Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2015

Cây ráy ngứa trong thuốc và thức ăn dân tộc

Cây ráy ngứa trong thuốc và thức ăn dân tộc


Trong kho tàng dược liệu Việt Nam thì Ráy là một trong số cây thuốc Nam độc đáo được chú ý nghiên cứu sâu gần đây. Ông thân sinh chúng tôi (Phó Đức Thành) rất tâm đắc cây khoai ngứa này và đã để lại nhiều quan tâm về Ráy (xin xem bản vẽ tay Lá ráy dại tại Sa Pa là A. odora của ông cách đây tròn 40 năm, từ 20/11/1967). Bài viết này xin giới thiệu một số tư liệu thâu thập bước đầu về loài cây này cùng những ứng dụng trong làm thuốc và thức ăn cho người và gia súc..

Ráy dại, Ráy khôn 
Ở Việt Nam, chi Ráy có 7 loài và thường gặp trong sử dụng 2 loài là Alocasia macrorrhizos (L) Don và Alocasia odora (Lindl) K. Roxb. Theo N.Đ. Khôi thì trong dân gian chia làm 2 loại ráy:
- Khoai ráy khôn - lá màu tía và xanh, phủ phấn trắng, mép lá lượn sóng, củ không ngứa hoặc ít ngứa thường dùng cho người làm thức ăn.
- Khoai ráy dại - lá màu xanh nhạt không tía. Rất ngứa thường chỉ dùng nấu cho lợn ăn. 
Một số nhà khoa học chưa thống nhất dùng những tiêu chí trên để phân biệt 2 loại Ráy và thường phân biệt A.macrorrhizos có gốc lá chia 2 thuỳ tròn, sâu đến sát đầu cuống lá. Còn Ráy A.odora có gốc lá chia 2 thuỳ sâu tròn dính liền nhau một đoạn dài 2 - 4cm ở gần sát đầu cuống lá. Tuy vậy, phân biệt theo hoa vẫn phải là chủ đạo. Còn tiêu chí “ngứa” thì rất tiếc các tài liệu khoa học đó đều không quan tâm trong khi nó có giá trị lý thuyết và thực dụng rất lớn. Một số lương y và nhà y dược học hiện đại từ lâu đã bị hấp dẫn bởi những ẩn dụ của cái ngứa này để đi sâu nghiên cứu Ráy.
Ở Việt Nam, Ráy mọc hoang rất nhiều trong rừng, nơi ẩm ướt, ven suối, thung lũng núi đá. Nhiều nơi đem về trồng quanh năm nuôi lợn và có kinh nghiệm trồng Ráy chen chuối thì chuối tốt hơn.
Khoai ráy (dọc, củ) dùng tươi ủ chua với các loại rau bèo khác, hay thái phơi khô dự trữ. Khoai ráy là thức ăn chính của lợn ở đồng màu, trung du, và miền núi. Tỷ lệ protein của cây Ráy nhiều gấp 3 lần cây khoai nước. Những nơi nuôi lợn bằng ráy đều nhận xét “lợn rất thích ăn, chóng lớn, mau béo, da lông bóng mượt”. Điều đó lý giải tại sao trong tranh dân gian luôn vẽ lợn kèm theo cây Ráy như hình với bóng vậy.
Theo tạp chí Dược học số 376 (8/2007) các tác giả Lê Ngọc Kính (ĐHYD Huế) và Somsak Nualkaew (ĐHD Mabnarakham -Thái Lan) cho biết Ráy Arocasia odora Roxb trong thân rễ có một lượng đáng kể phytosterol (bao gồm sitosterol 57.06%, stigmasterol 25.4% và campesterol 17.54%). Đó là chất có trong thức ăn có khả năng hạ cholesterol máu đã được biết đến từ hơn 50 năm nay qua cơ chế cạnh tranh hấp thu với cholesterol trong thức ăn.
Trong dân gian thường ưa dùng loại Ráy ngứa (ráy dại) nhất vì khi bị tổn thương có ngứa, đau, nhức thì mới “đã ngứa và chóng khỏi” (?). Nếu thấy ngứa trở lại là bệnh thuyên giảm (?). Có người lại nói phải dùng loại ngứa (ráy dại) để chữa bệnh mới hợp lý “dĩ độc trị độc”. Chưa có công trình khoa học nào giải đáp thắc mắc quan trọng này. Gần đây, nhiều bài báo đã cho biết thêm công dụng hiệu nghiệm của Ráy nhưng vẫn không quan tâm xác định nguồn gốc thực vật học ghi tên khoa học, để phân biệt Ráy khôn hay Ráy dại, và loại ngứa nhiều hay ít (hiếm có trường hợp được nói rõ như BS. Trang Xuân Chi trên TSK 221) . Trong bối cảnh hiện nay nếu để ưu tiên tính an toàn thì nên phổ cập loại Ráy khôn (ít ngứa). Trường hợp không có Ráy khôn thì dùng Ráy dại (ngứa nhiều) với sự thận trọng: nếu uống trong thì phải ngâm nước gạo qua đêm, sáng mai để ráo rồi sao vàng hạ thổ, nấu kỹ để uống. Còn dùng ngoài thì chỉ cần giã nhỏ để đắp rửa. Dạng khô tán bột, cất để dùng thì tiện lợi hơn cả. Tránh để xảy ra “ngứa móc họng” như trường hợp chị Phạm Thị Ng. 18 tuổi (Nam Định) đi làm đồng về tối, đói bụng mò khoai lang sống ăn tạm lại lấy nhầm khoai Ráy của lợn. Bị ngứa, chị móc họng để nôn, nhưng không có kết quả, ngứa tiếp khắp miệng, họng, chảy nước miếng nhiều, rồi cứng lưỡi không nói được nữa, không há được miệng, môi sưng. Chị đã tự dùng thuốc chống dị ứng cũng không có hiệu quả, nên gia đình phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện…
Công dụng của cây Ráy tài liệu có ghi rất nhiều. Sau đây chỉ chọn một số với tiêu chí phổ cập và tương đối an toàn.
* Kinh nghiệm chữa thống phong bằng Củ ráy và Chuối hột của BS. Trang Xuân Chi (TSK 221. tr.14): Trong bài, có nói Ráy dại (Dã vu) Alocasia macrorrhiza L Schott rất ngứa, củ 1 năm tuổi, mùi bốc gây khó chịu làm sổ mũi hắt hơi. Củ ráy sao vàng 50g, Chuối hột quả chín thái mỏng sao vàng 30g, sắc uống liên tục. Với bài thuốc này ông A.S. ở Bình Dương đã áp dụng có kết quả (TSK246, tr.32). Ông có bổ sung thêm là Củ ráy loại trắng hoặc vàng đều được, nhưng không nên dùng củ quá non. Dùng dao gọt sạch vỏ, bào mỏng phơi khô sao vàng, mỗi lần nấu độ 50g. Uống trong hai tháng thấy tiêu hết các khổi u gút ở các khớp. Phải kiêng kỵ các thức ăn thường phải kiêng đối với bệnh thống phong.
* Hạn chế tổn thương da trong xạ trị ung thư.
Khoa khối u bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) đã cho ra sản phẩm KT1 làm từ Củ ráy. Trên lâm sàng cho thấy nhóm dùng thuốc có mức độ tổn thương da thấp hơn xấp xỉ 2 lần và bị tổn thương chậm hơn so với nhóm đối chứng. Có hai bệnh nhân bôi thuốc lần đầu bị ngứa, nhưng đến lần bôi thứ 5 thì hết ngứa. Công trình chưa đề cập được ảnh hưởng của thuốc lên quá trình điều trị bệnh chính là ung thư như thế nào?
* Mẩn ngứa mạn tính. Củ ráy gọt sạch vỏ, xắt mỏng nấu với muối đem xông hoặc rửa (không được pha nước lạnh). GS. Lê Quang Toàn (ĐH Dược HN) từ lâu ấp ủ nhiều ý tưởng về cây Ráy ngứa. Ông sưu tầm được kinh nghiệm chữa ngứa ở người già bằng cách chọn Củ ráy cao từ 1 m trở lên thái lát phơi khô tán bột. Mỗi khi cần, nấu với nước cho sôi 1 tiếng trở lên để có dạng hơi đặc, bôi lên chỗ ngứa rất công hiệu.
