Chu sa, thần sa hay còn gọi là châu sa, đơn sa
(Cinnabaris) là một loại khoáng thạch có màu đỏ, có nguồn gốc ở Trung
Quốc. Chu sa, thần sa đã được Ðông y sử dụng tới 2.000 năm nay để làm
thuốc trấn kinh, an thần trong các bệnh co giật và mất ngủ. Sau đây là
một số lưu ý khi dùng chu sa, thần sa chữa bệnh.
rong Đông y, chu sa, thần sa là một thành phần trong nhiều cổ phương nổi tiếng như: Ngưu hoàng trấn kinh tán, Ngưu hoàng thiên kim tán, Ngưu hoàng bào long hoàn, Bá tử dưỡng tâm hoàn, Tiểu nhi kinh phong tán...
Về thực chất, chu sa và thần sa chỉ là một, đều là khoáng thạch có chứa
sunfua thủy ngân và sunfua selen. Khác là chu sa thường ở thể bột đỏ,
còn thần sa thường ở thể cục thành khối óng ánh, to nhỏ không đều nhau,
có màu đỏ tối hay đỏ tươi, thể chất nặng song dễ vỡ, không mùi, vị nhạt.
Theo Đông y, chu sa, thần sa đều có vị ngọt, tính hơi
hàn, có độc. Nhập vào kinh tâm, có công năng thanh tâm, trấn kinh, an
thần, giải độc. Được dùng để trị các chứng hay bị hoảng hốt, mất ngủ,
ngủ hay mê sảng, giật mình, trẻ con hay khóc đêm, bị co giật khi sốt
cao... Trong sách cổ có quy định, chu sa, thần sa bao giờ cũng phải dùng
sống một cách tuyệt đối, có nghĩa là không được qua lửa hoặc không được
giã nghiền trực tiếp để sinh nhiệt. Vì nếu gia nhiệt sẽ làm cho các
thành phần như sunfua thủy ngân (HgS) trong đó bị phân hủy thành thủy
ngân nguyên tố (Hg) gây độc cho cơ thể, nhẹ thì có thể dẫn đến thâm lợi,
sưng lợi...; nặng có thể nguy hiểm cho tính mạng. Do vậy, trước khi
dùng cần được chế biến đúng phương pháp (thủy phi), sử dụng đúng liều
lượng quy định.
Khi chế biến và sử dụng chu sa cần đúng phương pháp nếu không sẽ gây độc cho cơ thể.
|
Cách chế biến thần sa, chu sa
Cách 1: Nếu dùng với số lượng ít, cho vài
ba thang thuốc Đông y, có thể đem chu sa, thần sa, mài vào cái bát sứ đã
chứa ít nước sạch, cho tan hết phần bột, làm nhiều lần, bỏ phần cặn,
gạn hoặc dùng nam châm để hút các cặn sắt đi. Lấy phần bột mịn đỏ, hòa
vào thuốc sắc đã để nguội mà uống, với liều 0,3 - 1,5g/ngày.
Cách 2: Nếu dùng với số lượng lớn hơn, chu
sa, thần sa thường cho vào cối sứ hoặc lon sành, cho nước sạch vào rồi
nghiền làm nhiều lần, mỗi lần gạn lấy phần nước có bột đỏ sang một dụng
cụ khác như can, chậu sành..., để lắng vài giờ, gạn bỏ phần nước trong ở
trên, thu lấy bột mịn màu đỏ. Có thể tinh chế vài lần như vậy. Sau đó
cho ra mâm nhôm hay khay men... phơi trong bóng râm cho tới khô. Lấy
phần bột mịn màu đỏ, bảo quản trong lọ thủy tinh sạch, nút kín, để nơi
cao ráo, tránh ánh sáng.
Cách 3: Trong các xí nghiệp sản xuất thuốc
Đông dược, khi cần sản xuất số lượng lớn thần sa, chu sa, phải xay
nghiền trong các cối bằng đá, song nhất thiết phải luôn luôn xay nghiền
cùng với nước sạch để làm nguội (do nhiệt sinh ra trong quá trình xay
nghiền dễ tạo ra thủy ngân nguyên tố). Sau đó các quá trình tiếp theo
cũng làm theo các cách trên.
Như vậy, cần hết sức lưu ý là không cho chu sa, thần sa vào sắc cùng với thang thuốc thảo mộc.
Chu sa, thần sa được dùng chữa bệnh
Chữa mất ngủ, hay giật mình, mê sảng, giấc ngủ không yên, trẻ con hay khóc đêm...: dùng riêng bột chu sa, thần sa, hòa thêm chút mật ong hay ít nước đường vào cho dễ uống.
Chữa tâm thần bất an, mất ngủ, tim loạn nhịp, di tinh: dùng tim lợn hấp chín, rồi chấm với bột chu sa, thần sa mà ăn.
Lưu ý: Nếu thần sa, chu
sa là một trong nhiều vị của một thang thuốc thảo mộc khác, trước hết
phải sắc các vị thuốc thảo mộc như bình thường. Gạn lấy nước sắc, để
nguội, rồi cho bột chu sa, thần sa với lượng phù hợp vào, quấy đều, uống
ngày 2 - 3 lần trước bữa ăn khoảng 1,5 giờ. Ngoài ra, trong sản xuất
thuốc, nếu trong thành phần có chu sa, thần sa, có thể lấy chính loại
bột này để bao phía ngoài của các viên thuốc hoàn.
Tóm lại, để tránh những hậu quả có thể xảy ra đối
với người bệnh khi dùng chu sa, thần sa, thì cách chế biến, bào chế vị
thuốc này cũng như liều dùng và cách dùng của vị thuốc, cần tuân thủ
nghiêm ngặt theo các phương pháp và các quy định đã đề ra.
GS.TS. Phạm Xuân Sinh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét