(SKDS) - Cây cơm cháy còn có tên là cây thuốc mọi, sóc dịch, tiếp cốt thảo (cỏ nối liền xương),.... là loại cây nhỏ, lá mọc đối, phiến lá dạng lông chim, mép có răng cưa nhỏ, nhẵn. Hoa nhỏ màu trắng, mọc thành xim kép, mang hoa không cuống. Hoa tràng hình bánh xe, bao phấn hướng ra phía ngoài. Quả mọng hình cầu chứa 2-3 hạt dẹt. Cơm cháy là loài cây mọc hoang dại và được trồng khắp nơi. Thường thấy ở ven suối, bờ khe, còn được trồng để làm cảnh hoặc dùng làm thuốc. Bộ phận được sử dụng làm thuốc là lá, vỏ cây, hoa và quả. Có thể thu hái quanh năm lá và vỏ, nhưng hoa và quả phải thu hái vào mùa Hè và Thu. Dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô.
Cây cơm cháy có vị chua, tính ấm. Có tác dụng khử phong trừ thấp, hoạt huyết tán ứ. Dùng chữa phong thấp đau nhức, cước khí phù thũng, kiết lỵ, hoàng đản, viêm khí quản mạn, phong chẩn, mụn nhọt lở loét sưng đau, đòn ngã chấn thương…
Cây cơm cháy
|
Một số bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian
Chữa tiểu tiện nhỏ giọt: Dùng rễ cây cơm cháy 90 - 120g, hầm với 200g thịt lợn, chia 2 lần ăn nhiều lần trong ngày. Mỗi liệu trình 10 ngày.
Chữa ghẻ lở, vết thương: Dùng lá cơm cháy 20g, sắc lấy nước đặc, rửa vào vết thương. Dùng liền 5 ngày.
Chữa chấn thương bầm tím, đau nhức người do ngã: Dùng rễ cây cơm cháy 20g, sắc 500ml nước và 200ml rượu, đun nhỏ lửa còn 200ml, lọc bỏ bã, thêm 30g đường trắng trộn đều uống. Dùng mỗi liệu trình 5 ngày. Ngoài ra, dùng rễ cây cơm cháy 20g phần, giã nát, cho thêm ít rượu, trộn đều, sao nóng, đắp lên những chỗ sưng rồi dùng băng cố định lại, sau 3 giờ thay thuốc, ngày đắp 2 lần.
Chữa mẩn ngứa do thời tiết: Dùng cành lá cây cơm cháy 30g, đổ 800ml nước, đun nhỏ lửa, sắc lấy nước đặc rửa chỗ da tổn thương hoặc tắm.
Hỗ trợ điều trị phong thấp, khớp xương sưng đau: Dùng rễ cây cơm cháy 20 - 30g sắc nước 700ml nước, uống trong ngày; đồng thời nấu lấy nước đặc rửa chỗ đau.
Lương y Hữu Đức
0 nhận xét:
Đăng nhận xét