* Nấm kẽ chân. Lá ráy 50g, Lá trầu không 8g, cho nước đủ ngập, đun sôi để nguội, ngâm chân.
* Nhọt: Nấu cao dán nhọt  (thường là chế phẩm của một số nhà thuốc gia truyền). Củ ráy tươi 80 - 100g, Nghệ 60g. Củ ráy rửa sạch, gọt vỏ, giã nát nhừ hai thứ, cho dầu vừng nấu nhừ, thêm dầu thông, sáp ong quấy đều để nguội rồi phết lên giấy để dán lên nhọt. Nếu nhọt mới mọc sẽ tan, nhọt mọc rồi sẽ hút mủ.
* Ong đốt: Cắt lát Củ ráy đắp lên chỗ bị ong đốt.
* Rắn cắn. Tuỳ theo độ tuổi dùng 10 - 20g Củ ráy giã nát, nửa đắp lên chỗ bị cắn, nửa quấy nước cho uống. Nên uống đến khi thấy ngứa chứng tỏ nọc độc đã hết (?).
* Sốt rét cơn. Củ ráy gọt vỏ, thái mỏng 3 mm , ngâm nước vo gạo 1 ngày đêm, rửa sạch hong khô, tẩm nước muối và Gừng 1 ngày đêm, sấy khô. Khi gần lên cơn, sắc uống.
* Sốt không ra mồ hôi. Củ ráy xắt mỏng, sao vàng hạ thổ, sắc kỹ cho uống nóng. Bên ngoài, dùng xoa xát khắp người.
* Chữa ghẻ: Giã Củ ráy tươi xoa xát vào chỗ ghẻ.
* Sưng đau tay chân: Củ ráy giã nát nhuyễn, xào với giấm bó vào chỗ sưng.
* Gãy xương. Bột Củ ráy khô bó lại.
* Cầm máu: Bột Củ ráy khô rắc vào chỗ chảy máu.
* Phong đờm tắc nghẹt cổ. Củ ráy 4 - 8g thái mỏng ngâm nước vo gạo sao vàng hạ thổ sắc đặc uống.
* Chống ngứa: Nếu đụng phải lá Han thì dùng Ráy chữa ngứa mới hết. Nếu ăn, uống Ráy bị ngứa thì giải ngứa bằng Gừng tươi với Cam thảo.
Hiện còn chưa rõ với các bệnh khác: Đau bụng, nôn mửa, viêm phổi, thũng độc…
Nghiên cứu dược lý Tây y: Flavonoit chiết từ Củ ráy sơ bộ thấy có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm, khử gốc tự do (?). Thử nghiệm lâm sàng flavonoit Củ ráy trên tổn thương của bệnh phong đã được kết quả bước đầu.
Vào dịp Tết nguyên đán của dân tộc Tày (ở huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng nơi có trận đánh lịch sử Đông Khê), đòng bào làm bánh có tên dân tộc là “Pẻng khua” (bánh cười). Củ ráy loại cây “xanh biếc, cực kỳ ngứa” được đồng bào dân tộc thường nấu cám lợn, giã nhuyễn lấy nước để ngâm với gạo nếp đã được vo đãi sẵn rồi đem đồ xôi. Giã xôi nhuyễn bết để dàn mỏng thành tấm, đem phơi cho se, cắt thành miếng cỡ đầu ngón tay lại phơi cho thật khô, rồi mới cho vào chảo mỡ rán phồng bằng quả trứng gà, nhào đường bọc ngoài bánh.
Vào dịp Tết nguyên đán đồng bào làm nhiều loại bánh, nhưng “Pẻng khua là vô địch vì ăn không biết chán”, lại dễ bảo quản, cả tuần lễ vẫn còn thơm ngon đậm đà. ông Đoàn Lư nói: “Giá như được quan tâm nghiên cứu, rất có thể Pẻng khua Đông Khê cũng có mặt trên thị trường để trở thành một món ăn đặc sản làm phong phú thêm các loại bánh kẹo Việt Nam…” Và theo thiển ý của chúng tôi, nếu bánh có tác dụng dược lý, nó sẽ trở thành một loại bánh thuốc đặc sắc của dược thiện Đông y Việt Nam với khả năng nâng cao sức đề kháng cho đồng bào miền núi xa xôi hẻo lánh, phòng chống có hiệu quả các loại bệnh viêm nhiễm tại địa phương.

Phó Đức Thuần (CTQ số 96)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons