Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Củ năn thanh nhiệt, hóa đàm

Củ năn còn gọi là bột tề, mã thầy. Tên khoa học: Eleocharis plantaginea R.Br.. họ Cói (Cyperaceae). Cây năn là loại cỏ, thích sống dưới nước, nên được trồng ở vùng ao hồ hay vùng ngập. Bộ phận dùng là củ. Củ năn chứa nhiều tinh bột, protein và ít đường. Theo Đông y, củ năn vị ngọt đắng, tính bình; vào phế vị. Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu tích hoá đàm. Dùng cho các trường hợp sốt nóng mất nước, đau họng, đau mắt đỏ, vàng da sốt, tiểu ít, phù nề, viêm đường tiết niệu, đầy bụng không tiêu.
Liều dùng cách dùng: 60 - 120g; ăn sống; ép vắt nước; nấu.
Một số bài thuốc và món ăn có củ năn dùng chữa bệnh:
Chữa phù thũng, tiểu tiện khó khăn: Củ năn 15 – 20g, lô căn 30g. Sắc nước uống trong ngày.
Nước hãm bột tề (củ năn): Bột tề (củ năn) 120g, đập giập, sắc uống thay nước chè. Dùng cho các bệnh nhân vàng da, tiểu ít.
Củ năn (mã thầy).
Củ năn ngâm rượu: Củ năn, chọn các củ không giập vỡ, rửa sạch để khô, đổ rượu ngâm 3 tuần. Mỗi lần nhai ngậm và nuốt với chút nước và rượu. Ngậm và nuốt khi đói. Dùng cho các trường hợp có hội chứng lỵ amip cấp.
Lòng lợn nhồi củ năn: Củ năn gọt bỏ vỏ, thái lát, cho vào đoạn ruột lợn (lòng lợn) buộc hai đầu, đem luộc nhừ trong xoong hoặc nồi đất, không cho muối. Dùng cho bệnh nhân đầy trướng bụng.
Nước ép củ năn hoà rượu: Nước ép củ năn nửa cốc, hòa chung nửa cốc rượu trắng nhạt cho uống. Dùng cho các trường hợp đại tiện xuất huyết.
Nước ép củ năn: Củ năn 120g ép lấy nước, để lạnh cho uống. Dùng cho các trường hợp đau sưng họng, viêm họng.
Nước sắc củ năn cỏ tranh: Củ năn 120g, bạch mao căn 100g. Củ năn gọt vỏ, ép lấy nước, bạch mao căn nấu lấy nước, đem hòa với nước củ năn, thêm chút đường trắng, cho uống dần dần như uống nước trà. Dùng cho bệnh nhân vàng da, phù nề, tiểu ít.
Canh củ năn: Bột củ năn 250g, bột mứt hồng thị 6g, cát cánh 12g, tử tô 12g, xuyên bối mẫu 10g. Ba vị cùng sắc lấy nước. Dùng nước sắc nấu với bột củ năn, bột mứt hồng thị. Cho ăn ngày 1 lần, đợt dùng 5 - 7 ngày. Dùng cho bệnh nhân viêm họng mạn tính, có triệu chứng viêm teo niêm mạc và đau rát họng, ho khan ít đờm.
Kiêng kỵ: Người tỳ vị hư hàn không dùng.
TS. Nguyễn Đức Quan

Củ riềng: Gia vị, vị thuốc




Củ riềng là củ của cây riềng. Cây riềng là loại cây nhỏ, thân rễ mọc bò ngang, dài. Cụm hoa mặt trong màu trắng, mép hơi mỏng, kèm hai lá bắc hình mo, một màu xanh, một màu trắng. Lá không cuống, có bẹ, hình mác dài. Củ riềng có tên là phong khương, cao lương khương, tiểu lương khương, có khá (Thái), kìm sung (Dao). Ở nước ta, cây riềng mọc hoang và được trồng ở khắp nơi, không chỉ được dùng làm gia vị mà còn được sử dụng làm thuốc. Bộ phận làm thuốc rễ (củ) phơi khô. Cách chế biến: Đào rễ, rửa sạch đất, cắt bỏ rễ con rồi cắt thành từng đoạn 2-3cm, phơi khô. Riềng được dùng cả trong y học hiện đại và y học cổ truyền. Theo nghiên cứu hiện đại, thành phần hóa học của riềng có khoảng 1% tinh dầu, có mùi thơm long não, chủ yếu có xineola và metylxinnamat. Ngoài ra, còn có chất dầu vị cay gọi là galangola được dùng để làm thuốc kích thích tiêu hóa, chữa đầy hơi... Trong y học cổ truyền, củ riềng có vị cay thơm, tính ấm vào hai kinh tỳ và vị, có tác dụng ôn trung, giảm đau, tiêu thức ăn chữa đau bụng do lạnh, phong thấp, sốt rét, hắc lào, lang ben...







Bài thuốc chữa bệnh có sử dụng riềng

Chữa đau bụng do lạnh: Củ riềng 20g, nụ sim 8g, búp ổi 60g, tất cả sấy khô, tán bột. Ngày uống 3 lần sau ăn, mỗi lần 5g với nước sôi để nguội. Hoặc củ riềng 200g, quế 120g, hậu phác 80g, sấy khô. Sắc uống mỗi lần 12g với 200ml nước, còn 50ml uống trong ngày. Dùng trong 2-4 ngày.

Chữa phong thấp: Riềng, vỏ quýt, hạt tía tô mỗi vị 60g, sấy khô, tán nhỏ, mỗi lần dùng 4g, có thể pha với một chén nước sôi để nguội hoặc rượu, uống ngày 2 lần. Dùng trong 5-7 ngày.

Chữa sốt rét: Bột riềng 300g, bột quế khô, bột thảo quả mỗi thứ 100g, tất cả đem trộn với mật làm viên to bằng hạt ngô. Mỗi ngày dùng 15 viên trước khi lên cơn. Hoặc riềng tẩm dầu vừng sao 40g, gừng khô nướng 35g tán nhỏ, hòa mật lợn làm hoàn thành viên bằng hạt ngô, uống ngày 15-20 viên.

Trị chứng đầy bụng, khó tiêu: Riềng thái lát mỏng, đem muối chua, khi dùng có thể ngậm với vài hạt muối hoặc nhai nuốt dần. Ngày dùng 2-3 lần.

Chữa đau dạ dày do hư hàn (Đau có thời gian nhất định, gặp lạnh hay đói đau nhiều, đầy bụng, nôn nước trong, đại tiện lỏng, ăn uống không ngon, sợ lạnh, lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch trầm): Củ riềng, hương phụ mỗi vị 8g, bách hợp, đan sâm mỗi vị 30g, ô dược 10g, đinh hương 7g, sa nhân 4g. Sắc với 3 bát nước còn 1 bát, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng trong 5 ngày.

Chữa hắc lào: Củ riềng già 100g, giã nhỏ, ngâm với 200ml rượu hoặc cồn 70 độ. Chiết ra dùng dần, khi dùng, bôi dung dịch cồn nói trên vào chỗ tổn thương, ngày bôi 2-3 lần.
Chữa lang ben: Củ riềng 100g, lá và củ chút chít 100g, chanh một quả, hai thứ giã nát rồi vắt nước chanh, đun nóng. Khi dùng lấy bông y tế thấm dịch thuốc bôi đều lên vùng tổn thương, ngày bôi 2 lần. Dùng trong 5-7 ngày.
Bác sĩ Nguyễn Huyền

Nấm mèo - Dược thiện tốt cho phụ nữ

Nấm mèo chính là mộc nhĩ, một loại thức ăn rất quen thuộc đối với văn hóa ẩm thực của các dân tộc châu Á, đặc biệt vào các dịp cỗ bàn ngày Tết, ngày giỗ, cưới...
Nấm mèo được sử dụng rất nhiều trong các món ăn và bài thuốc.
Món ăn có nấm mèo (mộc nhĩ)
Cháo mộc nhĩ: Mộc nhĩ 30g, gạo tẻ 100g, đại táo 5 quả. Có tác dụng nhuận phế, sinh tân, tư ân dưỡng vị, ích khí chỉ huyết, bổ não cường tâm. Dùng cho người suy nhược thần kinh và thể lực, bệnh đường hô hấp (ho khan) các bệnh có chảy máu như trĩ, đại tiểu tiện ra máu, rong kinh do huyết ứ, phụ nữ sau sinh đẻ.
Canh măng, mộc nhĩ: Măng tre khô 10g, mộc nhĩ trắng 10g, trứng gà, gia vị. Có tác dụng tiêu mỡ ở bụng, chống béo phì.
Canh mộc nhĩ, thịt lợn: Mộc nhĩ 25g, thịt lợn nạc 150g, rau hẹ 25g, tinh bột nước 10g, nước 1 lít, muối gia vị vừa đủ. Dùng cho phụ nữ sinh đẻ để bồi bổ khí huyết.
Canh măng mộc nhĩ.
Thịt gà mộc nhĩ chưng cách thủy: Mộc nhĩ 30g, thịt gà 200g. Tác dụng khứ ứ cầm máu ở phụ nữ sau sinh đẻ có “máu hôi” ra liên tục không dứt, cục thâm kèm đau bụng.
Thịt lợn xào, mộc nhĩ: Mộc nhĩ 50g, thịt lợn nạc 100g. Tác dụng: thanh nhiệt, lợi thấp, cầm đới hạ ở những trường hợp do huyết nhiệt sinh ra rối loạn kinh nguyệt, kinh không đều, kinh nhiều, rong kinh, đau bụng kinh.
Gan lợn, mộc nhĩ: Mộc nhĩ trắng 20g, gan lợn 240g, táo tầu đỏ (bỏ hột) 2 quả, gừng sống 1 lát. Tác dụng bổ huyết, hoạt huyết. Chữa suy nhược thần kinh (đau đầu, mất ngủ). Phụ nữ kinh nguyệt không đều như bài trên. Dùng tốt cho sản phụ.
Mộc nhĩ chưng đường phèn: Chữa gan nóng (can nhiệt) miệng khô khát nước, đắng, mắt nhiều nhử nhìn khó, lòng trắng có tia máu.
Mộc nhĩ đậu đen: Nấu chè cho người già ăn có tác dụng bổ can thận, chữa đau lưng khớp, làm mắt sáng.
Một số bài thuốc
Chảy máu cam: Mộc nhĩ (tốt nhất mọc trên cây dâu) đốt tồn tính tán bột viên thêm nước vo viên nút lỗ mũi.
Trĩ xuất huyết: Mộc nhĩ 6g, hồng khô 30g, nấu chè ăn hằng ngày.
Mộc nhĩ (nấm mèo).
Rong kinh: Mộc nhĩ sao vàng 40g, rễ cây vú bò 20g, củ rau má già 100g, gừng khô 16g. Sắc nước uống.
Huyết áp cao: Mộc nhĩ 30g (mọc trên cây dâu) ngâm rửa sạch rồi hấp với đường ăn buổi tối trước khi đi ngủ. Dùng nhiều lần.
Mặt phát ban sậm màu: Mộc nhĩ (cây dâu) đốt tồn tính, chưng nóng uống sau bữa ăn (khi no).
Giải độc: Thường dùng giải nấm độc. Sau khi đã gây nôn sắc mộc nhĩ cho uống.
Cơn đau tim: Chỉ nên dùng hỗ trợ sau khi có xử trí bằng phương pháp y học hiện đại. Dùng nước sắc mộc nhĩ cho uống.
Đau bụng do giun sán: Sắc mộc nhĩ cho uống hỗ trợ tạm thời. Cơ bản phải cho xổ giun sán.
  BS.  Phó Thuần Hương


Cây bách bệnh chữa bệnh

Cây bách bệnh còn có tên gọi khác là cây bá bệnh, mật nhân, hậu phác nam, nho nan (Tày),... Là loại cây trung bình, cao khoảng 15m, thường mọc dưới tán lá của những cây lớn. Có lông ở nhiều bộ phận. Lá cây dạng kép không cuống gồm từ 13 - 42 lá nhỏ sánh đôi đối nhau. Mặt lá trên màu xanh. Mặt dưới màu trắng. Cây bá bệnh là loài đơn tính khác gốc nên mỗi cây chỉ trổ hoa đực hoặc hoa cái. Hoa màu đỏ nâu mọc thành chùm. Quả non màu xanh, khi chín có màu đỏ sẫm. Quả hình trứng hơi dẹt, có rãnh ở giữa, chứa 1 hạt, trên mặt hạt có nhiều lông ngắn.
Cây mọc hoang rải rác ở các tỉnh miền núi và trung du. Bộ phận dùng làm thuốc là lá, thân, vỏ thân và rễ. Dược liệu thu hái quanh năm, phơi khô.
Theo y học cổ truyền, bá bệnh có vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, lợi thấp, lợi tiểu, lương huyết, chỉ lỵ, thường dùng chữa chàm ở trẻ nhỏ, tiểu tiện ra máu, nhức mỏi, ăn không tiêu, đầy hơi, chướng bụng,... Ngày dùng 4-6g dưới dạng thuốc sắc hay phối hợp với các vị thuốc khác.
Một số tài liệu nghiên cứu gần đây cho thấy bách bệnh có tác dụng kích thích sinh dục nam. Cây này được tìm thấy trong vùng rừng rậm ở nước ta, và đã được phân loại, nghiên cứu thực vật, sinh hóa, lâm sàng... được bào chế thành thuốc có tác dụng cải thiện sức khỏe,  phòng và hỗ trợ điều trị yếu sinh lý ở nam giới
Một số bài thuốc dùng bách bệnh:
Chữa chàm ở trẻ nhỏ, chữa lở ngứa, ghẻ: Lá bách bệnh đun nước tắm, rửa sạch chỗ bị chàm rồi giã nát đắp lên đến khi khỏi.
Chữa đầy bụng, ăn không tiêu: Vỏ thân bách bệnh 12g, trần bì 8g, can khương 4g, đậu khấu 6g, xích phục linh 12g, cam thảo 4g. Sắc uống mỗi ngày một thang. Uống 5-7 ngày.
Chữa phụ nữ kinh nguyệt không thông, đau bụng khi có kinh: Rễ bách bệnh 15g, sắc uống ngày 1 thang. Dùng 7-10 ngày.
Thuốc bổ, kích thích tiêu hóa: Rễ bách bệnh 20g, 10 quả chuối sứ khô nướng vàng, ngâm với 1 lít rượu trắng, ngâm khoảng 7 ngày là dùng được, ngày dùng 3 lần, mỗi lần 1 chén nhỏ (khoảng 30 ml).
Tăng cường sinh lực, hỗ trợ điều trị yếu sinh lý ở nam giới: Bách bệnh 400mg, tinh chất nhân sâm 50mg, linh chi 50mg được bào chế thành viên nang. Liều lượng và cách dùng theo chỉ định và hướng dẫn của thầy thuốc Đông y.
Chú ý, phụ nữ đang có thai không được dùng.  
Bác sĩ  Thu Vân

Các loại quả họ cam làm thuốc

Các cây họ cam là loại cây trồng phổ biến ở nước ta, đã trở thành đặc sản, như bưởi Đoan Hùng, bưởi Phú Diễn, bưởi Năm Roi, cam Bố Hạ, cam Canh… Các cây họ cam không những là các cây ăn quả, làm cảnh như quất mà còn là các cây làm thuốc có giá trị.
Chỉ thực là quả còn non của  cây cam ngọt hoặc cam chua. Theo Đông y, chỉ thực có vị đắng tính hàn, có tác dụng tiêu tích trệ ở đường tiêu hóa, được dùng khi bụng đầy trướng, ăn uống khó tiêu, ợ hơi, ợ chua, đại tiện bí kết, lỵ lâu ngày. Có thể tán bột mịn, mỗi ngày uống 4 - 12g, chiêu với nước cơm. Hoặc uống kèm với binh lang (hạt cau, thái nhỏ, sao vàng), đồng lượng. Khi đại tràng thực nhiệt dẫn đến táo bón nặng, gây đau tức, có thể phối hợp chỉ thực với đại hoàng, hậu phác mỗi vị 12 g, mang tiêu (natri sunphat) 16 g. Sau khi sắc ba vị thuốc trên, rồi hòa tan mang tiêu vào uống ấm. Nếu táo ở mức độ vừa thì bỏ mang tiêu.
 Trần bì là vỏ quýt chín.
Chỉ xác là quả thuộc loại bánh tẻ của cây cam chua. Theo Đông y, chỉ xác có vị chua, tính hàn, nhưng công năng phá khí mạnh hơn chỉ thực, do đó được dùng khi có nhiều đờm, gây khó thở, tức ngực, phối hợp với viễn chí, bán hạ, mạch môn, đồng lượng, dưới dạng thuốc sắc, ngày một thang. Những trường hợp tiêu hóa kém, bụng đầy trướng, táo bón cần phối hợp với đại hoàng.
Thanh bì là vỏ quả còn xanh của cây quýt. Theo Đông y, thanh bì có vị đắng, cay, tính ấm. Có công năng giảm đau, dùng khi can khí bị uất kết, dẫn đến đau sườn ngực, đau dây thần kinh liên sườn, phối hợp với hương phụ, uất kim (dánh củ nghệ), đồng lượng. Trường hợp bị sán khí, đau tức ở vùng bụng dưới, như đau tử cung, buồng trứng của phụ nữ hoặc viêm đau tinh hoàn ở nam giới, dùng thanh bì, phối hợp với tiểu hồi, mộc hương, đồng lượng, sao vàng, tán bột, uống với nước ấm, ngày 2-3 lần, mỗi lần 8 -10 g Trẻ em, tùy theo tuổi, giảm lượng.
Trần bì là vỏ quả quýt đã chín, phơi khô, để lâu. Theo Đông y, trần bì có vị đắng, cay, tính ấm, với công năng hành khí, hòa vị, phối hợp với bạch truật, can khương để trị đau bụng, trướng bụng, ợ hơi, buồn nôn. Trần bì còn có tác dụng hóa đàm chỉ ho, chỉ nôn, được dùng khi ho, nhiều đờm, lồng ngực trướng tức, khó thở, buồn nôn,  phối hợp trần bì 8g với bán hạ (chế), bạch linh, mỗi vị 12g, cam thảo 4g, dưới dạng thuốc sắc, ngày một thang,  uống ấm.
Vỏ bưởi phơi khô, khi dùng thái mỏng, sao vàng. Để trị đau dạ dày, có thể dùng vỏ bưởi đào, dạ cẩm, trần bì, đồng lượng, tán bột mịn, ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 10-12g. Để chữa phù thũng, dùng vỏ bưởi phối hợp với  mộc thông, mỗi vị 12g, đăng tâm thảo 8g, sắc uống, ngày một thang.
Quả và hạt quất
Quả quất chín, thái lát, thêm đường phèn, hoặc mật ong, trấp trên mặt nồi cơm, có tác dụng chữa ho trừ đờm tốt.
Hạt quất cũng là vị thuốc chữa ho, cách làm như quả quất, song nghiền ra, vắt lấy dịch cho uống riêng. Trường hợp bị sán khí, đau tức ở vùng bụng dưới, như đau tử cung, buồng trứng của phụ nữ hoặc viêm đau tinh hoàn ở nam giới, có thể dùng hạt của quả quýt phối hợp với tiểu hồi, lệ chi hạch (hạt quả vải, gọt bỏ vỏ đỏ bên ngoài, thái mỏng), đồng lượng. Cả 3 vị thuốc đem sao vàng, tán bột mịn, uống với nước ấm, ngày 3 lần, mỗi lần 8 – 10g.
  GS.TS. Phạm Xuân Sinh

Cỏ hôi - kháng sinh thảo dược





Cây cỏ hôi, trong dân gian thường gọi là cây cứt lợn, cây bù xít. Là một loài cây nhỏ cao khoảng 30 - 50cm. Lá mọc đối, hình trứng, mép có răng cưa tròn. Toàn thân và lá đều có lông. Hoa nhỏ, màu tím hay xanh trắng. Quả bế có ba sống dọc, màu đen. Loài cây này có mùi rất hắc khi vò ra nhưng lại có mùi thơm khi nấu. Cây mọc hoang khắp nơi. Nhân dân ta từ lâu đã sử dụng loài cây này như một vị thuốc quí để chữa rất nhiều loại bệnh. Bộ phận dùng làm thuốc phần cây trên mặt đất. Thu hái toàn cây bỏ rễ, rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô, nhưng thường hay dùng tươi. Theo đông y, cây cỏ hôi có vị cay, hơi đắng, tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng. Thường được dùng chữa viêm họng do lạnh, chữa rong huyết cho phụ nữ sau sinh, viêm đường tiết niệu ... Đặc biệt, qua nghiên cứu các nhà khoa học nhận thấy trong nước ép cây cỏ hôi có chất kháng khuẩn chống viêm, chống phù nề, ngoài ra có tinh dầu nên có tác dụng xông trong các trường hợp viêm mũi xoang.







Chữa viêm xoang mũi, viêm mũi dị ứng: Cỏ hôi 100g tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước, đem nhỏ vào lỗ mũi, mỗi lần 2 - 3 giọt, ngày 2 lần. Chú ý khi nhỏ nên kê gối dưới hai vai để lỗ mũi dốc ngược giúp cho thuốc ngấm vào xoang dễ dàng. Hoặc cỏ hôi 100g, lá long não 50g, lá chanh 10g. Tất cả đều dùng tươi. Các vị thuốc rửa sạch, sắc với 300ml nước, còn 100ml nước, đổ nước ra bát xông lên mũi, ngày xông 3 lần. Mỗi lần xông nên hâm nóng lại nước sắc. Dùng trong 7-10 ngày. Hoặc cỏ hôi 30g, kim ngân hoa 20g, ké đầu ngựa 12g, cam thảo đất 16g. Sắc với 3 bát nước, còn 1 bát, chia uống 2 lần trong ngày. Nên uống sau bữa ăn trưa và tối. Dùng trong 10 ngày.

Chữa rong huyết cho phụ nữ sau sinh: Cỏ hôi 20g, hy thiêm 12g, hương phụ chế 10g, ích mẫu thảo 12g, ngải cứu 16g. Cho 600ml nước sắc còn 150ml, sắc 2 lần, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng trong 7 - 10 ngày. Hoặc 30 - 50g lá cỏ hôi tươi, rửa sạch giã nhỏ, cho thêm ít nước sôi để ấm, vắt lấy nước cốt uống. Ngày uống 1 lần vào buổi sáng. Uống trong 4 ngày.

Trị gàu ở tóc: 200g cỏ hôi tươi, 20g bồ kết khô, cỏ hôi rửa sạch cùng với bồ kết nấu nước gội đầu. Bài thuốc này có công dụng giúp đầu sạch, trơn tóc, sạch gầu. Mỗi tuần nên gội đầu từ nước của cây cỏ hôi và bồ kết 2-3 lần.

Chữa viêm họng do lạnh: Cỏ hôi 20g, kim ngân hoa 20g, lá giẻ quạt 6g, cam thảo đất 16g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần. Dùng trong 3-5 ngày.
Chữa sỏi tiết niệu: Cỏ hôi 20g, kim tiền thảo 16g, râu ngô 12g, mã đề 20g, cam thảo đất 16g. Sắc với 500ml nước còn 150ml, chia uống 2 lần trong ngày. Uống trong 7 ngày.
BS. Nguyễn Huyền

Hạ khô thảo chữa tăng huyết áp



Cây có tên gọi là hạ khô thảo vì vào mùa hạ cây khô lại, chỉ tươi tốt vào mùa xuân, là loại cây thân thảo, sống nhiều năm, cao 20 - 40 cm, có thể tới 70 cm, thân vuông màu hơi tím đỏ, lá mọc đối, hình trứng hay hình mác dài. Cụm hoa bông gồm nhiều xim co ở đầu cành màu lam đậm hay tím nhạt. Quả bế nhỏ, cứng, có 4 ô.

Cây mọc hoang ở vùng rừng núi Sapa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phú), Mẫu Sơn (Lạng Sơn) và một số tỉnh khác như Hà Giang, Lai Châu, Kon Tum... Bộ phận dùng làm thuốc là bông hoa, thu hái khi nào hoa ngả sang màu nâu, mang về phơi hoặc sấy nhẹ đến khô.

Theo Đông y, hạ khô thảo vị đắng, cay, tính hàn, không độc, có tác dụng thanh can hỏa, tán uất kết, tiêu ứ, sáng mắt. Thường dùng chữa tăng huyết áp, ngoài ra còn chữa đau mắt hay chảy nước mắt, mụn nhọt, hắc lào, vẩy nến, tiểu tiện ít không thông... Ngày dùng 6 - 12g, dạng thuốc sắc; dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.

Đơn thuốc chữa tăng huyết áp:

Chữa tăng huyết áp: Hạ khô thảo 40g rửa sạch, phơi khô, sắc chia làm 2 lần uống trong ngày, sau hai bữa cơm. Uống liên tục 10 ngày, nghỉ 7 ngày, rồi uống tiếp tục như thế từ 2 - 4 đợt tuỳ bệnh nặng nhẹ. Hoặc hạ khô thảo, bồ công anh, hạt muồng ngủ sao, mỗi vị 20g; hoa cúc, lá mã đề, mỗi vị 12g, sắc uống. Hoặc đậu đen 50g, hạ khô thảo 30g, đường trắng 20g. Hạ khô thảo đem sắc lấy nước ninh với đậu đen cho nhừ, chia ăn vài lần trong ngày, có tác dụng hạ huyết áp.





Hạ khô thảo


An thần, hạ huyết áp, ổn định huyết áp ở bệnh nhân tăng huyết áp: Cao khô hạ khô thảo, cao khô huyền sâm, cao khô địa long, cao khô hà thủ ô chế, cao khô câu đằng, cao khô táo nhân, mỗi vị 80mg, được bào chế thành 1 viên nang. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 3 - 4 viên, mỗi đợt dùng 1 - 2 tháng. Khi huyết áp đã ổn định liều dùng có thể giảm xuống một nửa.

Thông tiểu tiện trong trường hợp biến chứng của tăng huyết áp: Hạ khô thảo 8g, hương phụ 2g, cam thảo 1g, nước 300ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày. Uống 5 - 7 ngày.

Ngoài ra hạ khô thảo còn được dùng chữa:

Chữa đau mắt đỏ, làm sáng mắt: Hạ khô thảo 10g, hoa cúc trắng 12g, lá dâu 10g, gạo tẻ 50g, đường phèn (hoặc đường kính trắng) vừa đủ. Cúc trắng, lá dâu, hạ khô thảo rửa sạch, đun lấy nước, bỏ bã. Cho gạo tẻ, đường phèn vào, nấu thành cháo loãng. Mỗi ngày ăn hai lần cháo nóng. Bài thuốc có công dụng khu phong, thanh nhiệt, sáng mắt, giải độc, chữa đau mắt đỏ, Những người vị hư hàn, tiêu chảy mạn tính không được dùng.

Dưỡng da, giảm nếp nhăn và vùng thâm quanh mắt: Hạ khô thảo 10g, lá dâu 30g, 10ml nước ép quả dưa chuột. Cho hạ khô thảo và lá dâu vào ấm sắc với 3 bát nước còn 1 bát. Lọc lấy nước để nguội, đổ nước ép dưa chuột vào. Dùng nước đó bôi đắp lên mặt, 15 phút sau bỏ ra rửa sạch mặt.
Chú ý: Không dùng cho phụ nữ có thai.
BS. Nguyễn Thị Nga


Bọ cạp trị trúng phong



Bọ cạp còn gọi là toàn yết, yết tử, toàn trùng, yết vĩ. Theo Đông y, bọ cạp vị mặn, hơi cay, tính bình, có độc; vào kinh can. Có tác dụng tức phong, cắt cơn kinh giật; hoạt lạc (lưu thông gân, mạch) và giải độc.

Một số bài thuốc trị bệnh có bọ cạp:

Tức phong, cắt cơn kinh giật: Dùng cho các chứng bệnh lên kinh giật, co quắp do bị trúng phong, sài uốn ván; động kinh thuộc chứng


Bọ cạp
- Thuốc bột toát phong: Bọ cạp 4g, chu sa 4g, rết 6g, xạ hương 2g, câu đằng 16g, tằm vôi 8g. Tán thành bột. Mỗi lần uống 4g, ngày 2 - 3 lần, uống với nước đun sôi. Trị động kinh và sài giật uốn ván.

- Bọ cạp 4g, tằm vôi 12g, bạch phụ tử 12g. Nghiền chung thành bột mịn. Mỗi lần uống 4g, ngày 2 - 3 lần, uống với rượu trắng. Trị trúng phong mắt miệng méo sệch.

- Bọ cạp 1 con, rết 1 con, thấu cốt thảo 15g. Tất cả sao vàng tán bột. Cách 6 giờ uống 7 – 8g. Chữa trúng phong.

- Bọ cạp 10g, giun đất 15g, xích thược 20g, ngưu tất 20g, hồng hoa 15g. Sắc uống trong ngày. Chữa trúng phong.

- Bọ cạp tồn tính 15g, bạch cương tằm 15g, phụ tử 15g. Tán bột. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 5g với nước sôi để nguội. Trị tê liệt thần kinh mặt.

- Bọ cạp 1 con, giun đất 8g, tằm vôi 12g. Sắc uống. Trị trẻ kinh quyết.

- Bọ cạp sao giòn 12g, răng lợn đốt cháy 12g, kinh giới 40g, câu đằng 12g, thuyền thoái 8g, phèn phi 8g. Tán nhỏ mịn, luyện với hồ làm viên bằng hạt đỗ xanh. Trẻ em 5 - 6 tháng tuổi, mỗi lần uống 2 viên; 1 tuổi uống 3 viên; 2 năm tuổi uống 5 viên. Nghiền thuốc với nước ép của cây tre non nướng. Ngày 2 - 3 lần. Chữa trẻ lên cơn kinh giật, nghiến răng, trợn mắt.

Hoạt lạc giảm đau: Trị các chứng phong thấp, đau cứng khớp xương.

- Bọ cạp 4g, xạ hương 0,8g. Nghiền chung thành bột mịn, trộn đều. Mỗi lần uống 2g, uống với rượu hâm nóng. Cũng có thể dùng riêng bọ cạp nghiền bột, mỗi lần uống 2g với rượu.

- Thuốc bột bọ cạp nhũ hương: Xuyên ô đầu chế 12g, mã lan tử 8g, bọ cạp 4g, vẩy tê tê 8g, nhũ hương 6g, thương truật 12g. Nghiền thành bột. Mỗi lần uống 8g, ngày 2 lần với nước đun sôi. Cũng có thể sắc uống hoặc làm cao dán ngoài da.

Kiêng kỵ: Người bị kinh giật do huyết hư, phụ nữ có thai và người yếu mệt háo khát thì cấm uống.

Lưu ý: Khi chế biến bọ cạp phải bỏ nọc độc ở đuôi vì nó gây tê liệt các bộ phận của cơ thể người và gia súc.

TS. Nguyễn Đức Quang

Gối hạc trị thấp khớp





Cây gối hạc còn nhiều tên gọi như kim lê, bí đại, gối hạc, đơn gối hạc, củ rối, cây mũn, gối hạc đen, củ rối ấn, cây gây bụt phỉ tử, may chia (thổ), tên khoa học Leea rubra Blunne, thuộc họ gối hạc Leeaceae. Tại nước ta thường thấy sinh trưởng ở những chỗ râm mát, trên các khe đồi, hoặc gần suối trong rừng, chịu được ánh nắng, dễ trồng và trồng được bằng cành. Cây gối hạc xuất hiện rộng khắp trong những cánh rừng từ Tây Bắc đến Tây Nguyên, cây mọc dọc đường đi trong rừng khu vực núi đá Hoà Bình, Hà Tây, Ninh Bình, Lạng Sơn, Quảng Ninh qua các tỉnh miền Trung đến tận Kiên Giang (đảo Phú Quốc), tiêu biểu nhất là vùng Thái Nguyên, Di Linh (Lâm Đồng), An Giang... Tại các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Malaixia, mọc hoang ở chỗ râm mát trên các đồi ven rừng, chân núi và cũng trồng bằng cách giâm cành.

Là loại cây nhỏ, mọc thành bụi dày, thường cao khoảng 1-2m, có khi hơn. Thân có rãnh dọc và phình lên ở các mấu giống như gối con chim hạc nên mới có tên gọi là gối hạc. Rễ có vỏ ngoài màu hồng, lõi có màu hồng, trắng hay vàng. Lá kép lông chim 3 lần, các lá phía trên kép lông chim 2 lần, mọc so le; các lá chét khía răng cưa thô, to dài khoảng 5-11cm, rộng 25-60mm, gần như không cuống. Hoa nhỏ, màu hồng, mọc thành ngù ở ngọn cành. Quả có đường kính từ 6-7mm, chín có màu đen. Hạt có từ 4-6, dài 4mm. Mùa hoa quả vào tháng 5-0 hằng năm.

Bộ phận dùng làm thuốc là rễ, được thu hái rễ vào mùa hè thu. Ðào về, rửa sạch, thái lát, phơi hay sấy khô.





Cây gối hạc.


Đông y cho rằng rễ gối hạc có vị đắng ngọt, tính mát, có tác dụng tiêu sưng, thông huyết. Do có tác dụng này như vị xích thược nên người ta gọi là nam xích thược, do đó thường được sử dụng chữa sưng tấy, đơn bắp chuối hay phong thấp sưng đầu gối và chữa đau bụng, rong kinh. Hạt thường được dùng trị giun đũa, giun kim và sán xơ mít. Liều thông thường 15-20g rễ, dùng riêng tán bột hay sắc uống hoặc ngâm rượu uống. Phụ nữ khi sinh đẻ thường lấy rễ gối hạc sắc uống cho khoẻ người, ăn uống ngon miệng, đỡ đau mình mẩy.

Ngoài cây gối hạc, người ta còn sử dùng cây Leea sambuciana, cây này cũng giống cây trên, nhưng lá kép sẻ lông chim hai lần, cụm hoa lớn, hoa trắng vàng, nhỏ bé, quả đen, lá khô đen ở mặt trên cùng một công dụng với gối hạc. Thông tin cây gối hạc chính là sâm Ngọc Linh là thông tin sai vì giữa chúng không cùng họ; Một là họ nhân sâm Panax vietnamensis, họ cam tùng (Araliaceae), một là họ gối hạc (Leeaceae). Song hai loại này có dược tính và công dụng khác nhau: Sâm Ngọc Linh giải độc và bảo vệ gan, kích thích nội tiết sinh dục, điều hòa tim mạch, chống xơ vữa động mạch, giảm đường huyết...; còn gối hạc: chữa sưng tấy, sưng đầu gối, phong thấp, giun đũa, giun kim, sán xơ mít...

Dưới đây xin giới thiệu cách dùng vị thuốc gối hạc:

Chữa sưng tấy, đau bắp chuối hay phong thấp sưng đầu gối: Lấy rễ gối hạc 40-50g sắc uống mỗi ngày. Hoặc phối hợp với các vị thuốc khác: rễ gối hạc 30g, cỏ xước hay ngưu tất, rễ gấc, tỳ giải, mỗi vị 15g, cũng sắc uống ngày 1 thang, chia 3.

BS. Hoàng Xuân Đại



Kỷ tử nhuận phế, ích tinh

Kỷ tử là quả chín phơi hay sấy khô của cây câu kỷ (Lycium sinense Mill.,). Trong 100g quả chứa protein, lipid, carbohydrat, chất xơ; tinh dầu… Trong hạt chứa các chất sterol (gramisterol, citrostadiennol, lophenol, obtusifoliol…). Theo Đông y, kỷ tử có vị ngọt, tính bình; vào kinh can và thận, có tác dụng tu dưỡng can thận, nhuận phế, ích tinh, minh mục. Dùng cho các chứng can thận âm hư, đau đầu hoa mắt chóng mặt ù tai, thị lực giảm, đau lưng mỏi gối, suy nhược thần kinh, liệt dương di tinh, bệnh tiểu đường, viêm gan mạn, vô sinh, đái đường... Kỷ tử được dùng làm thuốc trong các trường hợp:
1. Tư thận, dục âm (bổ thận, nuôi dưỡng chân âm): Trị chứng thận hư tinh kém, lưng và xương sống đau buốt.
Bài Hoàn câu kỷ: Câu kỷ tử, hoàng tinh liều lượng bằng nhau, tán thành bột mịn, luyện với mật làm hoàn. Ngày 2 lần, mỗi lần 12g, chiêu với nước nóng.
2. Dưỡng can, minh mục (nuôi can, làm sáng mắt): Trị chứng can thận đều suy, mắt hoa, ra gió chảy nước mắt.
Bài 1: Kỷ cúc địa hoàng hoàn: Câu kỷ tử 12g, cúc hoa 12g, thục địa 16g, đan bì 6g, sơn dược 8g, phục linh 8g, sơn thù 8g, trạch tả 8g. Nghiền thành bột, luyện với mật làm hoàn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 12g, chiêu với nước muối loãng hoặc nước nóng. Trị các chứng can thận âm hư, sốt về chiều, mồ hôi trộm, nhìn sự vật thấy hoa mắt, đau mắt khô rát.
Bài 2: Rượu câu kỷ: Câu kỷ tử ngâm trong rượu 5 – 7 ngày, chắt ra. Ngày 2 lần, mỗi lần 1 – 2 thìa canh. Trị yếu gan sinh đau mắt, ra gió chảy nước mắt; có tác dụng bổ dưỡng, chống yếu mỏi cơ, bảo vệ mỹ dung...
Món ăn – bài thuốc từ kỷ tử:
+ Chim câu hầm hoàng kỳ, kỷ tử: Kỷ tử 30g, hoàng kỳ 60g, chim câu non 1 con. Chim câu làm sạch, cho hoàng kỳ, kỷ tử vào, hầm cách thủy, thêm gia vị. Dùng cho các trường hợp sa dạ dày, sa thận, sa trực tràng, sa tử cung.
+ Cháo kỷ tử: Kỷ tử 30g, gạo tẻ 100g; đường trắng, mật lượng thích hợp. Nấu cháo gạo tẻ và kỷ tử. Khi ăn thêm đường mật. Dùng cho các trường hợp đau lưng, tê bại hai chân, đau đầu, ù tai hoa mắt chóng mặt.
+ Rượu kỷ tử nhân sâm ngũ vị tử: Câu kỷ tử 30g, nhân sâm 9g, ngũ vị tử 30g, rượu trắng 500ml. Các dược liệu ngâm trong rượu. Sau 7 ngày dùng được. Mỗi ngày uống 30 - 50ml, chia làm 1 hoặc 2 lần vào bữa ăn. Dùng cho các trường hợp suy nhược thần kinh, thiếu máu, viêm gan mạn, thị lực giảm.
Kiêng kỵ: Người có thực nhiệt (nhiễm trùng, viêm tấy), đàm thấp, tiêu chảy không dùng.
TS. Nguyễn Đức Quang

Bài thuốc hay từ cá chép

Trước thềm năm mới, người ta có tập tục tiễn ông táo về trời, “phương tiện giao thông” của quan táo là cá chép (CC). Mỗi 100g thịt tươi CC có chứa: 17,6g protid; 4,1g lipid; 25mg vitamin A; 0,09mg vitamin B2; 2,7mg vitamin PP; 1,27mg vitamin E; 33mg Mg; 2,08mg Zn; 15,38mg Se.
 Món lẩu cá chép
Về mặt dược học cổ truyền, Cá chép mang vị ngọt tính bình, chứa nhiều đạm và nhiều vitamin. Có tác dụng lợi thủy tiêu thũng, hạ khí thông nhũ, khai vị kiện tỳ (lợi tiểu tiêu phù, thông sữa, tạo thèm ăn và bồi dưỡng hệ tiêu hóa). Bất kể ai có các chứng ứ nước trong cơ thể, tiêu chảy nước, bí tiểu, hoàng đản (vàng da) và thai nghén phù thũng đều có thể dùng. Đối với những người đàm nhiều ứ tắc, ho suyễn khó thở, thai động bất an, thiếu sữa sau khi sinh cũng có tác dụng điều trị nhất định. CC thích hợp hơn cho người luống tuổi, phụ nữ thai nghén hay “tẩm bổ” sau khi sinh, một số món ăn - bài thuốc trình bày như sau: Phù thũng do bệnh tim, bệnh thận và rối loạn dinh dưỡng: CC 1 con khoảng 0,5kg, hành 6 cọng, bí đao 0,5kg. CC rửa sạch, bỏ nội tạng, giữ vẩy, cùng bí đao, hành cho vào nồi, thêm nước vừa đủ rồi hầm chín, nêm dầu ăn, muối (một ít) để gia vị. Chia 2 - 3 lần làm món ăn kèm trong ngày.
Suy nhược sau khi sinh: CC 1 con rửa sạch, hấp chín, lấy thịt, cùng gạo 200g, táo đỏ 50g, hạt sen 50g, bách hợp 50g, quả óc chó 50g, đương quy 4g, ninh cháo.
Tiêu chảy do rối loạn tiêu hóa: CC 1 con 0,5kg, tỏi 2 múi lớn, tiêu 10g, ớt 10g, vỏ quít 10g, sa nhân 10g, tất phác 10g, hành, muối, dầu ăn, mỗi thứ vừa đủ. CC bỏ vẩy và nội tạng, rửa sạch, nhét tỏi, hành, ớt, vỏ quít, sa nhân, tất phác vào bụng cá. Đổ dầu vào chảo, khi chiên nóng 8/10, cho cá vào chiên, rồi thêm nước để hầm, chờ đến khi nước đặc ngã màu trắng thì dùng. Ăn cá, uống canh lúc bụng đói.
Phù do thủy thũng: CC 1 con, giấm 50ml, nước tương 5ml, gừng và hành nhuyễn 5g, bột tiêu 8g, muối 4g, bột nêm 4g, ninh canh thì dùng.
Tiểu ít, phù mặt: CC 1 con khoảng 0,5kg, đậu đen 50g. CC bỏ vẩy và nội tạng, đậu đen nhét vào bụng cá khâu kín, dùng nước nấu đến cá chín, đậu nhừ, lấy nước cốt, uống liên tục bất kể thời gian (nhiều lần trong ngày).
Ho khạc khí suyễn: thịt CC 200g luộc chín, thái sợi, cho vào chén, thêm giấm trắng 40ml, tỏi băm 20g, ngò nhuyễn 30g, muối 2g, bột nêm 4g, dầu mè 5ml, trộn ăn.
Thai nghén phù thũng: CC vàng 1 con khoảng 0,5kg, xích tiểu đậu (đậu đỏ nhỏ hột) 50g, xích tiểu đậu hầm chín, sau đó thêm vào CC đã bỏ vẩy và nội tạng, trộn đều, dùng lửa nhỏ nấu sôi vài dạo, ăn lúc ấm, mỗi ngày 1 lần, dùng liền vài ngày.
Tỳ vị hư hàn: thịt CC 200g thái lát, dùng bột năng thoa đều, bỏ trong món súp bắp, thêm gừng nhuyễn 8g, muối và bột nêm vừa đủ.
Phù chân do thiếu vitamin B1: CC 1 con khoảng 250g, xích tiểu đậu 60g, tỏi 2 củ, vỏ quít 5g, gừng tươi 50g, nấu canh, mỗi ngày 1 liều, dùng liền vài ngày.
Viêm thận mạn tính, phù thũng: CC 1 con khoảng 0,5kg, bỏ vảy và nội tạng, giấm 50ml, trà 30g, tất cả cùng cho vào nồi thêm nước hầm chín, một lần ăn sạch khi bụng đói, mỗi ngày 1 lần, ăn liền nhiều ngày.
Ho lâu ngày: CC 1 con khoảng 250g, xuyên bối mẫu tán nhuyễn 6g, nấu canh, ăn liền từ 1 - 3 tuần.
Lương y Bàng Cầm

Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

Cây đơn buốt chống viêm

Đơn buốt thuộc loại cây thân thảo, dẹp màu xanh phân nhánh chia đôi như càng con cua nên có tên gọi là cây càng cua. Có hoa đỏ hay tím, tía ở ngọn. Rau đơn buốt có nhiều loại nhưng loại có hình ảnh dưới đây thường được dùng trong chế biến món ăn và làm thuốc. Là loại rau giàu dinh dưỡng đặc biệt beta-caroten (tiền vitamin A) nên thường được chế biến thành nhiều món ăn dân dã bổ dưỡng. Theo đông y rau đơn buốt vị hơi chua đắng, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, sinh tân, giải độc, khu phong, hoạt huyết, tan máu ứ. Xin giới thiệu một số cách dùng rau đơn buốt trị bệnh trong dân gian.
- Chữa ghẻ lở: Rau đơn buốt giã nát, vắt lấy nước, bổ sung chút muối và chấm vào vết thương là da sẽ mau lành.
- Trị sốt rét, đau đầu: Nghiền lá ra để đắp.
- Trị đau bụng: Lấy dịch lá uống.
- Trị bỏng da do lửa hay bị bỏng nước sôi: Rau đơn buốt vò nát đắp lên da.
- Chữa viêm xoang, viêm mũi dị ứng: Dùng khoảng 15 đốt cành cây đơn buốt, cắt nhỏ từng đoạn 5mm, cho vào túi nilon đập nát rồi cho vào ấm có vòi với lượng nước vừa đủ, đun sôi, dùng giấy cuộn thành ống lắp vào đầu vòi, cho vào mũi để hít hơi nước, hơi thuốc vào mũi, thỉnh thoảng hít cả vào miệng. Thời gian xông 10 – 15 phút. Xông liên tục 3 – 5 ngày, bệnh nặng có thể xông 7 – 10 ngày. Cần chú ý không dùng cho phụ nữ có thai.
- Chữa côn trùng, ong đốt, rắn cắn, bò cạp đốt: Dùng cành cây đơn buốt giã nhỏ, đắp lên các tổn thương.
- Chữa chấn thương, đau nhức: Dùng cành cây đơn buốt giã nhỏ, băng đắp lên tổn thương ở cơ bắp, khi khô lại dùng rượu nhạt nhỏ thêm vào bã thuốc.
- Chữa mụn cơm: Dùng nhựa mủ cây đơn buốt đắp lên mụn cơm.
Lưu ý: Trong khi sử dụng không được để nhựa mủ cây thuốc này bắn vào mắt.            
  BS. Hoàng Xuân Đại

Dùng nhân sâm và tam thất thế nào cho hiệu quả?

Nhân sâm và tam thất là hai vị thuốc quý có cùng một chi (Pnax) và cùng một họ (Araliaceae), được Đông y xếp vào loại “thượng phẩm”, nghĩa là những vị thuốc cho tác dụng bổ và không có độc tính. Nhân sâm (Panax ginseng) là một trong bốn vị thuốc đứng hàng đầu của YHCT: sâm, nhung, quế, phụ. Còn  tam thất (Panax Notoginseng) còn gọi là “sâm tam thất”. Vậy dùng nhân sâm và tam thất như thế nào cho hiệu quả?
Nhân sâm là một vị thuốc thuộc loại “bổ khí”, YHCT dùng sâm trong các trường hợp chân khí kém, gây ra trạng thái mệt mỏi, vô lực của cơ thể, hoặc các trường hợp kém ăn, da xanh xao, trí nhớ suy giảm của người già hay người mới ốm dậy. Tuy nhiên, hạn chế dùng cho trẻ em, vì sâm có tác dụng “kích dục” sớm. Chỉ dùng với những trẻ chậm phát triển, cơ thể còi cọc, xanh gầy với liều thấp (2 - 4g/ngày) và thời gian ngắn (7 – 10 ngày). Với người lớn, nhân sâm có thể dùng 4 - 10g/ngày, dưới dạng hãm với nước sôi, nhiều lần trong ngày. Uống liền 2-3 tuần lễ. Hoặc dưới dạng ngâm rượu, có thể ngâm sâm tươi (toàn rễ), một rễ (1 củ), dùng 500 ml rượu 35 – 400, ngâm trong 3 - 6 tháng, có thể chiết lấy dịch lần một để dùng, hoặc phối hợp dịch chiết của 2 - 3 lần ngâm lại, trộn đều, mới dùng. Ngày uống 10-20ml, trước bữa ăn; còn sâm đã qua chế biến (hồng sâm), đem sâm, thái lát mỏng, ngâm rượu 35- 400. Khi rượu ngâm có mầu nâu đậm (độ 3 tuần lễ), có thể chiết lấy dịch rượu, uống riêng. Cũng có thể, gộp dịch rượu ngâm của 2 – 3 lần ngâm lại, trộn đều, rồi mới dùng theo cách trên. Vì sâm là vị thuốc rất quý nên người ta thường chỉ dùng riêng một vị sâm (độc sâm thang). Tuy nhiên, khi cần thiết YHCT vẫn dùng sâm kết hợp với các vị thuốc khác trong các cổ phương: tứ quân tử thang (nhân sâm, bạch linh, bạch truật, cam thảo, đồng lượng, 4  – 12g); bát trân thang (nhân sâm, bạch linh, bạch truật, cam thảo, xuyên khung, đương quy, thục địa, bạch thược, đồng lượng, 4 – 12g). Cần chú ý không nên dùng nhân sâm sau khi ăn no, hoặc vào buổi tối, lúc sắp đi ngủ, vì gây khó ngủ hoặc mất ngủ; những người bị rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, trướng bụng, ăn uống khó tiêu, hoặc đau bụng (viêm đại tràng), đại tiện phân sống nát, tiêu chảy; những trường hợp tăng huyết áp cũng không nên sử dụng sâm.
Nhân sâm.
Tam thất, Đông y xếp vào loại thuốc chỉ huyết, đầu vị của cầm máu. Thực tiễn lâm sàng đã chứng minh, tam thất ngoài tác dụng bổ kiểu nhân sâm, nó còn là vị thuốc có nhiều tác dụng chữa bệnh:
Cầm máu: dùng khi chảy máu cam, nôn ra máu, đại tiểu tiện ra máu, đa kinh, băng huyết, sau khi sinh ra máu nhiều…: tam thất  4 - 10g/ngày, uống dưới dạng bột, có thể phối hợp với bột huyết dư thán (tóc đã làm sạch, đốt thành tro), trắc bách diệp thán, đồng lượng, ngày một thang. Uống liền một tuần lễ. Hóa ứ, giảm đau, dùng cho các trường hợp huyết ứ dẫn đến đau đớn, các trường hợp chấn thương, sưng đau do huyết tụ. Ngoài ra, tam thất còn có tác dụng giải độc, tiêu ung nhọt, tiêu u, dùng trong các trường hợp u xơ: vú, tử cung.
Gà hầm tam thất tốt cho phụ nữ sau sinh.
Như vậy với 3 tác dụng nổi bật là bổ (bổ khí, bổ huyết), cầm máu và hóa ứ giảm đau,  tam thất là vị thuốc hữu ích cho chị em phụ nữ sau sinh bị mất máu, mệt mỏi, đau đớn,... Nhân dân ta thường sử dụng tam thất dưới dạng “thực phẩm” rất phù hợp như tam thất tần gà: tam thất bột hoặc thái phiến ninh với 1 con gà giò, dùng 2 – 3 con/tuần. Cũng có thể dùng dưới dạng bột mịn, ngày 4 – 10g, uống với nước ấm.
Cần lưu ý không nên dùng tam thất một cách đơn điệu để “bổ” như nhân sâm mà nên sử dụng theo hướng tác dụng cầm máu là chính, tiếp đến là tác dụng hóa ứ, giảm đau, tiêu u. Dĩ nhiên không loại trừ tác dụng bổ của vị thuốc. Tam thất chỉ phát huy tác dụng hóa ứ giảm đau tốt, khi mới bị tụ huyết như các trường hợp xuất huyết tiền phòng, chấn thương sưng đau. Do vậy, không nên dùng khi có các cục máu tụ, máu đông đã xuất hiện lâu trong lòng mạch, trong tim, trong não… 
GS. TS. Phạm Xuân Sinh

Củ riềng: ôn trung tán hàn, mạnh tỳ vị

Riềng là loại cây gia vị và làm thuốc. Về mặt ẩm thực, riềng luôn được nhắc tới với những món như: thịt dê nộm, thịt chó nhựa mận, chân giò nấu chuối xanh, cá kho đồng… Theo y học cổ truyền, riềng tính ấm, tác dụng ôn trung tán hàn, giảm đau trừ thấp, kiện tỳ vị, là vị thuốc tốt đối với những trường hợp tỳ vị hư hàn có biểu hiện: đau bụng âm ỉ, đầy bụng phân lỏng, ăn uống rất ít, chân tay yếu mềm, cơ thể suy nhược… Sau đây là một số bài thuốc chữa bệnh từ củ riềng.
Tỳ vị hư hàn, đau bụng sôi bụng, đại tiện phân lỏng: riềng 12g, bạch truật 12g, lá lốt 16g, lá ổi 16g, sinh khương 6g. Cho các vị vào ấm đổ 3 bát nước sắc lấy 1,5 bát. Chia uống 2 - 3 lần trong ngày.
Trẻ em bị tiêu chảy nhiều lần, phân có lẫn bọt, quấy khóc: hoài sơn 10g, liên nhục 10g, củ riềng 6g, bạch truật 10g, biển đậu 10g, hậu phác 4g, trần bì 6g, chích thảo 6g, sinh khương 4g. Cho các vị vào ấm đổ nước 2 bát, sắc còn 1 bát, chia 2 - 3 lần uống trong ngày.
 Cây và củ riềng
Ngộ độc thức ăn, đau bụng, nôn mửa, có những trường hợp đau bụng dữ dội kèm theo đại tiện lỏng, cơ thể có biểu hiện mất nước, rối loạn điện giải, mạch nhanh, huyết áp dưới mức bình thường: củ riềng 16g, hoàng liên 10g, biển đậu 12g, bạch truật 12g, hoài sơn 16g, liên nhục 12g, sinh khương (nướng) 10g, thảo quả 10g, quế 6g, chích thảo 10g, bán hạ chế 8g. Cho các vị vào ấm, đổ nước 3 bát, sắc còn 1,5 bát, chia 3 lần uống (cách 2 giờ uống 1 lần).
Chữa chứng “Ngũ canh tả” cứ khoảng 5 giờ sáng là cần đi ngoài, khi muốn đi thì phải đi ngay, không ngừng lại được, phân lỏng, cơ thể yếu mệt, bụng lạnh, chân tay lạnh. Nguyên nhân do tỳ thận dương hư. Dùng bài thuốc: củ riềng phơi khô 16g, cẩu tích 12g, ngũ gia bì 12g, sơn thù 12g, hoài sơn 16g, cố chỉ 10g, đỗ trọng (sao muối) 12g, khởi tử 10g, bạch truật (sao hoàng thổ) 16g, hậu phác 12g, bán hạ chế 10g, trần bì 10g, sinh khương 6g, quế 10g, chính thảo 10g. Sắc uống ngày 1 thang, 10 - 12 ngày là một liệu trình.
Bài thuốc xoa bóp:
Củ riềng phơi khô 20g, thiên niên kiện 16g, quế 24g, thạch xương bồ 20g, trần bì (sao) 16g, nhân hạt gấc (sao vàng) 20g. Các vị thái nhỏ, bỏ vào chai thủy tinh, đổ ngập rượu để ngâm. Sau 10 ngày là có thể dùng được. Lấy bông tẩm vào thuốc, xoa vào chỗ đau, kết hợp day, bấm, nhẹ.
Dùng trong những trường hợp đau xương đau mình trật ngã, sang chấn, sưng đau các khớp, thần kinh tọa, đau nhức cục bộ… 
Lương y: Ngọc Anh

Đào nhân - Hoạt huyết tiêu viêm

Trong Đông y, các bộ phận của cây đào như nhân quả, hoa, lá đều có tác dụng chữa bệnh, đặc biệt đào nhân là một vị thuốc được sử  dụng rất phổ biến trong chữa các chứng bế kinh, ứ huyết, phong thấp, táo bón, chấn thương đụng dập... Sau đây là một số bài thuốc chữa bệnh có đào nhân:
Hoạt huyết thông kinh:
+ Đào nhân 12g, hồng hoa 6g, tam lăng 8g, đương quy 12g. Sắc uống. Trị ứ huyết tắc kinh.
+ Đào nhân 8g, hồng hoa 8g, ngưu tất 8g, tô mộc 8g, mần tưới 8g, nghệ vàng 8g. Sắc uống. Dùng chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh.
+ Đào nhân 12g, xuyên khung 6g, gừng thán 6g, đương quy 12g, cam thảo 4g. Sắc nước, hoà với nước tiểu trẻ em hoặc đun nóng với ruợu để uống. Trị sau khi đẻ ứ huyết, đau bụng.
Trừ ứ, giảm đau: Đào nhân 12g, miết trùng 6g, kinh giới 12g, đại hoàng 12g, xuyên khung 6g, đương quy 12g, quế tâm 6g, cam thảo 4g, bồ hoàng 8g. Sắc nước, chiêu uống với nước tiểu trẻ em. Trị chấn thương do ngã, bị đánh.
Nhuận tràng thông tiện: Hạnh nhân 12g, đào nhân 12g, hoả ma nhân 12g, đương quy 12g, sinh địa 16g, chỉ xác 12g. Nghiền thành bột mịn, làm mật hoàn. Mỗi lần uống 8g, ngày uống 2 lần hoặc sắc nước uống. Dùng khi đại tiện khó khăn.
Thoát mủ, tiêu nhọt: Đại hoàng 12g, mẫu đơn bì 16g, đào nhân 12g, đông qua tử 12g, mang tiêu 12g. Sắc uống. Trị ruột bị ung nhọt, đau bụng, đại tiện táo.
+ Đào nhân 12g, hồng hoa 12g, đương quy 12g, đan sâm 12g, xuyên khung 12g, xích thược 12g, ngưu tất 12g, kim ngân hoa 12g, huyền sâm 12g, địa miết trùng 8g, tam lăng 8g, nga truật 12g, thủy điệt 4g, địa long 4g, manh trùng 4g, cam thảo sống 4g. Sắc uống.
Một số món ăn - bài thuốc có đào nhân:
Xi rô đào: Đào chín 2 quả gọt vỏ ngoài, tách bỏ hạt, nhân hạt đào 9g, xi rô 30g, thêm nước chưng cách thuỷ cho chín nhừ. Ăn mỗi ngày 1 lần. Dùng cho các trường hợp bế kinh, kinh ít, thông kinh.
Cháo đào nhân:  Đào nhân 50g, gạo tẻ 60g; nấu cháo cho ăn phụ vào bữa sáng và bữa tối. Chữa mất ngủ hay quên lẫn, đau lưng, sỏi đường tiết niệu. Người bình thường ăn hằng ngày có tác dụng tăng cường trí não, bảo vệ sức khoẻ, phòng trị tăng huyết áp, bệnh mạch vành, cơn đau tim.
Nước đào nhân: Đào nhân 30g, hạnh nhân 15g nghiền nát trộn với nước gừng và mật ong lượng thích hợp cho ăn. Dùng cho các trường hợp suy hô hấp thở gấp, hen suyễn mạn tính.
Kiêng kỵ: Khi uống thuốc hay ăn đào không ăn thịt ba ba, rùa, hoặc kết hợp thương truật, bạch truật; không ăn quả nhiều sinh nhiệt lở ngứa.        
  TS. Nguyễn Đức Quang

Hoa hòe - Vị thuốc quý trị tăng huyết áp

Đông y gọi hoa hòe là hòe mễ, mễ là hạt gạo, ý nói vị thuốc từ hoa hòe, có kích thước chỉ bằng hạt gạo, nghĩa là còn ở dạng nụ hoa, mới được dùng làm thuốc. Do vậy, ta phải thu hái hoa hòe,  ngay từ khi nó còn là nụ hoa, là như vậy.
Sau khi thu hái hoa hòe, người ta tuốt lấy nụ hoa, nhặt bỏ các cành con và lá còn sót lại, rồi đem sao. Do hoa hòe có giá trị, nên một số người đã làm giả mạo nụ hòe bằng cách, lấy những cành hòe nhỏ, có kích thước gần bằng nụ hoa, đem thái nhỏ, rồi trộn lẫn vào vị thuốc. Do đó đã làm giảm giá trị chữa bệnh của hoa hòe.
Theo YHCT, hoa hòe có vị đắng nhẹ. Tính hơi hàn. Quy kinh can, đại tràng, có công năng lương huyết, chỉ huyết, dùng trong các trường hợp huyết nhiệt, gây xuất huyết, như chảy máu cam, lỵ, trĩ ra máu, đại tiểu tiện ra máu. Phụ nữ băng kinh, băng huyết. Trên thực tế, hoa hòe có thể sử dụng dưới nhiều hình thưc khác nhau.
Hoa hòe được dùng làm thuốc trong các trường hợp:
- Cầm máu, ngăn ngừa sự xơ vữa các động mạch… phòng và trị chứng tăng huyết áp, hoặc niêm mạc miệng, lưỡi bị lở loét: có thể dùng hoa hòe sao vàng, hãm uống. Ngày 4 - 6g.
- Với trường hợp hay bị xuất huyết, chảy máu cam, xuất huyết dưới da, dùng hoa hòe sao đen (đem hoa hòe sao nhỏ lửa tới khi toàn bộ bên ngoài hoa có mầu đen, bên trong vẫn còn mầu vàng), hãm với nước sôi, uống ấm, ngày nhiều lần. Có thể phối hợp với một số vị thuốc cầm máu khác, như trắc bách diệp, lá sen, cỏ nhọ nồi,  huyết dụ, địa du, mỗi vị 6g (đều sao cháy), sắc uống, ngày một thang. Uống liền một vài tuần lễ.
Trong Đông y, thường dùng bài cổ phương hòe hoa tán gồm: hòe hoa 12g, trắc bách diệp 12g, kinh giới tuệ 12g, chỉ xác 12g. Phương thuốc này, cho hiệu quả tốt,  đối với các trường hợp xuất huyết: Trĩ huyết, đại tiểu tiện ra huyết, chảy máu cam…, hoặc vừa có ứ huyết vừa xuất huyết: Chấn thương, sưng đau, và chảy máu. Dùng dưới dạng thuốc bột, ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 6-8 g với nước ấm.
Hoa hòe còn được dùng để làm thuốc xông hơi và ngâm rửa khi bị trĩ gây đau đớn: hoa hòe, chỉ xác, mỗi vị 20g, ngải cứu 40g, phèn chua 20g, cho vào nồi, thêm nước sạch, bịt kín nồi bằng lá chuối tươi, đun sôi 10 phút. Chọc một lỗ nhỏ, xông nhẹ vào nơi bị trĩ. Sau đó để nước ấm, rồi ngâm, rửa các búi trĩ, sẽ giảm được đau đớn và nhanh khỏi.
Ngoài hoa hòe ra, người ta còn dùng một số bộ phận khác của cây hòe, cũng dùng làm thuốc như quả hòe, còn gọi là hòe giác, có vị đắng, tính hàn. Quy kinh  can, đại tràng; có công năng thanh can đởm, trừ phong, lương huyết, dùng sắc uống trong các trường hợp tỳ vị nhiệt, chảy nhiều dãi, trị mụn nhọt, phụ nữ bị nhọt vú, hoặc trị tăng huyết áp, trị di, mộng tinh. Hoặc lá hòe, dùng lá tươi, sắc đặc tắm khi bị ngứa, lở, dị ứng. Hoặc đem lá hòe, đồ chín, phơi khô, sắc uống hàng ngày, trị mắt bị mờ.          
GS.TS. Phạm Xuân Sinh


Giá trị chữa bệnh của mèo

Theo kinh nghiệm dân gian, nhiều bộ phận của mèo là thuốc chữa bệnh thông thường:
Thịt mèo, tên gọi là miêu nhục, có vị ngọt, mặn, chua, tính ấm, không độc, có tác dụng tiêu thũng, chống lao lực, giải độc, giảm đau chữa bệnh báng bụng, lao, chóng mặt, trĩ mạn tính, mụn nhọt. Cụ thể, chữa loét dạ dày, hành tá tràng; thịt mèo ninh nhừ, thêm ít muối và rượu, ăn trong ngày. Chữa thần kinh suy nhược; xuất huyết dưới da do dị ứng; thịt mèo 100g thái nhỏ, hấp cách thủy với đẳng sâm 30g, long nhãn 15g. Ăn cái, uống nước.
Ở Trung Quốc, thịt mèo được sử dụng dưới những dạng thuốc rất đa dạng:
Chữa tràng nhạc có hạch chảy máu mủ: thịt mèo 100g tẩm ướp gia vị rồi nấu canh hoặc hầm, ăn vào lúc bụng đói.
Chữa chứng gan, thận hư nhược: thịt mèo 100g nấu chín với khởi tử 25g, hoàng tinh 10g, long nhãn 8g. Ăn cả cái lẫn nước.
Xương mèo (miêu cốt) vị cay, tính ấm, có tác dụng giải độc, trừ thấp, giảm đau, trấn tĩnh. Khi ăn phải thịt thú rừng bị trúng độc, lấy xương mèo đốt thành tro, hòa vào nước uống sẽ hết độc.
Chữa suy nhược, chân tay đau nhức: xương mèo (nhất là mèo đen) nấu cao rồi pha nước uống hằng ngày. Thuốc rất thích hợp với người cao tuổi.
Chữa tràng nhạc: xương mèo sao khô, tán bột, uống liên tục trong 1 tháng.
Chữa trĩ, mụn nhọt: xương mèo nướng, nghiền thành bột cùng với xạ hương, hồng hoàng, trộn đều làm thành viên uống.
Xương đầu mèo đốt thành tro, tán nhỏ, mỗi lần uống 12g với rượu, chữa ho suyễn do đờm khí hoặc bôi ngoài, chữa lở ngọc hành ở trẻ em (Nam  dược thần hiệu).
Mật mèo (nhất là mèo đen), tên thuốc là miêu đởm, có vị đắng, tính hàn, có tác dụng giảm đau, chống co thắt, chữa hen, suyễn, đau bụng kinh niên. Khi dùng lấy nước mật hòa với rượu uống hằng ngày.
Mỡ mèo chữa bỏng, vết thương. Da lông mèo đốt thành tro trộn với dầu vừng bôi chữa tràng nhạc, mụn nhọt.   

  DS. Đỗ Huy Bích

Mã đề nước chữa phù thũng

Mã đề nước còn có tên gọi khác là hẹ nước, vợi. Là cây cỏ thủy sinh, mọc trong ao hồ. Gốc và rễ ngập trong bùn. Thân ngắn hoặc không có thân. Lá mềm hình bầu dục, mọc thành cụm ở gốc. Hoa lưỡng tính mọc trên cuống dài, màu trắng, tím nhạt hoặc trắng đục. Quả hình cầu. Cây thường mọc thành đám ruộng ở các ao hồ nước nông, kênh rạch, bờ suối, ruộng trũng có nước quanh năm. Mã đề nước không chỉ dùng làm rau ăn (thân và lá rửa sạch, luộc qua rồi xào hoặc nấu canh ăn) mà còn là vị thuốc tốt. Bộ phận dùng làm thuốc là lá, thân rễ (thường gọi là củ) bỏ hết rễ, rửa sạch rồi phơi sấy khô. Theo Tây y, mã đề nước có tác dụng giảm mỡ máu, hạ huyết áp, chữa béo phì và tăng huyết áp. Còn trong Đông y vị thuốc từ mã đề nước gọi là trạch tả. Trạch tả có vị ngọt, tính hàn, vào các kinh thận, bàng quang. Có tác dụng  thanh nhiệt, tiêu viêm, lợi niệu, long đờm dùng chữa các bệnh: phù thũng do thận, ho do viêm họng, giúp mát gan, lợi tiểu...
Chữa phù thũng do thận: Lá trạch tả 30g, thân cây sậy 100g, râu ngô 100g. Sắc với 3 bát nước, còn 1 bát chia uống hai lần trong ngày. Uống sau bữa ăn trưa và tối. Dùng trong 7-10 ngày. Hoặc trạch tả, bạch phục linh, trư linh, hạt mã đề mỗi vị 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
Mã đề nước.
Chữa ho do viêm họng: Lá trạch tả 30g, lá húng chanh 30g, gừng tươi 5g. Sắc khoảng 300ml nước còn 50ml. Uống trong ngày, nên uống khi thuốc còn ấm. Uống trong 5 ngày.
Giúp mát gan: Trạch tả, bạch phục linh, mẫu đơn bì, sơn thù du, mỗi vị 10g, thục địa và hoài sơn mỗi vị 12g. Tất cả sao vàng, tán bột chế thành viên bằng hạt đỗ xanh. Ngày uống 8 - 10 viên. Uống trong 10 ngày.
Chữa mụn nhọt sưng đau (chưa mưng mủ): Lá trạch tả tươi, lá cây lạc địa sinh căn, mỗi vị 15g. Rửa sạch, để ráo, giã nát đắp nơi mụn nhọt sưng đau. Ngày đắp 2 lần. Thực hiện trong 2 ngày.
Chữa chứng hoa mắt, chóng mặt do thiếu máu: Trạch tả 12g, sinh địa 15g, long đởm thảo, sơn chi tử, hoàng cầm, sài hồ, mẫu đơn bì, tri mẫu, cúc hoa mỗi vị 10g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang. Hoặc trạch tả 15g, bạch truật 6g, cúc hoa 12g. Sắc với 3 bát nước còn 1 bát. uống trong ngày. Dùng trong 7-10 ngày.
Chữa bỏng da thể nhẹ (vết bỏng nhỏ và nông): Lá trạch tả tươi, lá cây lạc địa sinh căn, mỗi vị 30g, rửa sạch,  giã nát đắp hoặc chườm nhẹ nơi có vết bỏng. Ngày làm 2 lần. Bài thuốc này giúp giảm đau và nhanh hồi phục khi bị bỏng.
Giúp hạ sốt do cảm nóng: Lá trạch tả 20g, cỏ mần trầu 25g, lá tre 30g. Các vị thuốc trên đem sắc với 3 bát nước còn 1 bát. Uống trong ngày khi thuốc còn ấm. Dùng trong 2 ngày.


Bác sĩ Hoàng Minh

Rượu nếp cẩm - Vị thuốc

Nếp cẩm có tên khoa học là Philydrum lanuginosum Banks, còn gọi là nếp than (ở nước ta, nếp than có tới 2 loại: than lợt (đỏ đậm) khi nấu rượu sẽ thành màu đỏ và than đen (tím đen) khi nấu rượu sẽ thành màu tím đậm) hay còn gọi là gạo đen.
Nghiên cứu mới đây cho thấy cơm rượu nếp cẩm có thể giúp phòng ngừa bệnh tim mạch và đột quỵ, tăng huyết áp. Cơm rượu nếp cẩm được làm từ loại gạo nếp cẩm lên men. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành trên những người bệnh mắc chứng dị ứng với các loại thuốc hạ huyết áp thì thấy rằng cơm nếp cẩm có thể làm hạ được nồng độ cholesterol có hại trong máu. Tiến hành nghiên cứu trên 2 nhóm bệnh nhân. Một nhóm dùng thuốc hạ huyết áp, còn nhóm kia ăn cơm rượu nếp cẩm. Cả 2 nhóm này đều tham gia vào chương trình điều trị bằng cách thay đổi lối sống. Công trình nghiên cứu cho thấy sau 12 tuần và sau 24 tuần, lượng cholesterol (gồm cholesterol có hại và tổng mức cholesterol) giảm nhiều ở nhóm ăn cơm gạo nếp cẩm.
Những nghiên cứu khác cũng cho rằng gạo nếp cẩm là siêu thực phẩm chống ung thư.
Nhóm nghiên cứu từ Đại học bang Louisiana (Mỹ) đã phân tích mẫu cám lấy từ gạo nếp cẩm trồng ở miền Nam nước này. Họ phát hiện thấy chúng chứa hàm lượng rất cao chất chống oxi hóa anthocyanin - một chất có tiềm năng chống lại bệnh ung thư, tim mạch và nhiều bệnh khác. Anthocyanin tạo ra màu đen sẫm cho nhiều loại rau, quả như việt quất, ớt... Các nhà nghiên cứu cho rằng chất chống oxi hóa màu đen này giúp bảo vệ thành mạch và ngăn ngừa sự phá hủy ADN - yếu tố dẫn đến ung thư. Theo UPI, gạo nếp cẩm có màu đen sẫm, khi nấu lên sẽ chuyển thành màu tím sẫm. Nó chứa nhiều khoáng chất và một vài loại amino axit.
 Cơm rượu nếp cẩm giúp phòng bệnh tim mạch.
Các món thông thường từ nếp cẩm là xôi nếp cẩm, rượu cơm nếp cẩm, gần đây ở Hà Nội còn có món sữa chua nếp cẩm ăn cũng thú vị và tuyệt vời.   
Dưới đây, xin giới thiệu cách chế biến món rượu nếp:
 * Rượu nếp than (nếp cẩm).
 Nếp có màu tím đỏ. Cách làm như với nếp lức (phân lượng 1kg nếp) nhưng thời gian sẽ để lâu hơn với mục đích lấy nước rượu để uống. Lưu ý vài chi tiết như sau:
Cho xôi đã trộn men vào 2/3 thể tích vật chứa như hũ, lọ với nửa lít rượu trắng trên 40 độ. Đậy kín để ở chỗ thoáng mát, không có ánh sáng chiếu trực tiếp vào, nơi bóng tối càng tốt. Để trong 15 - 17 ngày, quan sát thấy hạt xôi chuyển thành dạng bột hoàn toàn và lắng xuống đáy hũ thì nhẹ tay chắt lấy phần nước rượu trong ở trên ra bình chứa khác (phần rượu có chất bột để riêng, đậy kín rồi để thêm 15 ngày nữa vẫn trong chỗ thoáng mát, không có ánh sáng... là uống được.
Tùy ý có thể cho thêm nước đường và rượu trắng vào để thay đổi chất lượng rượu.
 Chú ý: Cơm rượu có thành công hay không là do viên men cũ hay mới, tốt hay xấu.
* Rượu nếp cẩm
 Người ta hay nói rượu cẩm hạ thổ bách nhật là rượu nếp làm bằng nếp than chôn dưới đất 100 ngày. Xôi nấu bằng nếp than, khi làm rượu xong cho màu rượu rất giống màu lá cẩm nấu ra. Còn chôn dưới đất là một hình thức ủ cất truyền thống, đơn giản những loại rượu ngắn ngày của vài quốc gia Á đông. Hình thức này tương tự ở châu Âu, người ta ủ rượu trong những hầm sâu (cave) dưới đất.  
BS. Hoàng Xuân Đại

Cây đơn kim chữa bệnh

Cây đơn kim còn có tên là đơn buốt, cúc áo, tử tô hoang, tiểu quỷ châm, cương hoa thảo, rau bô binh... là cây thảo mọc hoang, thường thấy ở ven đường, bờ ruộng, bãi hoang quanh nhà. Cây có thể cao từ  0,40-1m. Thân và cành đều có những rãnh chạy dọc, có lông. Lá mọc đối, cuống dài, lá chét hình mác, phía đáy hơi tròn, cuống ngắn, mép lá chét có răng cưa to thô. Cụm hoa hình đầu, màu vàng, mọc đơn độc hay từng đôi một ở nách lá hay đầu cành. Quả bế hình thoi, 3 cạnh, không đều, dài 1cm, trên có rãnh chạy dọc. Theo y học cổ truyền, cây đơn kim 3 lá có vị ngọt nhạt, tính bình. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tán ứ, tiêu thũng. Dùng chữa cảm, cúm, họng sưng đau,  viêm ruột,  trẻ nhỏ cam tích, chấn thương, mẩn ngứa, lở loét...
Một số bài thuốc thường dùng:
Cây đơn kim
- Chữa viêm họng do lạnh: Đơn kim cả hoa và lá, kim ngân hoa, sài đất, lá húng chanh, cam thảo đất, mỗi thứ 10-15g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 lần. Dùng trong 5-7 ngày.
- Chữa đau nhức do phong thấp:  Lấy đơn kim 30-60g, rửa sạch sắc nước uống, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng 10-15 ngày.
- Chữa trẻ nhỏ cam tích: Đơn kim 15g, gan lợn 30-60g. Rửa sạch lá đơn kim rồi cho lá xuống đáy nồi, đổ ngập nước, đặt gan lên phía trên hấp chín, ngày chia 2 lần, ăn liền 5-7 ngày.
- Chữa chấn thương phần mềm nhẹ, tụ máu đau nhức: Đơn kim cả lá và hoa, lá cây đại, mỗi vị 10-15g, giã nát, băng đắp vào chỗ đau, ngày 1-3 lần.
- Chữa đau răng, sâu răng: Đơn kim cả hoa và lá, rửa sạch cho vào ít muối, giã nhỏ đặt vào chỗ đau. Hoặc lấy đơn kim 50g, rửa sạch, ngâm với 250ml rượu trắng (theo tỷ lệ 1/5). Trường hợp bị đau răng, ngậm trong miệng một lúc rồi nhổ đi.
- Chữa đau lưng do làm gắng sức: Đơn kim 150-180g, rửa sạch sắc lấy nước, thêm 250g đại táo, đường đỏ và chút rượu trắng, nấu nhỏ lửa cho đến khi táo chín nhừ; Chia 4-5 lần uống trong 2 ngày, uống liền 7-10 ngày. 
- Chữa mẩn ngứa do dị ứng thời tiết: Đơn kim 100-200g, nấu với 4-5 lít nước tắm, đồng thời lấy bã xát kỹ lên vết mẩn. Thường chỉ dùng 1-2 lần là có kết quả.
Ngoài ra trong nhân dân cũng có một cây khác có tên là đơn buốt hay đơn kim hay quỷ trâm thảo (Bidens bipinnata L., cùng họ cúc) cũng mọc hoang khắp nơi. Cây này chỉ khác cây trên ở chỗ số lá kép nhiều hơn 3, cụm hoa  hình đầu, màu vàng.
Bác sĩ Thu Vân

Hoa hồng chữa bệnh đường tiêu hóa


 Hoa hồng làm thuốc.
Hoa hồng được trồng ở vườn nhà hoặc tự mọc. Theo Đông y, hoa hồng ngọt, ấm, hơi đắng, khí thơm, không độc. Khi hái hoa về, bỏ đài, cuống, phơi trong râm cho khô rồi cất vào lọ kín, không phơi nắng để khỏi tan hương vị của hoa.
Công dụng: hành khí, giải uất, nhu nhuận gan, ích dạ dày, làm ngừng chảy máu. Chủ trị: vào 2 kinh can, tỳ, hòa huyết, hành khí, trị phong tê đau nhức.
Bài thuốc có hoa hồng:
Trị viêm đại tràng mạn, đi lỵ nhiều lần: vỏ cây canh ki na 50g, hoa hồng tươi 70g, rễ đại hoàng 0,30g. Đổ 150ml nước sắc còn 70ml, chia uống 2 lần trong ngày  trước bữa ăn 45 phút.
Trị lỵ nặng, cấm khẩu: dùng hoa hồng phơi trong bóng râm, sắc nước đặc, uống thay trà trong ngày.
Trị rối loạn tiêu hóa (không thích ăn hoặc thèm ăn vô độ): cánh hoa hồng 30g, hoa kim cúc 30g. Đổ nước vừa đủ đun sôi còn một nửa, pha đường cô thành sirô. Mỗi lần uống 100 - 150ml, ngày uống 2 - 3 lần. Hoặc: hoa hồng 6g, hoa nhài 3g, kim ngân hoa 9g, cam thảo 3g. Hãm nước sôi, uống trong ngày.
Trị đau dạ dày: hoa hồng 15g hãm uống.
Trị nôn ra máu: dùng 100 bông hoa hồng mới nở, đổ nước vừa đủ sắc còn một nửa, hòa đường trắng nấu thành cao. Ngày uống 3 - 4 lần, mỗi lần 2 thìa canh.
Trị nôn ra chất dịch đỏ: hoa hồng không kể nhiều ít, giã nhừ hòa đường trắng nấu thành cao. Ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 2 thìa canh với nước ấm.
Trị vùng dưới sườn phải và trái đau: dùng hoa hồng phơi trong bóng râm sắc uống thường xuyên thay trà.
Loét lợi, lở mép, rộp lưỡi: bột hoa hồng ngâm rượu, đun sền sệt, bôi vết loét.
Trị bệnh trĩ: dùng gạc thấm nước hoa hồng đắp xương cùng cụt. Đun nước lá dấp cá rửa trĩ.
Viêm lợi, khoang miệng, viêm chân răng: hoa hồng khô tán bột hòa mật ong đắp chỗ viêm.
Trị hôi miệng: hoa hồng 5g, hãm nước sôi để nguội, ngậm, súc miệng rồi nhổ đi. Hoặc hoa hồng rửa sạch nhai, ngậm rồi nhổ đi. 
Lương y. Minh Chánh

Rượu ô môi trị đau nhức xương

Quả ô môi.
Cây ô môi có tên khoa học là Cassia grandis L.F thuộc họ Đậu (Fabaceae). Cây ô môi được trồng và mọc hoang ở nhiều địa phương ở Nam Bộ. Đến mùa hoa, thấy đỏ rực ở thân cây và các cành lớn. 
Là cây thân gỗ cứng chắc, to cao 12 – 15m vỏ thân nhẵn, cành non có lông màu rỉ sắt, cành già màu nâu đen. Lá kép lông chim gồm khoảng 12 đôi lát chét. Hoa màu hồng tươi, mọc thành chum ra ở chỗ sẹo lá đã rụng, chùm hoa thõng xuống, dài tới 20 – 40cm. Quả hình trụ, cong như lưỡi liềm đường kính 3 – 4cm, dài 50 – 60cm màu lục, khi già khô cong, có 50 – 60 ô, ngăn cách nhau bởi một vách dày 0,5mm, giòn. Mỗi ô chứa một hạt dẹt cứng. Ở vách ngăn có lớp cơm mềm màu nâu đen, vị ngọt chát nhẹ, mùi hắc. Chính thứ cơm màu nâu đen đặc sền sệt chứa trong quả ô môi này được dùng ngâm rượu làm thuốc bổ để uống bồi bổ sức khỏe.
Mùa thu, khi quả ô môi đã chín, hái quả về, bỏ vỏ, bỏ hạt, chỉ lấy cơm ngâm rượu. Rượu ô môi được nhân dân ta dùng làm thuốc bổ, giúp sự tiêu hóa, làm ăn ngon miệng, ngoài ra còn có tác dụng chữa đau lưng, đau xương.
Ngoài việc ngâm rượu uống, nhân dân ta còn lấy cơm quả ô môi nấu cao mềm làm thuốc uống kích thích tiêu hóa, nhuận tràng. Người ta đã phân tích thành phần hóa học thấy trong cơm quả ô môi có glucid, chất nhày, tanin, saponin, calci oxalat, antraglucozit, tinh dầu và chất nhựa.
Trái ô môi khi già khô cứng, để trong nhà vài năm vẫn không bị hư hỏng. Ở nhiều chợ miền Nam có bán trái ô môi, bó thành như bó củi. Trẻ em nông thôn rất ưa thích ăn quả ô môi, chúng thường cạo lấy lớp cơm quả ăn trực tiếp.
Để tham khảo và áp dụng, dưới đây xin giới thiệu vài phương thuốc được sử dụng từ quả ô môi.
Rượu ô môi: làm thuốc bổ, giúp sự tiêu hóa, làm ăn ngon miệng, ngoài ra còn có tác dụng chữa đau lưng, đau xương. Trung bình một quả ô môi có thể ngâm với 500 ml rượu 25 – 30 độ cồn. Ngâm trong 15 – 20 ngày là dùng được, nhưng càng để lâu càng tốt. Liều dùng: ngày uống hai lần, mỗi lần một chén nhỏ trước bữa ăn.
Chữa trị đau thấp khớp: Vỏ ô môi 50g, dây đau xương 100g, cốt toái bổ 100g, nhục quế 30g. Ngâm trong 1.000ml rượu đế 30 – 40 độ cồn trong 15 – 20 ngày. Mỗi ngày uống 2 lần từ 30 – 60ml.
Trị lở ngứa da, lang ben, hắc lào (lác): Lấy lá ô môi giã nát xát tại chỗ hoặc giã nát ngâm với rượu tỷ lệ 1/1 để bôi ngày vài lần.          
BS. Hoàng Xuân Đại

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons