Với tên cúng cơm là mentha (mint), dòng họ mint có rất nhiều gia tộc, trong đó húng lủi (spearmint) là một thành viên. “Tuyệt chiêu” của húng lủi là làm dịu đi những cồn cào khó chịu ở dạ dày. Cho dù là chỉ vài lá bỏ vào tách trà nóng hoặc vài cọng đủ làm chén cơm thêm phần hương vị thì húng lủi đều có khả năng phát huy tối đa công dụng. Một loại hương liệu có trong lá húng lủi sẽ kích hoạt tuyến nước bọt cũng như các tuyến khác tham gia quá trình tiêu hóa, làm cho các tuyến này tiết ra những men (enzyme) tiêu hóa.
Đâu chỉ có thế, húng lủi còn giúp cải thiện hội chứng kích ứng ruột, làm chậm sự tăng sinh của vi khuẩn và các loại nấm gây bệnh. Húng lủi cũng có công trong điều trị bệnh suyễn, các bệnh về hô hấp do khả năng làm “nguội” và làm dịu cổ họng, mũi, các ống hô hấp...
Húng lủi giúp cải thiện hội chứng kích ứng ruột, làm chậm sự tăng sinh của vi khuẩn và các loại nấm gây bệnh (Ảnh: Internet)
Hiện nay, người ta dùng húng lủi trong nhiều lĩnh vực khác nhau như thực phẩm (kem, rượu, bia...), mỹ phẩm, dược phẩm. Ngành công nghiệp thuốc lá cũng không thể không “ăn theo”. Thế nên có một điều quan trọng cần lưu ý: Hóa chất nổi tiếng tồn tại trong húng lủi là menthol, các nhà sản xuất thuốc lá đã đưa menthol vào thuốc lá để đem lại vị the và hương thơm. Đã có những khuyến cáo rằng phụ nữ hút nhiều thuốc lá có nhiều menthol càng khó có khả năng sinh nở, còn đàn ông hút nhiều sẽ dễ bị bất lực. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn không biết chắc rằng menthol có phải là “đồng phạm” với khói thuốc hay không.
Có nhiều “tin đồn” cho rằng húng lủi có khả năng cải thiện các hoạt động của não. Tuy nhiên, tin đồn này vẫn chưa được minh chứng bằng “giấy trắng mực đen”. Một “bà con của húng lủi là húng bạc hà (peppermint) cũng có tác dụng tương tự (chớ nhầm lẫn với cây bạc hà có hình thù giống cây khoai môn mà người miền Nam thường dùng để nấu canh chua).
Theo DS Nguyễn Bá Huy Cường (Người lao động)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét