là dương sâm, hoa kỳ sâm, tây sâm. Tên khoa học: Radix Panax quinquefolii. Tây dương sâm là rễ phơi hay sấy khô của cây nhân sâm (Panax quinquefolium L.), thuộc họ ngũ gia bì (Araliaceae). Là loại sâm mọc nhiều ở Mỹ, Canađa, Pháp... di thực vào Quảng Đông, Trung Quốc.
Trong tây dương sâm có một số glucozid tương tự nhân sâm và các tinh dầu có tác dụng tăng lực, chống mệt mỏi, tăng sức đề kháng của cơ thể, trấn tĩnh và hưng phấn thần kinh. Theo Đông y, tây dương sâm vị đắng hơi ngọt, tính hàn, vào kinh tâm, phế và thận. Có công năng bổ khí dưỡng âm, thanh hư nhiệt, sinh tân chỉ khát. Dùng chữa phế thận âm hư, chứng khí hư, tân dịch hao tổn, cửu khái, thất huyết, họng khô, miệng khô. Liều dùng 3 - 6g, nên sắc hoặc hãm riêng trước khi kết hợp với nước thuốc khác; hoặc ngậm trực tiếp trong miệng.
Tây dương sâm được dùng làm thuốc trong các trường hợp
Ích khí cứu thoát
Bài 1: tây dương sâm 10g, mạch môn 30g, ngọc trúc 12g, ngũ vị 3g. Sắc uống ngày 1 thang. Trị chứng khí hư âm thoát.
Bài 2: tây dương sâm 10g, phụ tử 8g, mẫu lệ nung 40g. Sắc uống ngày 1 thang. Trị chứng khí hư dương thoát.
Bài 3: tây dương sâm 10g, phụ tử 6g, long cốt 24g, mẫu lệ nung 40g, mạch môn 24g. Sắc uống ngày 1 thang. Chữa choáng do âm dương lưỡng hư.
Bổ khí dưỡng âm: tây dương sâm 8g, mạch môn 30g, a giao 15g, tri mẫu 12g, bối mẫu 10g. Sắc uống ngày 1 thang. Trị ho, khó thở, đờm ít có máu do phế thận âm hư.
Thanh nhiệt trừ phiền: Chữa sốt kéo dài do ngoại cảm hoặc bệnh nội thương lâu ngày:
- Tây dương sâm 8g, mạch môn 30g, ngũ vị 5g, sinh địa tươi 30g, thạch hộc tươi 30g. Sắc uống ngày 1 thang. Bổ khí dưỡng âm, sinh tân, thanh nhiệt. Chữa người mệt mỏi bứt rứt, nóng sốt, phiền khát.
- Tây dương sâm 5g, sinh hoàng kỳ 20g, sinh sơn dược 20g, thiên hoa phấn 15g. Sắc uống ngày 1 thang. Chữa chứng tiêu khát do khí âm lưỡng hư kiêm nội nhiệt.
Kiêng kỵ: Không dùng cho người có chứng dương hư, hàn thấp ở tràng vị, hỏa uất khí trệ. Không dùng chung với lê lô.
TS.Nguyễn Đức Quang
0 nhận xét:
Đăng nhận xét