Thứ Tư, 12 tháng 11, 2014

Giảm đau do viêm họng với cây hồng bì

Hồng bì là cây mọc hoang và được trồng nhiều ở miền Bắc nước ta để dùng làm thuốc và lấy quả ăn. Bộ phận dùng làm thuốc là rễ, lá, quả và hạt. Thu hái rễ, lá quanh năm, thu hái quả cả vỏ khi quả chín hoặc dùng hạt phơi khô. Cây ra hoa vào tháng 4 - 5, có quả tháng 6 - 8.
Hồng bì còn có tên khác là hoàng bì, quất hồng bì, nhâm, thuộc loại cây nhỡ. Lá kép mọc so le, hình trái xoan. Hoa trắng mọc thành chuỳ thưa ở ngọn. Quả hình cầu, khi chín có màu vàng, nâu, có 1 - 2 ngăn, chứa một hạt to; thịt quả ngọt thơm.
Theo y học cổ truyền, lá hồng bì có vị đắng và cay, tính bình; có tác dụng hạ nhiệt, làm long đờm; thường dùng trị cảm mạo, nhiễm lạnh, hạ sốt. Nhân dân còn dùng lá nấu nước gội đầu cho sạch gàu, trơn tóc và nấu nước xông chữa thấp khớp. Rễ và hạt có vị đắng và cay tính hơi ấm; có tác dụng giảm đau, lợi tiêu hóa, tiêu phù; thường dùng trị đau dạ dày, đau thượng vị, đau bụng kinh, tiêu hóa kém; quả có vị ngọt và chua, tính hơi ấm; có tác dụng chữa ho, long đờm kích thích tiêu hoá, chữa nôn mửa,…
Giảm đau do viêm họng với cây hồng bì
Giảm đau do viêm họng với cây hồng bì
Cây và hạt hồng bì có tác dụng giảm đau, kích thích tiêu hóa.
Một số đơn thuốc thường dùng:
Giải cảm, hạ sốt: Lá quất hồng bì tươi 30g, rửa sạch, phơi khô, sắc uống cho ra mồ hôi.
Giảm đau do viêm họng: Quả quất hồng bì 2 - 3 quả ngậm với vài hạt muối, ngậm 3 - 4 lần trong ngày sẽ giúp làm dịu họng, giảm đau rát và giảm ho do viêm họng.
Chữa ho: Quả hồng bì tươi 4 - 5 quả, hấp với một chút đường phèn cho trẻ ăn ngày 3 lần sáng, trưa, tối có tác dụng kích thích hệ hô hấp, giúp long đờm, giảm ho ở trẻ hoặc ho do cảm rất tốt. Trong trường hợp ho gà: Dùng quả hồng bì, vỏ rễ dâu, cam thảo, mỗi thứ 10g, sắc nước uống trong ngày. Dùng 5 - 7 ngày.
Kích thích tiêu hóa: Rễ cây quất hồng bì 30g, rễ sử quân 20g, quả khế chua 20g. Các vị sao vàng, sắc đặc, chia uống nhiều lần trong ngày. Dùng 3 - 5 ngày.
Cầm nôn mửa: Quả hồng bì tươi nhai cả vỏ, nuốt nước dần dần.
Giảm đau dạ dày: Dùng hạt hồng bì, phơi hay sấy khô, sao thơm, tán mịn ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 6 - 10g; chiêu bằng nước hoặc rượu nhạt.
Trị gàu và làm đẹp tóc: Dùng lá hồng bì nấu nước gội đầu thường xuyên có tác dụng làm sạch da đầu, trị gàu và trơn tóc.
Bác sĩ  Nguyễn Thị Nga

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons