Trong y học cổ truyền, thịt hến có tên gọi là nghiễn nhục,
có vị ngọt mặn, tính hàn, không độc; có tác dụng hoạt tràng, thông khí, mát
gan, thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu. Vỏ hến (nghiễn xác) có vị mặn, tính ấm,
không độc; có tác dụng cố tinh, làm se, long đờm, chống nôn,…
Hến là một thực phẩm chứa nhiều vitamin B12 và sắt, rất tốt
cho những người thiếu máu. Hến cũng ít chất béo, ít cholesterol và nhiều axit
béo omega-3, thích hợp cho người bệnh tim mạch.
Canh hến nấu bầu, món ăn - bài thuốc chữa bệnh.
|
Bồi bổ sức khoẻ, thanh nhiệt, giải khát, trừ phiền: Hến 2kg,
bầu 1 quả non. Mỡ, mắm, muối, hành, thì là, gia vị vừa đủ. Luộc hến gạn lấy
nước, đãi lấy thịt để riêng. Bầu gọt vỏ băm nhỏ hoặc thái miếng. Đun sôi nước
luộc hến thả bầu vào nấu chín, cho hành và thì là vào. Đun sôi mỡ, phi thơm
hành rồi cho thịt hến và gia vị vừa đủ, đảo đều đến khi thịt hến săn lại. Cho
thịt hến vào canh bầu hoặc để riêng ăn.
Chữa chứng mồ hôi trộm ở trẻ em: Thịt hến 100g, sò biển
100g, gạo tẻ 50g, rễ hẹ 3g, gia vị vừa đủ. Thịt hến, sò hấp cách thủy, băm nhỏ,
ướp gia vị; rễ hẹ giã nhỏ; gạo nấu thành cháo. Khi cháo chín, cho sò hến và hẹ
vào đun chín. Ăn 1 ngày 1 lần. Dùng 5 - 7 ngày.
Chứng hay đi tiểu đêm: Thịt hến 50g, thịt lợn nạc 100g. Tất
cả ninh nhừ, thêm gia vị vừa đủ. Ăn trong ngày. Có thể dùng thường xuyên.
Chữa dương nuy, ít tinh: Thịt hến 300g, lá hẹ 100g, dầu ăn
50ml, gia vị vừa đủ. Lá hẹ rửa sạch thái khúc. Đổ dầu vào chảo, đun nóng, cho
hến vào thêm gia vị, xào cho săn, cho lá hẹ vào, đảo đều với hến khoảng 5 phút,
bắc ra ăn nóng.
Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp: Hến 1kg, lá dâu bánh tẻ 30 -
50g, hành hoa, gia vị vừa đủ. Hến rửa sạch luộc đãi lấy ruột, nước để lắng gạn
lấy phần nước trong bên trên. Lá dâu rửa sạch để ráo, thái sợi. Phi thơm hành
mỡ cho hến vào xào săn, tiếp đó cho lá dâu vào xào chín, cho thêm ít nước hến,
nêm gia vị vừa đủ, múc ra bát rắc rau răm, hành hoa lên ăn nóng. Có thể dùng
thường xuyên. Công dụng: bổ âm, hạ áp, an thần, lợi tim mạch, nhuận gan mật,
lợi tiểu,… dùng tốt cho người bệnh tăng huyết áp, tim mạch, bí đại tiểu tiện,…
Lưu ý: Hiện nay có nhiều vùng sông, suối, mương,… bị ô nhiễm
nặng do nước thải của các cơ sở sản xuất, nhà máy. Các loài cua, cá, trai, hến
sống ở vùng nước bị ô nhiễm cũng có thể bị nhiễm độc. Do đó người dân không nên
cào hến ở những khu vực này làm thức ăn.
Bác sĩ Thu Vân
0 nhận xét:
Đăng nhận xét