Cây vảy rồng còn có tên là mắt trâu, đồng tiền
lông, mắt rồng, kim tiền thảo. Là cây cỏ, cao 30 - 50cm, ngọn non dẹt và
có phủ lông tơ, màu trắng. Lá mọc so le, gồm một hoặc 3 lá chét tròn
dài 1,8 - 3,4cm, rộng 2 - 3,5cm, do đó có tên là đồng tiền, mặt dưới có
lông trắng bạc, mặt trên có những đường gân rất rõ.
Hoa màu tía, mọc thành chùm xim ở kẽ lá. Quả đậu nhỏ,
giữa các hạt thắt lại. Cây mọc hoang ở các vùng rừng núi và được trồng
bằng hạt làm thuốc. Thu hái chủ yếu vào mùa hè - thu, dùng tươi, phơi
hoặc sao khô.
Các nghiên cứu cho thấy cây vảy rồng có tác dụng lợi
tiểu, lợi mật, kháng sinh, kháng viêm, hạ huyết áp. Công dụng chủ yếu
lợi mật, thông tiểu tiện, thường dùng chữa sỏi thận, sỏi mật, sỏi bàng
quang, phù thũng, viêm đường tiết niệu, khó tiêu… dạng thuốc sắc. Dùng
riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác. Thời gian điều trị phụ thuộc
vào kích thước và vị trí của sỏi trong đường tiết niệu.
Cây vảy rồng có tác dụng lợi tiểu, lợi mật, kháng viêm...
|
Một số bài thuốc thường dùng:
Chữa viêm đường tiết niệu: Cây vảy rồng
60g, mã đề, bòng bong, kim ngân hoa, mỗi vị 15g. Tất cả cho vào ấm đổ
800ml nước, sắc còn 500ml, uống thay trà hàng ngày. Sắc uống 1 tháng.
Chữa sỏi đường mật: Cây vảy rồng, nhân
trần mỗi vị 40g; sài hồ, mã đề mỗi vị 16g; chi tử 12g; chỉ xác, uất kim
mỗi vị 8g; nha đạm tử 6g, đại hoàng 4g. Sắc uống ngày một thang. Uống
trong 2 tháng.
Chữa sỏi đường tiết niệu: Cây vảy rồng
40g; mã đề, tỳ giải mỗi vị 20g; trạch tả, uất kim, ngưu tất mỗi vị 12g;
kê nội kim 8g. Sắc uống ngày một thang. Uống liên tục 1 - 2 tháng.
Chữa sỏi thận (thể thấp nhiệt): Với biểu
hiện người trì trệ, nước tiểu vàng hoặc đỏ, đái đục có cặn, có sỏi, đau,
nặng, tức vùng thắt lưng: Cây vảy rồng 30g, quả dành dành 20g, vỏ núc
nác 16g, hoa, lá mã đề 20g, xương bồ 8g, mộc thông 12g, tỳ giải 30g, cam
thảo đất 16g, ý dĩ nhân 20g, quế chi 4g. Cho các vị thuốc vào ấm đất
với 4 bát nước, đun nhỏ lửa, còn 2 bát, chắt ra, cho nước sắc tiếp, mỗi
lần lấy 1,5 bát, trộn chung cả 3 lần, chia uống nhiều lần trong ngày.
Uống liên tục 2 - 3 tháng.
Chú ý: Phụ nữ có thai không dùng. Người
đau dạ dày nên uống thuốc vào lúc no, người mắc bệnh mạn tính cần phải
đi bắt mạch kê đơn tại cơ sở y tế.
Bác sĩ Nguyễn Thúy Anh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét