Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

Đông trùng hạ thảo – từ truyền thuyết đến thực tế

Đông trùng hạ thảo (ĐTHT) là một vị thuốc quý hiếm, được sách y học cổ truyền Trung Quốc coi như là vị thuốc cải lão hoàn đồng, hồi xuân sinh lực, các vua chúa thời xưa tin dùng.
Nước ta không có loại thuốc này. Sản phẩm dùng trên thị trường phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc Nhật Bản… với giá khá đắt và có nhiều loại kể cả dạng đã bào chế dùng để uống. Tuy nhiên, ngoài những tác dụng được thổi phồng một cách thái quá, người tiêu dùng nên đề phòng mua phải ĐTHT giả.
Vừa là cây, vừa là con
ĐTHT là một dạng cộng sinh giữa một loài nấm túi với sâu non của một loài côn trùng thuộc chi Hepialus. Vào mùa đông nấm bắt đầu ký sinh vào sâu non và làm chết sâu non vì ăn hết chất dinh dưỡng của chúng. Mùa hè ấm áp nấm bắt đầu mọc ra khỏi sâu như một ngọn cỏ và vươn lên khỏi mặt đất. Đầu của ngọn nấm là một thể đệm hình trụ thuôn nhọn. Vị thuốc Đông y này vì “mùa đông trông tựa con bọ, mùa hè trông tựa cọng cỏ” mà có tên là “Đông trùng hạ thảo”. Vị thuốc này có chứa các thành phần bổ dưỡng như protein, chất béo, chất thô dạng xơ, carbon hydrate, nhiều loại vitamin, sellar, cordycepose, cordicepic acid, amino acid và các nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể như sắt (Fe), phốt pho (P), canxi (Ca), kẽm (Zn), mangan (Mn), sêlen (Se)… ĐTHT chứa 25 - 32% protid khi thủy phân cho tới hàng chục acid amin khác nhau như aspartic acid, glutamic acid, serine, histidine, glucine, threonine, arginine, tyrosine, alanine, triptophane, methionine, valine, phenylananine, isoleucine, leucine, omithine, lysine, chất béo; D-manitol; các vitamin… Cái sinh vật “vừa cây vừa con” này được Đông y coi là một loại thuốc quý, vì có nhiều hoạt chất dùng để chữa các loại bệnh nan y. 

Nếu coi ĐTHT là hai giai đoạn trong một cuộc đời của sinh vật này thì đúng như tên gọi, nó vừa là cây vừa là con. Nhưng thực ra, hai giai đoạn ấy là riêng biệt nhưng nối tiếp nhau. ĐTHT đã phơi khô có hai phần rõ rệt: phần dưới là một con sâu và từ đầu con sâu ấy mọc lên một mầm lá. Vì các loài nấm này chỉ phân bố ở châu Á và châu Úc, đặc biệt là các cao nguyên cao hơn mặt biển từ 4.000 đến 5.000m như Tây Tạng, Tứ Xuyên, Thanh Hải, Cam Túc, Vân Nam... nên ở những vùng này người ta đi thu nhặt, phơi khô để bán. Và đó mới là ĐTHT thứ thiệt. ĐTHT khi còn sống, có thể thấy rõ hình con sâu, với đuôi là một cành nhỏ, mọc lá. Phần “lá” hình dạng giống ngón tay, dài khoảng 4 - 11cm do sợi nấm mọc dính liền vào đầu sâu non mà thành. Sâu non giống như con tằm, dài chừng 3 - 5cm, đường kính khoảng 0,3 - 0,8cm. Bên ngoài có màu vàng sẫm hoặc vàng nâu với khoảng 20 - 30 vằn khía, đầu có màu nâu đỏ, đuôi giống như đuôi con tằm, có tất cả 8 cặp chân, nhưng 4 đôi ở giữa là rõ nhất. Chất đệm nấm hình que cong mọc ra từ mình sâu non, dài hơn sâu non một chút. Sâu non dễ bẻ gãy, ruột bên trong căng đầy, màu trắng hơi vàng; chất đệm nấm khá dài và bên trong ruột hơi rỗng, có màu trắng ngà.  
Coi chừng “đông trùng hạ thảo” giả 
Vì là vị thuốc quý hiếm nên trên thị trường xuất hiện nhiều loại ĐTHT giả. Hàng giả thường được chế bằng thân củ của địa tàm và thảo thạch. ĐTHT giả có cạnh gờ hơi cong và số đốt là 3 - 15, bên ngoài có màu vàng nhạt, dài độ 2 - 3cm, giòn hơn so với thông thường, khi cắt ra thì có màu trắng. Một số loại ĐTHT giả do Trung Quốc sản xuất được làm từ bột ngô, bột mạch hay thạch cao… Chúng được sản xuất bằng cách gia công ép màng nên bên ngoài có màu trắng ngà, hình sâu non nhẵn bóng, rõ các vằn khía, mặt cắt có màu trắng nhạt. Cầm thấy nặng, không nhẹ bông như thật, khi nhai lâu thì dính răng. Hàng giả thì sâu non không có chân, vị ngọt, dính.
Tác dụng của Đông trùng hạ thảo
Trên lâm sàng, các nhà y học cổ truyền Trung Quốc đã nghiên cứu dùng ĐTHT điều trị và hỗ trợ điều trị thành công khá nhiều bệnh như rối loạn lipid máu, viêm phế quản mạn tính và hen phế quản, viêm thận mạn tính và suy thận, rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, viêm mũi dị ứng, viêm gan B mạn tính, ung thư phổi (có tác dụng hỗ trợ) và thiểu năng sinh dục. Người ta cũng đã dùng ĐTHT điều trị cho các bệnh nhân bị liệt dương đạt kết quả khá tốt, có khả năng cải thiện đời sống tình dục trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua tác dụng nâng đỡ và bồi dưỡng cơ thể. Điều này đã được y học cổ truyền biết đến từ rất sớm. Theo các sách cổ, ĐTHT vị ngọt, tính ấm, vào hai đường kinh thận và phế, có công năng dưỡng phế, bổ thận, ích tinh, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như phế hư khái suyễn, thận suy dương nuy (liệt dương), di tinh, lưng gối mỏi đau.
Mấy năm gần đây, các nhà y học nghiên cứu phát hiện ĐTHT có tác dụng ức chế trực khuẩn lao rất rõ rệt, có thể phòng ngừa, chữa trị các tổn thương thận do dược phẩm, nâng cao chức năng miễn dịch của tế bào có công hiệu điều trị nhất định đối với bệnh nhân viêm gan B, ngăn chặn xơ gan. Ngoài ra, kết quả thực nghiệm của các nhà khoa học Nhật Bản còn cho thấy, nó có tác dụng thúc đẩy tế bào lá lạch nội tiết ra insulin và nó chỉ khởi động tác dụng khi trị số đường máu vượt quá ngưỡng bình thường.
ThS LÊ QUỐC THỊNH

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons