Cây cao khoảng 1m hay hơn, sống lâu năm. Thân hình trụ rỗng, không phân nhánh. Lá to có cuống, phần dưới phát triển thành bẹ ôm lấy thân, phiến lá xẻ 2-3 lần lông chim, mép khía răng, có lông ở gân lá mặt trên. Cụm hoa tán kép mọc ở ngọn. Hoa nhỏ màu trắng. Quả bế, dẹt.
Theo nghiên cứu dược lý, bạch chỉ có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, giảm đau,… Theo Đông y, bạch chỉ có tác dụng tán phong trừ thấp, thông khiếu, giảm đau, tiêu thũng trừ mủ,… Thường được dùng làm thuốc giảm đau, chữa cảm mạo, viêm xoang, viêm mũi, mụn nhọt sưng đau, viêm tuyến vú, thông kinh nguyệt,…
Cây bạch chỉ |
Một số đơn thuốc thường dùng:
Chữa cảm lạnh: Bạch chỉ 3g, đậu khấu 3g, cam thảo 3g, sinh khương 5g, thông bạch 3g, đại táo 6g. Sắc uống cho ra mồ hôi thì thôi.
Chữa viêm mũi sinh đau đầu: Bạch chỉ 9g, thương nhĩ tử 9g, tân di 9g, bạc hà 4,5g. Tán mịn, mỗi lần uống 3g, ngày 2 - 3 lần. Dùng 3 - 5 ngày.
Chữa mụn nhọt đau nhức, mưng mủ, nhưng chưa vỡ: Bạch chỉ 3g, thanh bì 3g, đương quy 4g, tạo giác thích 2g, xương truật 3g, ý dĩ 6g. Sắc uống ngày 1 thang. Dùng 3 ngày.
Chữa đau bụng kinh: Bạch chỉ 8g; ngưu tất, đan sâm, mỗi vị 12g; quế chi, can khương, bán hạ chế, uất kim, mỗi vị 8g. Sắc uống trong ngày. Dùng 5 ngày trước kỳ kinh.
Chữa bế kinh do ứ trệ máu: Bạch chỉ 8g; đan sâm, ngưu tất, mỗi vị 12g; xuyên khung 10g; quế chi, tía tô, uất kim, nga truật, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang. Dùng 5 - 7 ngày trước kỳ kinh.
Trị hôi miệng: Bạch chỉ 30g, xuyên khung 30g. Tán bột, trộn mật làm viên to bằng hạt ngô, ngày ngậm 2 - 3 viên. (Dược liệu Việt Nam).
Chú ý: Người có âm hư hỏa uất, nhiệt thịnh không nên dùng.
Bác sĩ Nguyễn Thị Nga
0 nhận xét:
Đăng nhận xét