Lươn vàng còn gọi là thiên ngư, trương ngư - một trong “bốn món tươi ngon dưới sông” (tứ đại hà tiên). Thịt lươn có nhiều chất đạm, bột, đường, lecithin, các vitamin B1, B2, PP, K, A, E, D và Fe , Ca, P.
Theo Đông y, lươn vàng tính ôn, vị ngọt, có công hiệu bổ ngũ tạng, bổ trung, ích khí, dưỡng huyết, ôn dương, bồi bổ can, thận, làm mạnh gân cốt, khử phong thấp, thông kinh mạch. Thích hợp với các chứng thiếu máu lao lực, ho hen, phong thấp đau nhức, gân cốt rã rời, thận hư đau lưng, liệt mặt ngoại biên, tiêu khát, kiết lỵ. Ngoài là nguyên liệu để chế biến nhiều món ăn hấp dẫn, lươn còn là vị thuốc quý, đặc biệt đối với trẻ em.
Chữa trẻ biếng ăn, ăn không tiêu, mồ hôi trộm: Thịt lươn: 1 con (250 - 300g), kê nội kim (màng mề gà) 6g; hành, gừng, nước tương, muối, bột ngọt vừa đủ. Lươn làm thịt, bỏ nội tạng, rửa sạch, cắt đoạn dài 6cm, kê nội kim rửa sạch, bỏ vào bát sứ cùng thịt lươn, gia hành, gừng, rượu, muối, nước tương, dùng lửa lớn rồi hạ nhỏ, chưng chín, cho chút bột ngọt vào, trộn đều là được.
Canh lươn.
|
Chữa tiêu chảy ở trẻ em
(ngày đi ngoài 5 - 6 lần, phân chua hoặc thối khắm). Lươn 125g, kê nội kim 5g, hoài sơn 10g, gừng tươi 2 lát. Lươn làm sạch xào với gừng cho thơm, tưới ít rượu, cho nước vừa đủ rồi cho kê nội kim và hoài sơn vào. Dùng lửa lớn rồi hạ nhỏ đun 1 giờ cho gia vị. Trẻ nhỏ uống phần nước.
Chữa trẻ em suy dinh dưỡng, bụng ỏng, đít beo, phân sống, gầy còm, biếng ăn: Lươn nấu sâm quy. Thịt lươn 300g, đương quy 15g, đẳng sâm 15g, hành tây 25g, gừng tươi 15g, muối ăn vừa đủ. Lươn rửa sạch, thái sợi, đương quy và đẳng sâm cho vào túi vải, bỏ vào nồi cùng thịt lươn, đổ nước nấu trong 1 giờ, vớt bỏ túi thuốc, gia hành, gừng muối, nấu thêm 1 tiếng nữa là được. Ăn thịt lươn và nước. Món này bổ hư rất tốt. Ăn thường xuyên có tác dụng bổ dưỡng, chữa thần kinh và thể lực suy nhược do ốm lâu ngày, khí huyết bất túc, gầy yếu, da vàng héo.
Lưu ý: Chọn những con lươn còn tươi sống. Không ăn lươn màu xanh.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét