(SKDS) – Cây gai có tên khoa học là Boehmeria nivea- họ gai (Urticaceae), trong dân gian còn gọi là cây lá gai, trữ ma, gai tuyết, chiều đủ (Dao), bâu pán (Tày), hạc co pán (Thái)… Cây gai cao khoảng 1m, gốc hóa gỗ, cành non và cuống lá màu tím đỏ, có lông. Lá mọc so le, có cuống, mép khía răng, mặt dưới có lông trắng bạc. Hoa đực và hoa cái tụ tập thành bông kép, ở kẽ lá. Quả bế có đài tồn tại. Toàn cây có tinh dầu thơm mùi quýt. Các bộ phận khác có vị đắng, the, mùi thơm, tính ấm, không độc.
Cây gai thường trồng, mọc nơi ẩm ướt để lấy lá làm bánh gai, vỏ lấy sợi và rễ củ thường được Đông y dùng làm thuốc.
Cây gai.
|
Theo Đông y, rễ gai vị ngọt tính hàn không độc, vào các kinh: phế, tỳ, can, bàng quang, có tác dụng kháng khuẩn, lợi tiểu, bổ âm, thanh nhiệt, chỉ huyết, giải độc, tan ứ, đau bụng ra huyết, sa viêm tử cung, trị bệnh nhiệt, khát nhiều, đái rắt, đái buốt, đái và đi ngoài ra máu, nhọt sưng, phụ nữ vú sưng đau...
Các bài thuốc có sử dụng rễ gai
Dưỡng thai: Dùng rễ gai tươi hoặc khô 30g, sắc với 600ml nước (chừng 3 bát ăn cơm), lấy nước cô đặc lại còn 200ml (1 bát), chia 3 lần uống trong ngày. Dùng trong 2 ngày.
Trị ho hen, đờm suyễn: Rễ gai 20g và đường cát nấu nhừ, ăn ngày 4 - 5 lần. Ăn liên tục 5 - 7 ngày.
Cây cối xay.
|
Trị bí tiểu:
Dùng rễ gai 2 nắm tay, đập nát. Nước 500ml, sắc còn 200ml uống hai lần trong ngày. Hoặc dùng rễ gai và lá bánh tẻ chừng 10 - 30g, sắc lấy nước chia 3 lần uống trong ngày. Uống từ 5 - 7 ngày.
Trị người nóng, nhiệt, tiểu tiện đỏ gắt: Rễ gai 20g, lá cây cối xay 20g, nhân trần 15g, cát căn 10g. Tất cả cho vào 400ml nước, đun sôi 15 phút, dùng uống thay nước trà trong ngày. Uống liên tục 7-10 ngày.
Trị mụn nhọt (mới sưng): Giã rễ gai đắp, hai ngày thì thay. Có thể kết hợp lấy 12 - 20g rễ gai sắc uống, chia 3 lần uống trong ngày.
Trị tiểu ra máu do viêm đường tiết niệu (thể nhẹ): 10g rễ gai đập dập hòa với 500ml nước, vắt lấy 400ml nước rồi đem cô lại còn 200ml, uống lúc chiều tối trong ngày. Uống 5 - 7 ngày.
Lương y Văn Sĩ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét