(SKDS) – Mùa hè nắng nóng, các loại đậu, đỗ như đỗ xanh, đỗ đen, đỗ đỏ được tiêu thụ mạnh bởi người dân mua về nấu cháo, nấu chè ăn giải nhiệt, đặc biệt là đậu xanh. Các sản phẩm từ hạt đậu xanh như vỏ đậu xanh, giá đậu xanh đều có tác dụng chữa bệnh.
Hạt đậu xanh: giàu protein, chất béo, carbonhydrat, các flavonoid, carotenoid, các acid amin; các vitamin A, B1, B2, B6, PP, C, acid folic, acid panthotenic, các nguyên tố Na, K, Ca, P, Fe, Cu. Theo y học cổ truyền, đậu xanh có vị ngọt, tính mát, vào các kinh tâm, vị, với công năng thanh nhiệt, tiêu thử, lợi thủy, giải độc, mát gan. Hạt đậu xanh được sử dụng điều trị một số chứng bệnh sau đây:
Trúng thử (say nắng, say nóng):
do mất tân dịch, người bệnh có biểu hiện nôn nao, chóng mặt và bị choáng, ngã, đôi khi bất tỉnh. Sau khi sơ cứu, lấy 30g đậu xanh sắc nước cho uống. Người bệnh sẽ mau chóng hồi phục trở lại. Có thể làm vài lần cho cơ thể bình phục hoàn toàn.
Trị sỏi đường tiết niệu: đậu xanh 25g, kê nội kim, kim tiền thảo, hải kim sa, ngưu tất mỗi vị 6g. Tán bột mịn, ngày uống 2 lần, mỗi lần 15g.
Kê nội kim (màng mề gà) và đậu xanh là hai vị thuốc trị sỏi đường tiết niệu.
|
Trị tiểu đường:
đậu xanh, đậu đỏ, ý dĩ mỗi thứ 40g nấu cháo ăn hằng ngày. Hoặc đậu xanh, tiểu mạch, gạo tẻ lượng bằng nhau, sao vàng, tán bột, mỗi ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 10 - 12g.
Giải độc thuốc trong trường hợp bị ngộ độc một số vị thuốc như phụ tử, mã tiền, hoàng nàn, ba đậu... hoặc giải độc rượu: lấy khoảng 20 - 30g đậu xanh sống, nghiền nhỏ, hòa vào nước sôi để nguội cho uống để người bệnh nôn chất độc ra. Đồng thời nấu cháo đậu xanh cho người bệnh ăn, vừa để giải độc, vừa để phục hồi tân dịch.
Trị ngộ độc (ăn dứa, ăn nấm...): dùng 20 - 30g đậu xanh, phối hợp với cam thảo, kim ngân hoa, bồ công anh mỗi vị 12g, sắc uống. Có thể uống nhiều lần tới khi hết các triệu chứng.
Đậu xanh còn được dùng trị chứng tăng huyết áp, tăng mỡ máu, giải độc gan và tăng cường khả năng chống ôxy hóa cho cơ thể bằng cách hằng ngày ăn 20 - 30g cháo đậu xanh.
Vỏ hạt đậu xanh: trị sốt cao, phiền khát, hôn mê, co giật. Vỏ đậu xanh chứa nhiều hợp chất flavonoid: quercetin, vitexin và isovitexin... Đem vỏ đậu xanh rửa sạch, phơi khô hoặc sấy khô, bảo quản trong dụng cụ chống ẩm. Vỏ đậu xanh phối hợp với sinh địa, thạch cao, huyền sâm mỗi vị 10g. Sắc uống ngày 1 thang tới khi các triệu chứng thuyên giảm.
Giá đậu xanh hỗ trợ trị viêm niêm mạc miệng, táo bón.
|
Giá đậu xanh:
rất giàu acid amin và vitamin A, E, C và vitamin nhóm B, có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh như viêm đường tiết niệu, tiểu buốt dắt, nước tiểu nóng đỏ, viêm niêm mạc lưỡi, miệng, táo bón, hoặc đi ngoài ra máu. Dùng dưới dạng tươi sống hoặc chế biến với các thực phẩm khác trong các món ăn hằng ngày.
GS.TS.Phạm Xuân Sinh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét